eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa được xem là bệnh do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức gây ra. Triệu chứng đặc trưng là khô, ngứa da, da nổi ban đỏ, các ban này có thể chứa dịch. Bệnh thường theo suốt cuộc đời và phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Người bị tình trạng này có nhiều khả năng bị viêm mũi dị ứng và hen suyễn.

TRIỆU CHỨNG

Khô, đỏ, ngứa da. Vùng da bị ảnh hưởng thường là các nếp gấp của cánh tay, mặt sau của đầu gối, cổ tay, mặt và tay.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Sinh thiết da. Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

ĐIỀU TRỊ

Giữ da sạch và dưỡng ẩm cho da, tránh dùng xà phòng có độ tẩy cao. Tránh tiếp xúc với hóa chất hoặc mặc vải len. Kem corticosteroid được sử dụng cho các trường hợp bệnh do tự miễn. Trường hợp nặng có thể dùng thuốc immunomodulators, như tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel). Những thuốc này hoạt động bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch.

Tổng quan

Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema là một dạng viêm da dị ứng mạn tính, bệnh thường xuất hiện ở trẻ em nhưng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, một số ít trường hợp bệnh có thể xuất hiện ở người lớn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất đa dạng, có thể chỉ đơn giản là các đám khô da mất sắc tố, nhưng cũng có thể biểu hiện rất nặng như đỏ da toàn thân.

Đây là một bệnh lý có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “Ngứa-Gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.Bệnh có yếu tố di truyền hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời.

Dịch tễ học:

  • Tỷ lệ hiện mắc: Hiện nay, chưa có nghiên cứu về tỷ lệ hiện mắc viêm da cơ địa ở Việt Nam. Theo một số báo cáo ở các nước khác, tỷ lệ khoảng 7-20%. Theo báo cáo của phòng khám Viện Da liễu Quốc gia, có khi viêm da cơ địa chiếm khoảng 20% số bệnh nhân đến khám tại phòng khám.
  • Tuổi phát bệnh: thường vào 2 tháng đầu, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6-20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.
  • Về giới không khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ, có một vài báo cáo nam mắc nhiều hơn nữ.
  • Yếu tố di truyền, gia đình cho thấy 60% người bị viêm da cơ địa có con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh.
Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh của viêm da cơ địa chưa được biết chính xác. Bệnh được cho là do sự phối hợp của yếu tố di truyền với các yếu tố môi trường. Những người bị viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng…

Nguyên nhân khác

Giai đoạn cấp tính:

  • Tổn thương là đám da đỏ ranh giới không rõ, có thể là các sẩn và đám sẩn hoặc mụn nước tiết dịch.
  • Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.

Giai đoạn mạn tính

  • Biểu hiện bằng tình trạng da bị dày lên, thâm, ranh giới rõ là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều.
  • Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân, trường hợp nặng có thể lan toàn thân.
  • Triệu chứng bệnh: khô da, ban đỏ- ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa-gãi-ban đỏ-ngứa... Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen.
Phòng ngừa
  • Tránh ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây bệnh như tôm, cua, cá, ốc, trứng, sữa. Tránh sử dụng các thực phẩm có tính cay, nóng.
  • Tránh tiếp xúc với các đồ vật, hóa chất nghi ngờ gây bệnh
  • Vệ sinh môi trường sống: Nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
  • Không nên nuôi động vật trong nhà, nhất là mèo, chó.
  • Luôn luôn giữ cho da sạch sẽ, bấm móng tay và đi găng tay để không bị trầy xước da gây nhiễm khuẩn khi gãi.
  • Nên mặc các loại quần áo vải mỏng, mềm, tránh các loại áo lồng thú
  • Hàng ngày nên tắm bằng nước ấm (không nên dùng nước quá nóng).
  • Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm cho da
  • Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý đặc biệt lưu ý uống đủ nước mỗi ngày.
Điều trị
  • Tránh chà xát, gãi
  • Sử dụng thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa
  • Sử dụng thuốc kháng sinh đề phòng bội nhiễm vi khuẩn
  • Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
  • Loại trừ và tránh các chất gây dị ứng như đề cập ở trên.

Điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh. Tuỳ theo giai đoạn bệnh là cấp tính, bán cấp hay mạn tính mà sử dụng thuốc cho phù hợp.

Lưu ý: Việc điều trị cho người viêm da dị ứng nên theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị hoặc người nhà khi không có kiến thức chuyên môn về y học.

Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.