eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Viêm phổi do nấm

Là nhiễm trùng phổi do nấm Pneumocystis jiroveci (ban đầu được gọi là Pneumocystis carinii) gây ra. Loại nấm này thường chỉ gây bệnh ở các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân HIV hoặc những người được hóa trị. Một số bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu được dùng kháng sinh để phòng bệnh.

TRIỆU CHỨNG

Sốt, ho, khó thở, tức ngực, đau ngực.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Xét nghiệm đờm để nhận dạng nấm Pneumocystis. Xét nghiệm khí máu động mạch (ABG), nội soi phế quản. Xét nghiệm mô hoặc dịch tiết phế quản. Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) để xác định mức độ nhiễm trùng phổi. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC).

ĐIỀU TRỊ

Sử dụng thuốc kháng sinh đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Trimethoprim-sulfamethoxazole (Bactrim, Septra) và pentamidine là các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng. Bệnh nhân có thể phải thở oxy và lọc máu với trường hợp nặng.

Tổng quan

Nấm phổi là loại bệnh hay gặp ở xứ nhiệt đới nóng, ẩm và mưa nhiều như Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến bệnh này, ngay cả nhiều bác sĩ đa khoa và bác sĩ gia đình cũng không biết bệnh này.

Theo y văn, u nấm phổi được báo cáo với tần suất ngày càng tăng cùng với việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc hóa trị liệu và ức chế miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư và ghép tạng. Có tới 20% số bệnh nhân ung thư máu cấp đang điều trị bằng hóa chất mắc căn bệnh này.Trong các loài nấm gây bệnh ở phế quản và phổi, có 3 loài thường gặp nhất là aspergillus, candida, crytococcus. Chúng thường gây ra các bệnh lý phổ biến sau:

  • U aspergillus: Người bệnh thường ho ra máu (lượng ít, hay tái phát), hoặc có bất thường trên phim Xquang lồng ngực mà không xuất hiện triệu chứng gì. Nếu ho ra máu ồ ạt, tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u.
  • Aspergillus tấn công:Hầu như chỉ xảy ra ở người bị tổn thương hệ miễn dịch, đặc biệt là người có bệnh lý ác tính về huyết học, trẻ em có bệnh u hạt mạn tính. Triệu chứng thường là thở nhanh, ho khan, đau ngực, sốt. Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển âm ỉ.
  • Nhiễm candida phổi: Triệu chứng thường là sốt kéo dài, hoặc không biểu hiện gì rồi dần xuất hiện các triệu chứng ho, khạc đàm, đau ngực, khó thở. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện tổn thương da, viêm cơ, viêm nội nhãn... Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị tương đối khả quan.
  • Nhiễm nấm crytococcus: Tổn thương bao giờ cũng ở phổi nhưng khó biết vì bệnh diễn biến âm thầm, người bệnh thấy nhức đầu nhiều, nôn mửa, cứng gáy, sốt vừa phải, thậm chí có các rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân

Nấm phổi là một bệnh danh chung chỉ các bệnh phổi do nấm gây ra. Có nhiều loại nấm có thể gây ra bệnh ở phổi như Candida, Aspergillus, Mucor, Cryptococcus nhưng thường gặp hơn cả là các loài nấm Aspergillus.

Xét về khía cạnh tần suất hay gặp thì các bệnh nấm phổi ít gặp hơn các bệnh nhiễm khuẩn ở phổi và đường thở. Tỷ lệ bị nấm phổi chỉ vào khoảng 0,02% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh phổi. Tức là trong 10.000 người bệnh phổi chúng ta mới gặp 2 người bị bệnh phổi do nấm gây ra. Đây là một tỷ lệ thấp nếu so sánh với các nhiễm khuẩn ở phổi và đường hô hấp, chiếm 70-80% tuỳ vào độ tuổi. Tuy nhiên, nếu đã bị nhiễm nấm phổi thì mức độ lại nguy hiểm hơn nhiều do người nhiễm nấm chủ yếu là người mắc kèm theo các bệnh lý khác và nhiễm nấm thường gây những biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Thông thường ở những người khoẻ mạnh hoặc mắc bệnh thông thường nào đó thì hệ miễn dịch của họ hoạt động tốt nên ít khi bị nhiễm nấm. Nấm chỉ có thể nhiễm vào cơ thể người bệnh khi sức miễn dịch của người bệnh bị suy yếu. Trong thành phần các kháng thể bảo vệ, nồng độ và khả năng hiệu dụng của các kháng thể dòng IgA trong lớp chất nhầy bề mặt giảm hẳn. Vì thế mà nấm dễ dàng nhiễm và gây bệnh.

Vì lý do sức khoẻ nên ở những trường hợp như thế này, chỉ riêng duy trì sức khỏe của người bệnh không thôi đã là cả một vấn đề lớn nói chi đến việc chống chọi với nấm. Vì thế, tỷ lệ người bị tử vong do nấm phổi có thể lên đến 80-90%. Những đối tượng nằm trong tâm điểm nhiễm nấm là người mắc bệnh tự miễn đang phải điều trị ức chế miễn dịch, bị bệnh ung thư tiến triển, phải điều trị ức chế miễn dịch, người phải ghép tạng, can thiệp tế bào gốc, ghép tủy, người bệnh HIV, thậm chí là những người bệnh quá suy kiệt và gầy mòn.

Nguyên nhân khác
  • Nếu hít phải bào tử nấm vào phổi có thể sẽ bị viêm phổi nang sợi mạn tính hoặc nhiễm nấm lan tỏa cấp tính. Bệnh viêm phổi nang sợi mạn tính thường gặp nhiều hơn với các triệu chứng: bệnh khởi phát từ từ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, ho khan tăng dần, sút cân, đổ mồ hôi về đêm. Nếu đi khám bệnh, chụp Xquang thấy hình ảnh thâm nhiễm hoá xơ hạch ở đỉnh phổi một hay cả hai bên.
  • Diễn tiến của bệnh theo hai hướng: tự ổn định, tự cải thiện sớm hoặc là tiến triển âm thầm. Tổn thương co rút và tạo hang xuất hiện ở những thùy phổi trên, đồng thời lan rộng đến các vùng khác của phổi. Các tổn thương tràn khí hoặc hình thành những bóng khí làm suy giảm chức năng hô hấp. Bệnh kéo dài dẫn đến tâm phế mạn hoặc nhiễm khuẩn phổi có thể gây tử vong.
  • Đối với thể bệnh lan toả cấp tính, các triệu chứng gồm: sốt, gầy sút nhanh, gan to, lách to, nổi hạch, vàng da. Xét nghiệm thấy thiếu máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lưu ý rằng các triệu chứng này cũng gặp trong bệnh lý viêm phổi nang sợi mạn tính, nhưng bệnh mạn tính có xu hướng khu trú nhiều hơn.
  • Khoảng 25% bệnh nhân có những vết loét cứng ở miệng, lưỡi, mũi, thanh quản. Bệnh nhân còn có thể bị viêm gan dạng hạt, loét đường tiêu hoá, viêm màng trong tim và viêm màng não mạn tính. Chụp Xquang thấy hình ảnh tổn thương ở phổi giống như lao kê.
  • Để chẩn đoán xác định bệnh nhiễm nấm Histoplasma, đối với bệnh nấm lan toả cấp tính, người ta dùng phương pháp nuôi cấy nấm từ các bệnh phẩm như: máu, tủy xương, các tổn thương ở niêm mạc, gan, dịch rửa phế quản. Viêm phổi mạn tính do nấm thì cấy đờm để phát hiện nấm gây bệnh.
  • Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết bệnh nhân nhiễm nấm không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ như ho, sốt, mệt mỏi. Chụp Xquang có hình ảnh hạch rốn phổi, có thể có một hay nhiều vùng phổi viêm nên rất khó phát hiện bệnh. Một số bệnh nhân có xuất hiện ban đỏ nút và ban đỏ đa dạng. Một số bệnh nhân khác lại có viêm màng ngoài tim bán cấp.
  • Các cơ quan trong trung thất bị bao bọc bởi hiện tượng xơ hoá. Tình trạng chèn ép tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch chủ trên, động mạch phổi và thực quản xảy ra trong nhiều năm. Ở giai đoạn muộn của bệnh trung thất, thấy tế bào nấm sống trong tổ chức bã đậu của hạch bạch huyết.
Phòng ngừa

Khi lao động haysinh hoạt ở những vùng đất ẩm, nhất là đất có nhiều phân chim và phân rơi haynhững người quét dọn chuồng gà, chuồng nuôi gia cầm, thuỷ cầm phải mặc quần áobảo hộ lao động, đội mũ và đeo khẩu trang để chống nấm xâm nhập, ngăn chặn việchít phải nấm vào phổi. Cha mẹ và các bậc phụ huynh cần trông nom trẻ nhỏ, khôngđể trẻ đùa nghịch ở những nơi ẩm thấp có nhiều phân chim, phân gia cầm. Hạn chếhoặc bỏ hút thuốc lá thuốc lào vì hầu hết bệnh nhân bị bệnh phổi Histoplasmamạn tính đều có tiền sử hút thuốc lá. 

Điều trị
  • Sử dụng thuốc kháng nấm: Ở một số bệnh nhân, có thể dùng thuốc kháng nấm điều trị toàn thân hoặc bơm trực tiếp vào hang nấm bằng một ống thông đặt xuyên qua da. Thuốc kháng nấm thường dùng là Amphotericin B. Tuy nhiên, kết quả không được là bao và vẫn chưa được công nhận trong y văn. Hơn thế nữa, thuốc Amphotericin B rất độc đối với bệnh nhân và khó tìm trên thị trường, vì vậy hiện nay hầu như không còn được áp dụng nữa.
  • Phương pháp bơm tắc mạch để cầm máu: được áp dụng trong những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân bị ho ra máu ồ ạt kiểu sét đánh. Mặc dù, chưa được chẩn đoán xác định vẫn có thể chụp mạch máu chọn lọc và bơm chất gây tắc mạch để cứu sống bệnh nhân, động mạch được làm tắc thường là động mạch phế quản cung cấp máu để nuôi phổi.
    • Thủ thuật này chỉ được thực hiện ở những bệnh viện lớn có trang bị máy chụp Xquang động mạch kỹ thuật số như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm chẩn đoán Y khoa - Bệnh viện Nguyễn Trãi… Trong thủ thuật cần có sự kết hợp giữa bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ Xquang.
    • Kết quả là cầm máu được trong 80-90% các trường hợp, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể chảy máu lại, chỉ có 10-25% các trường hợp không bị ho ra máu tái phát. Do vậy, khuynh hướng hiện nay trên thế giới là chỉ dùng thủ thuật này trong những trường hợp cấp cứu.
  • Phẫu thuật cắt phổi: một điều trị bắt buộc, phần lớn các tác giả đều chủ trương khi đã phát hiện u nấm thì phải cắt phổi dự phòng. Trong khi đó một số tác giả khác đề nghị chỉ cắt phổi trong những trường hợp có ho ra máu. Vì những lý do thường gặp trong phẫu thuật như nguy cơ chảy máu trong mổ rất cao do phổi bị các tổn thương mạn tính như lao, giãn phế quản… trước đó gây dính rất nhiều, rất khó cầm máu vì máu chảy rỉ rả từ các chấn thương trên thành ngực trong lúc phẫu tích. Với những phẫu thuật viên có kinh nghiệm, lượng máu mất vẫn có khi lên đến cả 1.000ml, tức là 4 đơn vị. Chính vì vậy, không phải bác sĩ phẫu thuật nào cũng thích mổ u nấm phổi. Mục đích chính của cuộc mổ là cắt đi một phân thùy, một thùy phổi hay một phần phổi có giới hạn là nguồn gốc làm cho bệnh nhân ho ra máu. Phần phổi được cắt cũng phải thật giới hạn nhằm bảo tồn chức năng hô hấp cho bệnh nhân sau mổ. Việc cắt toàn bộ một lá phổi chỉ được dùng trong những trường hợp tổn thương lan tỏa, u nấm lan rộng khắp một bên phổi, hoặc tổn thương lao đã hủy hoại toàn bộ phổi xung quanh u nấm.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.