eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm màng nhầy của mũi và đường hô hấp trên do phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch để đáp ứng với chất kích thích gây dị ứng trong không khí. Đây là một rối loạn phổ biến, ảnh hưởng đến ít nhất 1/4 dân số.

TRIỆU CHỨNG

Nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, ho.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bao gồm: thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi và / hoặc thuốc xịt mũi corticosteroid. Bệnh nhân được đề nghị tránh các chất kích thích gây viêm mũi dị ứng.

Tổng quan

Định nghĩa

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm… Tuy không đe dọa tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây những khó chịu đáng kể cho người bệnh trong thời gian dài. Nếu không điều trị kịp thời, sẽ dễ dẫn đến các bệnh khác như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, hen suyễn…

Viêm mũi dị ứng, có triệu chứng giống như cảm thường: sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, và cảm giác nặng vùng xoang mặt. Nhưng ở đây không phải bị nhiễm virus, mà do dị ứng với phấn hoa ngoài trời, bụi trong nhà, hoặc lông chó/mèo.

Viêm mũi dị ứng rất phổ biến. Có người bị quanh năm. Có người chỉ bị nặng vào một thời gian trong năm, thường là mùa xuân, mùa hè hoặc mùa thu. Triệu chứng có thể rất khó chịu, làm mất thời gian và ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày.

Để tránh viêm mũi dị ứng một cách tốt nhất là hiểu biết rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.

Phân loại

Có 2 loại viêm mũi dị ứng:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa (còn được gọi là sốt cỏ khô): thường vào mùa xuân, hay mùa hè hoặc cả vào mùa thu (tùy theo vùng) do phấn hoa và các bào tử trong gió, có thể xuất phát từ: cỏ, cây, nấm mốc, lá cây khô...
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm: gây ra bởi những tác nhân trong nhà như các con ve, mạt, bụi nhà và các mảnh da bong tróc của các thú nuôi... Đôi khi, có thể là do các bào tử nấm mốc phát triển ở trên các giấy dán tường, cây trồng trong nhà, rèm thảm, bàn ghế hoặc các vật được bọc vải,…
  • Hiếm hơn là do dị ứng với thức ăn.

Con số thống kê

Tại Việt Nam, viêm mũi dị ứng là bệnh chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại viêm mũi, theo kết quả của nhiều nghiên cứu, tỷ lệ viêm mũi dị ứng chiếm từ 10-18% dân số. Viêm mũi dị ứng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn do ô nhiễm không khí.

Nguyên nhân
  • Do môi trường sống: Bụi nhà, lông vũ, phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, thuốc lào, các loại hóa chất, các loại mỹ phẩm, các loại sơn, vôi, ve…
  • Do nghề nghiệp: Tiếp xúc với hóa chất
  • Các thuốc trong điều trị y học, gây tê, gây mê, kháng sinh…
  • Các thức ăn theo đường tiêu hóa (đồ biển, tôm cua, hải sản…).
  • Khí hậu: Khi thay đổi thời tiết, vi khí hậu đột ngột, khi chuyển mùa, mưa bão, gió mùa đông bắc.
  • Các yếu tố nhiễm trùng: Đó là các độc tố của vi khuẩn, nấm do các nhiễm trùng mạn tính ở xoang mũi, amiđan, răng, lợi, miệng…
Nguyên nhân khác

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng (gọi là 'dị nguyên'), như:

  • Hắt hơi: triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng. Những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát trong đợt dị ứng.
  • Ngứa mũi: Cơn ngứa mũi thường xuất hiện sớm, nhất là ở trẻ em. Đôi khi, người bệnh ngứa cả mũi, mắt, họng hoặc cả ngoài da vùng cổ, da ống tai ngoài.
  • Chảy nước mũi: Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi. Người bệnh bị chảy nước mũi cả 2 bên, nước màu trong suốt, không có mùi.
  • Tắc ngạt mũi: Do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt hoàn toàn cả hai bên mũi. Người bệnh phải thở bằng miệng và ở trẻ em có thể bị cảm giác ngạt thở.
  • Ngứa mũi, ngứa họng
  • Cảm giác nặng vùng xoang quanh mũi, và đau mặt
  • Sưng quầng mí mắt dưới
  • Giảm hoặc mất cảm giác nếm và ngửi
  • Đau: Ngoài cảm giác đầy trong mũi, ngạt cứng trong mũi, vì thiếu thở nên người bệnh có cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não. Một số trường hợp đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm theo cả rối loạn vận mạch vùng mặt.
  • Trong cơn dị ứng mũi, thường kèm theo dị ứng cả vùng mặt, màng tiếp hợp bị đỏ, chảy nhiều nước mắt, ngứa mắt đi kèm với ngứa mũi và hắt hơi.
Phòng ngừa

Những trường hợp có cơ địa dễ bị dị ứng cần đề phòng bệnh viêm mũi dị ứng. Để phòng tránh, bạn cần hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường; cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.

Vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; hạn chế tối đa việc hút thuốc lá; tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Mọi người cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường. Đồng thời giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa.

Đối với việc dùng thuốc, thuốc hiện nay chia thành 2 nhóm là thuốc dùng tại chỗ (nhỏ mũi, xịt mũi) và thuốc uống. Thuốc xịt có tác dụng thông mũi và giảm triệu chứng nhanh nhưng không được dùng kéo dài và dễ gây tác dụng phụ. Về lâu dài, phương pháp này không nhiều hiệu quả trong điều trị dứt điểm.

Điều trị bằng các loại thuốc có chất kháng histamine thế hệ 2. Các loại thuốc kháng histamine như Telfast bất lực hóa tác dụng của chất histamine nên làm giảm các triệu chứng dị ứng mũi.

Hiện nay, các loại thuốc chữa viêm mũi dị ứng đã được bán rộng rãi trên thị trường dưới dạng thuốc không kê toa, mang lại sự tiện lợi cho người mua, bệnh nhân có thể chủ động trong việc chữa trị và phòng tránh căn bệnh phiền toái này.

Điều trị

Viêm mũi dị ứng là loại bệnh khó điều trị khỏi hoàn toàn, vì cơ địa dị ứng của người bệnh, và vì rất khó loại trừ các chất dị ứng khỏi môi trường sống. Điều trị viêm mũi dị ứng không thể có một công thức, một phác đồ chung cho mọi trường hợp, mà phải tìm cho mỗi trường hợp một phương pháp thích hợp.

  • Tránh tiếp xúc với chất dị ứng. Tuy nhiên không phải lúc nào biện pháp này cũng hiệu quả, nhiều khi bạn phải có thêm điều trị khác nữa.
  • Nếu bị viêm mũi quá nặng, thuốc thông thường không đủ giảm triệu chứng, bạn sẽ cần những thuốc mạnh hơn. Nhiều khi phải kết hợp vài loại thuốc chống dị ứng. Có thể phải thử qua nhiều loại mới biết thuốc nào hợp nhất.
  • Sử dụng thuốc
    • Thuốc chống ngạt mũi. Thường dùng naphazolin, xylometazolin… nhỏ hoặc xịt 2 – 3 lần mỗi ngày. Thuốc làm cường giao cảm, gây co mạch, chống phù nề do đó hết ngạt tắc mũi, người bệnh dễ thở, cảm thấy dễ chịu ngay. Tuy nhiên, cần lưu ý không quá lạm dụng, chỉ dùng thuốc nhỏ hoặc xịt mũi trong thời gian ngắn (thường không quá 7 ngày) vì dùng các loại thuốc này kéo dài dễ gây hiện tượng nhờn thuốc, không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây “tác dụng dội ngược” làm ngạt mũi nhiều hơn. Bởi vậy không nên dùng liều cao dài ngày. Không dùng cho trẻ em dưới 7 tuổi.
    • Nhóm corticoid (uống)
      • Tuy có thể dùng viên thuốc uống chống viêm, chống dị ứng tác dụng toàn thân, nhưng nó có nhiều tác dụng phụ có thể gây hại, vì thế, corticoid chỉ nên dùng dạng xịt vào mũi (beclometason, budesonid, fluticason…) thì tốt hơn.
      • Thuốc không có tác dụng tức thời, mà thường có tác dụng sau 2 -3 ngày. Khi xịt, thuốc chủ yếu tác dụng tại chỗ, tuy có hấp thu vào máu nhưng với hàm lượng rất nhỏ, không gây tác dụng phụ như corticoid dùng đường uống. Khi dùng, người bệnh nên xịt sớm khi bệnh còn nhẹ. Việc điều trị cần phải kéo dài một thời gian nhất định, thường một năm dùng một tháng thì bệnh gần như ổn định trong cả năm.
    • Nhóm corticoid (hít)
      • Dùng corticoid uống kéo dài, liên tục có thể đỡ bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng corticoid ngoại lai này sẽ ức chế tuyến yên, không cho tuyến yến tiết ra hormone tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận lâu ngày không hoạt động sẽ bị teo, không còn chức năng tiết ra corticoid nội sinh nữa. Khi ngừng dùng corticoid ngoại lai, cơ thể bị thiếu corticoid nội sinh đột ngột sẽ gây suy thượng thận cấp, trường hợp nặng không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì thế không thể dùng corticoid uống kéo dài liên tục để chữa viêm mũi dị ứng.
      • Dùng các corticoid dưới dạng hít hay dạng khí dung (gọi chung là corticoid hít) thì thuốc sẽ có tác dụng tại chỗ rất mạnh, làm giảm các chất trung gian gây viêm mũi dị ứng, nên làm giảm ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, phù niêm mạc, ngạt mũi. Một phần rất nhỏ thuốc (khoảng 10%) có thể từ đường mũi đi vào bên trong cơ thể nhưng vì các corticoid này chuyển hóa rất nhanh tại gan thành các chất không có hoặc có tác dụng sinh học rất thấp nên sinh khả dụng toàn thân thấp, không gây hại toàn thân như khi uống. Như vậy, các corticoid hít này có sự cân bằng độc đáo giữa hiệu lực chữa bệnh và độ an toàn.
      • Khởi đầu, để thuốc sớm có hiệu quả, có thể dùng corticoid hít phối hợp với các thuốc kháng histamin, giãn phế quản, coricoid uống; sau đó ngừng các thuốc phối hợp này, chỉ duy trì bằng corticoid hít.
      • Corticoid hít không độc nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ nhưng ít gặp.
      • Nếu dùng kéo dài dạng thuốc hít kèm theo corticoid uống, cũng có thể bị ngộ độc toàn thân. Biểu hiện là cường vỏ thượng thận, nếu ngừng ngay thuốc uống lại có thể gây suy thượng thận. Cần cẩn thận khi phối hợp với corticoid uống trong trị viêm mũi hay với người viêm mũi có kèm thêm hen.
      • Với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú:
        • Corticoid tiết vào sữa gây hại thai, gây hại trẻ bú. Tuy nhiên, với corticoid hít chưa thấy hiện tượng này nên vẫn có thể dùng cho người có thai hoặc đang cho con bú.
        • Không dùng corticoid hít chữa viêm mũi dị ứng cho trẻ em dưới 12 tuổi, riêng beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
        • Corticoid hít hầu như không độc, có thể dùng lâu dài để ổn định bệnh, được coi là thuốc chủ lực trong điều trị viêm mũi dị ứng.
    • Nhóm kháng histamin
      • Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh mà thầy thuốc kê đơn và liều lượng cho phù hợp nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng dị ứng.
    • Ngoài ra, có thể giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng trong một số trường hợp bằng cách dùng nước muối sinh lý (0,9%) để rửa mũi thường xuyên (xem phần cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng).
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.