Là bệnh nhiễm trùng đường ruột do trùng roi Giardia lamblia gây ra. Ký sinh trùng Giardialây qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, hoặc do tiếp xúc với phân bị nhiễm Giardia.
Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi.
Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Xét nghiệm phân để xác định ký sinh trùng. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP). Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.
Điều trị bao gồm thuốc chống ký sinh trùng, bổ sung nước và chất điện giải, nghỉ ngơi. Truyền dịch tĩnh mạch cho các trường hợp mất nước nghiêm trọng.
Giardia lamblia (G.Intestinalis và G.Duodenalis) là một loại sinh vật đơn bào, thuộc lớp trùng roi (Trichomonas) là 1 trong số 6 lớp của ngành Động vật nguyên sinh (Protozoa), chúng kí sinh ở phần đầu ruột non.
Đa số người nhiễm Giardia không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Những ca có biểu hiện lâm sàng thường có triệu chứng giống hội chứng lỵ nhưng phân không có máu, ở những ca bệnh giardia nặng (hiếm gặp) có thể có tổn thương ở niêm mạc của tá tràng và hỗng tràng.
Hầu hết người nhiễm bệnh mang kén nhưng không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 tuần, bệnh khởi phát từ từ hoặc cấp tính. Giai đoạn bệnh cấp tính thường diễn ra từ vài ngày đến vài tuần, tuy bệnh tự khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn thải kén kéo dài. Ở một số bệnh nhân, bệnh có thể trở nên mạn tính và tiến triển trong nhiều năm.
Các thể lâm sàng của bệnh do Giardia là tiêu chảy cấp tính, tiêu chảy mạn tính, và hội chứng giảm hấp thu. Cả hai thể bệnh cấp và mạn tính, tiêu chảy thường diễn ra từ nhẹ tới nặng. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng: phân nát và nhiều, đi tiêu 1 lần/ngày; hoặc số lần đi ngoài nhiều hơn, phân lỏng hơn, có thể chứa nhầy nhưng thường không có máu và mủ; phân thường có bọt, nặng mùi, và nhờn; sụt cân và mệt mỏi; trẻ em thì chậm lớn và chậm phát triển; có khi thấy chán ăn, buồn nôn và nôn, cảm giác khó chịu và đau vùng thượng vị, ợ, đầy hơi và chướng bụng; ít gặp sốt nhẹ, và đau đầu, nổi mụn sẩn, đau khớp, và đau cơ... Hội chứng giảm hấp thu có thể phát triển trong giai đoạn cấp hoặc mạn, có thể dẫn đến sụt cân nặng và suy kiệt.