eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Viêm túi mật

Hơn 90% các trường hợp viêm đường mật - túi mật có nguyên nhân do sỏi và giun đũa chui vào đường mật - túi mật, nhất là khi có tắc nghẽn ống mật. Trong nhóm bệnh lý này, bệnh viêm túi mật cấp là một cấp cứu về tiêu hóa, thường do sỏi mật gây nên; trong khi đó viêm túi mật mạn tính lại có biểu hiện của những rối loạn tiêu hóa mạn tính, dai dẳng. Bệnh hay gặp ở nữ, tuổi thường gặp từ 40 - 60 tuổi. Bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để phòng những biến chứng có thể dẫn tới tử vong.

TRIỆU CHỨNG

Đau bụng (bụng trên bên phải), nôn mửa, sốt, vàng da.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Siêu âm sẽ được thực hiện để xác định sỏi mật và thiết lập chẩn đoán. Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được sử dụng. Nếu không có sỏi mật được nhìn thấy trên kiểm tra hình ảnh, Hida scan sẽ được tiến hành để phát hiện nguyên nhân khác gây ra viêm túi mật.

Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), xét nghiệm Lipase.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị có thể bao gồm: thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch và phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Tổng quan

Mặc dù là bệnh khá phổ biến, song đến nay bệnh lý viêm túi mật vẫn chưa được cộng đồng chú ý đúng mức.

Hầu hết bệnh nhân bị viêm túi mật cấp, triệu chứng thuyên giảm sau 1 - 4 ngày. Tuy nhiên, khoảng 25 - 30% bệnh nhân phải phẫu thuật hoặc xuất hiện các biến chứng.

Bệnh nhân bị viêm túi mật không do sỏi có tỷ lệ tử vong khoảng dưới 10%, lớn hơn nhiều so với khoảng 4% ở những bệnh nhân viêm túi mật do sỏi. Nếu có hơi trong đường mật, tỷ lệ tử vong xấp xỉ 15%.

Thủng túi mật xảy ra ở khoảng 10 - 15% trường hợp.

Rất nhiều trường hợp vẫn nhập viện trong tình trạng đã biến chứng khá nặng. Đặc biệt những người có nguy cơ cao ít biết trước mình có khả năng mắc bệnh, đó là những người cao tuổi, phụ nữ, béo phì, giảm cân nhanh, do dùng thuốc điều trị... Viêm túi mật không do sỏi gây tử vong cao hơn viêm túi mật do sỏi.

Nguyên nhân
  • 90 - 95% các trường hợp bị viêm túi mật là do sỏi.
  • Sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại trong túi mật. Khi đó các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ có thể làm túi mật bị viêm.
  • Tổn thương: Phẫu thuật hoặc những chấn thương vùng bụng nghiêm trọng có thể làm tổn thương túi mật dẫn đến viêm.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm kí sinh trùng đường mật có thể dẫn đến viêm túi mật.
  • Khối u: Một khối u có thể gây chèn ép hệ thống đường dẫn mật, ngăn cản dòng chảy của dịch mật, khiến mật bị ứ lại trong túi mật và có thể dẫn đến viêm túi mật.
  • Những người có chế độ ăn giàu chất béo sẽ làm tăng khả năng phát triển bệnh viêm túi mật trên nền tình trạng trên. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường, người giảm cân nhanh, phụ nữ mang thai, có thể bị tổn thương túi mật và tăng nguy cơ bị viêm túi mật.
Nguyên nhân khác

Với viêm túi mật cấp tính

Thường khởi phát bởi cơn đau quặn gan, sau đó diễn tiến đưa đến nhiễm khuẩn và tắc mật. Có khoảng 60 - 70% bệnh nhân bệnh tự lui sau cơn đau đầu tiên. Tuy nhiên, những cơn đau kéo dài về sau sẽ đưa đến đau lan tỏa cả vùng hạ sườn phải, lan đến vùng bả vai phải, vai phải. Đau tăng khi ho và hít sâu, bệnh nhân thường nôn và chán ăn. Vàng da chỉ xuất hiện khi có viêm phù nề hoặc hạch chèn ép vào đường dẫn mật chính.
Khám vùng hạ sườn phải thường rất đau, túi mật to và đau trong khoảng 50% trường hợp, nghiệm pháp Murphy (+), có thể có dấu hiệu liệt ruột vùng hạ sườn phải. Xét nghiệm công thức máu: bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính cao. Bilirubin máu bình thường, trong trường hợp bilirubin máu cao thì có kèm thêm tắc hoặc viêm đường mật chính. Siêu âm là một chẩn đoán tốt, nhạy và chính xác, giúp chẩn đoán viêm túi mật cấp với hình ảnh túi mật to. Ngoài ra, siêu âm còn giúp chẩn đoán nguyên nhân như sỏi, giun và biến chứng như thủng, xuất tiết dịch quanh túi mật và trong ổ bụng, cũng như bệnh lý kèm theo của gan và tụy.

Với viêm túi mật mạn tính

Túi mật viêm mạn tính là một loại bệnh thường gặp trên lâm sàng. Bệnh có thể do viêm túi mật cấp chuyển sang, tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân không có tiền sử viêm túi mật cấp. Bệnh có thể đi kèm với sỏi mật do mật ứ đọng gây nên, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không có sỏi mật. Viêm túi mật mạn tính có đặc điểm là có nhiều lần tái phát triệu chứng như sỏi mật. Bệnh nhân đau âm ỉ và ấn thấy đau vùng hạ sườn phải, đau xuyên lên vai lưng phải, bụng trên đầy, ngực tức, ợ hơi, biếng ăn, sắc mặt kém tươi nhuận, mệt mỏi, rêu lưỡi trắng nhày hoặc vàng nhày.
Các triệu chứng trên không nặng nhưng dai dẳng không hết, lúc ăn các chất dầu mỡ khó tiêu vào thì đau tăng, miệng khô, họng khô. Người bứt rứt, táo bón, nước tiểu vàng đậm, nếu có sỏi ống mật thường kèm nôn, buồn nôn, lưỡi đỏ, ít rêu. Chẩn đoán hiện nay chủ yếu dựa vào hình ảnh siêu âm. Thông thường, viêm túi mật cấp để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị như viêm mủ túi mật, ứ nước túi mật, hoại thư và thủng túi mật. Trong khi đó với viêm túi mật mạn tính, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ làm tăng nguy cơ dẫn tới ung thư túi mật.
Phòng ngừa

Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần phải để cho túi mật nghỉ ngơi, muốn vậy phải loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo.

Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, sau đó cho thêm bột như bột ngũ cốc, khoai nghiền và cần phải ăn nhạt, nhiều xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.

Trong trường hợp viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức năng mật. Có nghĩa là tương tự chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan, cụ thể:

  • Cần hạn chế các chất béo: Các chất béo không chỉ ảnh hưởng đến gan, mật mà còn cả dạ dày. Mỡ làm cho môn vị mở chậm và gây ra đầy trướng vì nó tích tụ trong dạ dày. Mỡ cản trở sự bài tiết axít HCl cần cho sự tiêu hóa protid, mỡ làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.
  • Với các thức ăn giàu protid: hằng ngày chỉ ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc không có mỡ. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ.
  • Với các thức ăn có nhiều glucid: Có thể dùng nhiều vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng sôcôla hoặc cacao, không dùng các thức ăn có bột trộn thêm trứng (ví dụ các loại bánh ngọt) vì gây khó tiêu. Rau quả có thể dùng nhiều hơn so với các bệnh ở gan.
Điều trị

Dùng kháng sinh phổ tác dụng rộng với các chủng đường ruột cả ái khí lẫn yếm khí, kháng sinh có khả năng ngấm tốt vào đường mật và có sự kết hợp giữa các nhóm: Thông thường dùng nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 (cefobis) với nhóm amyloglycosis (gentamycine) và metronidazole. Nếu có kết quả kháng sinh đồ thì dùng theo kháng sinh đồ là tốt nhất.

Bên cạnh đó, người bệnh cần được điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, đặc biệt là những rối loạn chức năng gan và thận.

Trong nhiều trường hợp, phải giải phóng đường mật tạm thời như chọc mật qua da hay mở cơ thắt Oddi qua nội soi. Nếu bệnh có biến chứng nặng phải phẫu thuật mở đường mật, lấy sỏi, rửa đường mật và đặt ống dẫn lưu Kehr.

Mặc dù đã được cải thiện với dùng kháng sinh sớm và giải phóng đường mật, nhưng một số yếu tố khiến tiên lượng bệnh nhân khó khăn hơn như: tuổi già, phụ nữ, suy gan suy thận cấp, trước đó đã bị xơ gan, tắc nghẽn đường mật ác tính.

Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.