eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tiền liệt tuyến hay viêm tuyến tiền liệt là một dạng viêm nhiễm tại bộ phận tuyến tiền liệt và thường biểu hiện dưới hai dạng cấp tính và mạn tính. Tuyến tiền liệt là cơ quan nằm ngay dưới bàng quang của nam giới. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản sinh ra tinh dịch - chất lỏng giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.Căn bệnh này thường gặp ở nam giới 20-40 tuổi.

TRIỆU CHỨNG

Ớn lạnh và sốt, khó chịu bụng dưới, đau ở vùng giữa các bộ phận sinh dục và hậu môn, rát khi đi tiểu, tiểu khó, bí tiểu, xuất tinh đau, đau khi đại tiện, đau lưng.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Chẩn đoán được thực hiện bằng cách xem xét tuyến tiền liệt trong thăm khám trực tràng và kiểm tra các dấu hiệu của viêm nhiễm trong nước tiểu. Nuôi cấy nước tiểu có thể xác định được vi khuẩn.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), xét nghiệm nước tiểu.

ĐIỀU TRỊ

Kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc, lý liệu pháp và trong một số ít trường hợp bao gồm cả phẫu thuật. Nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt cấp, bạn có thể phải viện một vài ngày để tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch. Kháng sinh đường uống là thường có hiệu quả, phổ biến nhất là: trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim), fluoroquinolones (Floxin, Cipro, levaquin), và các dẫn xuất tetracycline.

Tổng quan

Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ chung chỉ tình trạng viêm của tuyến tiền liệt - một cơ quan nằm ngay dưới bàng quang của nam giới. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản sinh ra tinh dịch - chất lỏng giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

Lúc mới sinh, tuyến tiền liệt của bé trai có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan. Nó to lên chút ít trong thời thơ ấu và sau đó phát triển mạnh ở tuổi dậy thì. Khi được 20 tuổi, tuyến tiền liệt có kích thước của người trưởng thành. Sau tuổi 45, tuyến tiền liệt thường bắt đầu to lên một lần nữa khi các tế bào ở phần giữa tuyến bắt đầu sinh sản nhanh hơn bình thường.

Tuyến tiền liệt có vai trò rất quan trọng đối với tiết niệu vì nó bao quanh phần đỉnh của ống dẫn nước tiểu từ bàng quang (niệu đạo). Khi nhiễm trùng hoặc viêm tuyến tiền liệt có thể sưng nề, làm hẹp niệu đạo và ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện.

Tuyến tiền liệt viêm có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm tiểu gấp, tiểu rắt và cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu - thường đi kèm với đau vùng chậu, háng hoặc thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt biểu hiện ở nhiều thể. Thể cấp tính là ít gặp nhất nhưng cũng nặng nhất. Triệu chứng thường đột ngột và người bệnh phải nằm viện. Triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính có khuynh hướng diễn tiến chậm hơn và không nặng như viêm tuyến tiền liệt cấp tính.  

Không phải lúc nào cũng có thể loại trừ hoàn toàn viêm tuyến tiền liệt, nhưng trong nhiều trường hợp có thể kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài thuốc, các điều trị như liệu pháp nhiệt, phản hồi sinh học và đôi khi chỉ cần uống nhiều nước hoặc tránh một số loại thức ăn là đã có thể giảm được bệnh.

Nguyên nhân

Viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn

Vi khuẩn có trong đường tiết niệu hoặc đại tràng gây nên kiểu viêm tuyến tiền liệt này. Hay gặp nhất là viêm tuyến tiền liệt cấp bắt nguồn từ tuyến tiền liệt, nhưng đôi khi nhiễm trùng có thể lan từ nhiễm trùng bàng quang hoặc niệu đạo.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

Chưa rõ nguyên nhân gây nên nhiễm trùng mạn tính do vi khuẩn. Đôi khi vi khuẩn vẫn ở trong tuyến tiền liệt sau khi viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Ống thông dùng để dẫn lưu nước tiểu trong bàng quang, chấn thương hệ tiết niệu hoặc nhiễm trùng ở những vùng khác của cơ thể đôi khi có thể là nguồn vi khuẩn.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra 2 týp viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn, mặc dù có nhiều giả thuyết về các tác nhân gây bệnh, gồm:

  • Các tác nhân nhiễm trùng khác: Một số chuyên gia tin rằng viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn là do một tác nhân nhiễm trùng nào đó không phát hiện được bằng các xét nghiệm chuẩn.
  • Mang vác nặng: Việc mang vác vật nặng khi bàng quang đầy có thể khiến nước tiểu tràn vào tuyến tiền liệt.
  • Một số nghề nghiệp đặc thù khiến tuyến tiền liệt của bạn bị rung mạnh như lái xe tải hoặc điều khiển máy hạng nặng cũng là nguyên nhân gây bệnh.
  • Hoạt động thể lực: Mặc dù tập luyện thường xuyên, nhất là chạy bộ hoặc đi xe đạp, là rất tốt cho cơ thể, song nó có thể kích thích tuyến tiền liệt.
  • Co thắt cơ vùng chậu: Đi tiểu khi cơ vòng không giãn có thể gây áp lực cao trong tuyến tiền liệt và các triệu chứng.
  • Cấu trúc đường tiết niệu bất thường: Hẹp niệu đạo có thể làm tăng áp lực khi đi tiểu và gây ra các triệu chứng.
Nguyên nhân khác

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt rất khác nhau tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây viêm.

Viêm tuyến tiền liệt cấp do vi khuẩn

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường đột ngột và có thể bao gồm:

  • Sốt và rét run
  • Cảm giác giống như cúm
  • Đau trong tuyến tiền liệt, thắt lưng hoặc vùng sinh dục
  • Các vấn đề về tiết niệu, bao gồm tiểu gấp, tiểu rắt, tiểu khó hoặc tiểu buốt, không tiểu được hết và có máu trong nước tiểu.
  • Đau khi xuất tinh

Viêm tuyến tiền liệt cấp là một bệnh nghiêm trọng. Hãy đi khám ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào trong số này.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn

Các dấu hiệu và triệu chứng của dạng viêm tuyến tiền liệt này diễn biến chậm hơn và thường không nặng như viêm tuyến tiền liệt cấp. Thêm vào đó, thời gian triệu chứng tốt lên thường xen kẽ với thời gian triệu chứng xấu đi.Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn do vi khuẩn bao gồm:

  • Tiểu gấp và tiểu rắt
  • Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau trong tuyến tiền liệt
  • Đi tiểu nhiều vào ban đêm (chứng tiểu đêm)
  • Đau thắt lưng và vùng sinh dục
  • Khó bắt đầu hoặc tiếp tục tiểu tiện, hoặc nước tiểu chảy chậm
  • Đôi khi có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu
  • Đau khi xuất tinh
  • Sốt nhẹ
  • Nhiễm trùng bàng quang tái diễn

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn là thể hay gặp nhất và cũng ít được hiểu rõ nhất. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn chưa chắc chắn về nguyên nhân.

Nói chung, dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn tương tự như viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn, mặc dù bạn không bị sốt. Tuy nhiên, khác biệt chính là xét nghiệm không phát hiện thấy vi khuẩn trong nước tiểu và tinh dịch. Tuy nhiên, bạn có thể có bạch cầu trong nước tiểu và tinh dịch, tuỳ thuộc vào dạng viêm tuyến tiền liệt mạn tính không do vi khuẩn. Týp IIIA là viêm tuyến tiền liệt mạn tính có viêm không do vi khuẩn. Týp IIIB là viêm tuyến tiền liệt mạn tính không có viêm không do vi khuẩn. Không có bạch cầu trong nước tiểu hoặc tinh dịch của bệnh nhân týp IIIB. Một dạng viêm tuyến tiền liệt khác là viêm tuyến tiền liệt có viêm không triệu chứng – không cần điều trị.

Lưu ý:

Viêm tuyến tiền liệt có thể rất khó chẩn đoán, một phần vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó thường giống với nhiều bệnh khác. Ví dụ, nhiễm trùng bàng quang hoặc niệu đạo - có thể gây cảm giác mót tiểu, nóng rát hoặc đôi khi có máu trong nước tiểu, tương tự như dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt.  Hơn nữa, viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn có viêm hoặc không có viêm có thể xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng trùng nhau và chỉ phân biệt được bằng cách xét nghiệm.

Phòng ngừa
  • Kịp thời điều trị các bệnh về nhiễm khuẩn (cả có mủ) trong các cơ quan nội tạng khác nhau.
  • Ngăn ngừa và điều trị dứt điểm sự viêm nhiễm tại khu vực này.
  • Sinh hoạt tình dục an toàn.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý, dinh dưỡng và đa dạng, không ăn nhiều đồ cay nóng.
  • Thường xuyên tập thể dục, có thể vận động tại chỗ (nếu thường xuyên ngồi làm việc).
Điều trị

Khi bác sĩ đã xác định được thể viêm tuyến tiền liệt, bạn và bác sỹ sẽ cùng nhau vạch ra kế hoạch điều trị bệnh. Kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc, lý liệu pháp và trong một số ít trường hợp bao gồm cả phẫu thuật. Nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt cấp, bạn có thể phải viện một vài ngày để tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch.

Sử dụng thuốc

Tuỳ theo týp viêm tuyến tiền liệt, một số thuốc có thể giúp giải quyết hoặc kiểm soát triệu chứng. Những thuốc này bao gồm:

  • Kháng sinh
    Nói chung, kháng sinh là thuốc điều trị đầu bảng cho tất cả các thể viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng kháng sinh phổ rộng nhưng cũng có thể chuyển sang thuốc khác khi đã xác định được týp vi khuẩn gây bệnh. Thời gian dùng thuốc tuỳ thuộc vào đáp ứng của bạn với thuốc. Nếu bị viêm tuyến tiền liệt cấp, bạn có thể chỉ cần dùng thuốc trong một vài tuần; còn viêm tuyến tiền liệt mạn tính, do vi khuẩn thường kháng thuốc kháng sinh nên cần điều trị lâu hơn.Bạn có thể phải tiếp tục dùng thuốc trong khoảng 6-12 tuần. Ở một số trường hợp nhiễm không bao giờ hết hẳn, và một số khác bị tái phát sớm sau khi ngừng thuốc. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần dùng kháng sinh liều thấp vô thời hạn để chống lại nhiễm trùng hoặc thử phương pháp khác. Mặc dù nguyên nhân viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn không phải là một nhiễm trùng, một số bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh trong một vài tuần để xem triệu chứng có được cải thiện không. Vì những lý do còn chưa rõ, một số bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn có vẻ được lợi từ việc dùng liên tục kháng sinh liều thấp.
  • Thuốc chẹn alpha
    Nếu bạn bị tiểu khó, bác sĩ có thể kê thuốc chẹn alpha - một loại thuốc uống giúp làm giãn cổ bàng quang và các sợi cơ nơi tuyến tiền liệt nối với bàng quang. Thuốc giúp bạn đi tiểu dễ dàng hơn và đi hết lượng nước tiểu có trong bàng quang.
  • Thuốc giảm đau
    Đôi khi các thuốc giảm đau không kê đơn, như aspirin hoặc ibuprofen (Motrin, Advil, các thuốc khác) có thể làm bạn dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng uống quá nhiều những thuốc này có thể gây ra những tác dụng phụ như đau bụng, chảy máu tiêu hóa hoặc loét.

Liệu pháp vật lí

Một số bài tập và kỹ thuật thư giãn đặc biệt có thể ngăn ngừa được triệu chứng viêm tuyến tiền liệt ở một số nam giới, có lẽ bởi vì bắp thịt bị kích thích hoặc sự cử động có thể góp phần tăng cường sức khoẻ. Các kỹ thuật sử dụng thông thường bao gồm:

  • Thể dục: Căng và giãn cơ đáy chậu – đôi khi cùng với chườm nóng để cơ mềm dẻo hơn – có thể giúp làm giảm triệu chứng. Bác sỹ chuyên khoa lý liệu pháp sẽ chỉ cho bạn thấy những bài tập nào có lợi nhất cho bạn và thực hiện chúng như thế nào. Sau đó bạn có thể tự tập ở nhà.
  • Phản hồi sinh học. Kỹ thuật này dạy cho bạn cách kiểm soát một số đáp ứng của cơ thể, bao gồm giãn cơ. Trong buổi tập phản hồi sinh học, bác sĩ sẽ đặt những điện cực và bộ cảm biến lên những phần khác nhau trên cơ thể bạn. Các điện cực được gắn với màn hình hiển thị nhịp tim, huyết áp và độ căng cơ. Bạn sẽ thấy những thay đổi trên màn hình và học cách kiểm soát những thay đổi này.
  • Tắm ngồi. Ngâm nửa dưới cơ thể trong bồn nước ấm. Tắm nước ấm có thể làm dịu cơn đau và làm giãn cơ vùng bụng dưới. 
  • Xoa bóp tuyến tiền liệt. Một số bệnh nhân nhận thấy xoa bóp tuyến tiền liệt giúp làm giảm sung huyết nhờ làm thông những ống tuyến nhỏ bị tắc bởi viêm. Việc xoa bóp được thực hiện bằng một ngón tay đi găng, tương tự như trong thăm trực tràng. Tuy nhiên, thủ thuật này hiện nay ít được thực hiện.

Các thủ thuật ngoại khoa

Phần lớn các bác sĩ không thích điều trị viêm tuyến tiền liệt bằng phẫu thuật, nhưng bác sĩ của bạn có thể khuyên phẫu thuật để làm thông các ống tuyến bị tắc nếu bạn bị viêm do vi khuẩn và thuốc kháng sinh không cải thiện được triệu chứng hoặc khả năng sinh sản bị ảnh hưởng nặng nề. Phẫu thuật chỉ dùng trong điều trị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn.

Các điều trị khác

Finasterid (Propecia, Proscar), một thuốc làm giảm nồng độ hormone trong tuyến tiền liệt và liệu pháp nhiệt vi sóng đã thành công trong điều trị một số bệnh nhân, nhưng chưa có bằng chứng khoa học xác minh các biện pháp điều trị này.

Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.