Giác mạc là một mô mỏng, trong suốt nằm phía trước con ngươi mắt, có nhiệm vụ bảo vệ mắt và góp phần vào hoạt động khúc xạ của mắt. Viêm giác mạc và viêm loét giác mạc gây giảm thị lực và là nguyên nhân gây mù lòa. Bệnh gây ra bởi: chấn thương, bức xạ tia cực tím, tia lửa hàn, nhiễm trùng, do bệnh tự miễn và tiếp xúc với hóa chất. Đeo kính râm khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc đeo kính bảo hộ trong khi hàn/ làm việc với hóa chất ăn da có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Đau mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt quá nhiều, cộm mắt.
Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Khám mắt bằng đèn khe, nhuộm fluorescein giác mạc và chiếu đèn huỳnh quang xanh để phát hiện dị vật. Tùy thuộc vào triệu chứng, có thể tiến hành xét nghiệm để xác định xem nguyên nhân có phải do bệnh tự miễn hay không. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) và bảng chuyển hóa toàn diện (CMP). Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Phương pháp điều trị phổ biến bao gồm: dùng miếng che mắt, sử dụng thuốc kháng sinh (bôi hoặc uống), steroid nhỏ mắt hoặc steroid đường uống, các thuốc ức chế miễn dịch. Đối với bệnh nặng, không đáp ứng với các điều trị, ghép giác mạc có thể được thực hiện.
Giác mạc là một mô mỏng, trong suốt nằm phía trước con ngươi mắt, có nhiệm vụ bảo vệ mắt và góp phần vào hoạt động khúc xạ của mắt. Vì là một lớp rất mỏng, lại là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên giác mạc rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus hoặc nấm xâm nhập..
Viêm giác mạc và viêm loét giác mạc gây giảm thị lực và là nguyên nhân gây mù lòa. Bệnh gặp nhiều ở độ tuổi lao động nên ảnh hưởng đến năng suất lao động, hoạt động sản xuất (viêm loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh thường gặp trong chấn thương nông nghiệp).
Về phương diện giải phẫu bệnh lý, tổn thương viêm nhiễm ở giác mạc được chia thành 2 loại viêm giác mạc và viêm loét giác mạc.
Người dân, nhất là nông dân trong vụ mùa, công nhân... cần có ý thức sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc.
Theo thống kê của các cơ sở y tế chuyên khoa mắt các bệnh nhân bị viêm loét giác mạc nguyên nhân thường do chấn thương trong sinh hoạt và lao động bị bụi, dị vật, côn trùng, cành cây, hạt lúa... văng vào mắt, người bệnh không biết cách xử trí, dụi mắt liên tục khiến giác mạc bị tổn thương (trầy xước) tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut hoặc nấm xâm nhập gây viêm loét. Ngoài ra một số người bệnh bị viêm kết mạc, đau mắt hột đã tự ý dùng thuốc nhỏ mắt mà không chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hoặc lạm dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt có chứa prednisolon, dexamethason hay hydrocortison khiến bệnh ngày càng nặng gây thủng, hoại tử giác mạc, gần như mù lòa... Do đó cách phòng tránh các tác nhân gây bệnh và điều trị các bệnh lý về mắt có thể dẫn đến viêm loét giác là vô cùng quan trọng
Trong sinh hoạt và lao động sản xuất, đặc biệt là thời điểm ngày mùa như hiện nay, bà con nông dân khi gặt lúa, sử dụng máy tuốt lúa cần chú ý: Tránh để hạt lúa văng vào mắt hay lá lúa quệt vào mắt, nên sử dụng kính bảo vệ mắt khi dùng máy tuốt lúa.
Khi ra đường nên đeo kính để tránh bụi, dị vật, côn trùng bay vào mắt. Nếu chẳng may bị dị vật, côn trùng bay vào mắt không nên dụi mắt liên tục mà ngay lúc đó cần nhúng mắt trong một cốc nước sạch và nháy liên tục dị vật nhỏ hoặc côn trùng có thể sẽ trôi ra. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật trong mắt, mắt cộm, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, đau nhức cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa mắt để các bác sĩ kiểm tra. Tuyệt đối không nên dùng các loại lá cây, côn trùng đắp vào mắt theo mách bảo sẽ rất nguy hiểm.
Khi được khám xác định là viêm loét giác mạc người bệnh phải tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám theo định kỳ để phòng ngừa bệnh tái phát. Vì thường sau mỗi lần viêm loét tái phát, sẹo giác mạc sẽ dày hơn và thị lực giảm nhiều hơn so với lần trước hoặc có thể tiến triển trầm trọng hơn.