eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Ung thư xương

Là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong xương. Những khối u này có thể là ác tính (ung thư) hoặc lành tính (phát triển chậm, không phải ung thư). Ung thư bắt đầu ở cơ quan khác như vú hoặc phổi và đi vào xương là tình trạng di căn và không được coi là ung thư xương. Các khối u xương lành tính thường gặp nhất là u nội sụn, u xương sụn, u xơ không cốt hóa, u nguyên bào sụn, u xương dạng xương, u nguyên bào xương, u sụn quanh xương, u đại bào và u sợi nhầy sụn. Các bệnh ung thư xương ác tính phổ biến nhất là sarcom sụn, sarcom Ewing, sarcom sợi và sarcom xương. Không biết chính xác nguyên nhân gây ung thư xương nhưng nguy cơ mắc bệnh gia tăng ở những người tiếp xúc nhiều với bức xạ. Những khối u này có thể xảy ra ở bất kỳ phần xương nào trong cơ thể nhưng thường ảnh hưởng đến tay và chân.

TRIỆU CHỨNG

Đau và sưng ở các khu vực bị ảnh hưởng. Gãy xương có tổn thương nhỏ, đôi khi được gọi là "gãy xương bệnh lý". Giảm cân không lý do, mệt mỏi quá mức.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Kiểm tra hình ảnh bằng các xét nghiệm chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ (PET) và X- quang. Sinh thiết mô bệnh học (thực hiện trong phòng phẫu thuật).

ĐIỀU TRỊ

Điều trị phụ thuộc vào loại ung thư. Khối u lành tính không cần điều trị. Điều trị các bệnh ung thư ác tính bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Tổng quan

Định nghĩa

Ung thư xương là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào của xương, hay gặp nhất là ung thư tế bào liên kết tạo xương và tạo sụn. Ung thư xương hay gặp ở lứa tuổi trẻ, trong đó, trẻ nam gặp nhiều hơn trẻ nữ và hiếm gặp ở các lứa tuổi khác, tỷ lệ khoảng 0,5% so với toàn bộ các ung thư.

Phân loại

Phân loại ung thư xương về tổ chức học:

  • Ung thư tạo xương
  • Ung thư tạo sụn
    • Bệnh sarcom sụn
    • Bệnh sarcom sụn trung mô
  • U tế bào khổng lồ ác tính
  • Bệnh sarcom Ewing
  • Ung thư mạch máu
    • Ung thư tế bào ngoại mạch
    • Ung thư tế bào mạc ngoại
    • Bệnh sarcom mạch máu.
  • Ung thư tế bào liên kết xương
    • Bệnh sarcom sợi
    • Bệnh sarcom mỡ
    • U trung mô ác tính

Các loại u khác:

  • U nguyên sống
  • U men ở các xương dài.

Trong đó, bệnh sarcom tạo xương thường gặp nhất.

Nguyên nhân
  • Bức xạ ion hoá.
  • Chấn thương: tác động va đập từ ngoài xương, chấn thương có thể xảy ra do hoạt động thể thao; do tai nạn giao thông. Trên thực tế lâm sàng, có một số ung thư xương phát triển tại vùng bị va đập hoặc gãy xương, nhất là vùng đầu trên xương chày. Những trường hợp này rất khó giải thích chấn thương xảy ra ngẫu nhiên hay là nguyên nhân khởi động các tế bào xương quá sản.
  • Rối loạn di truyền: là tác nhân bên trong có liên quan đến ung thư xương. Người ta đề cập đến tác nhân này vì ung thư xương xuất hiện ở tuổi trẻ, khoảng 12-20 tuổi, đây là độ tuổi xương phát triển mạnh, khoảng thời gian còn quá ngắn để xuất hiện các ung thư do môi trường gây ra.Ung thư xương thường xuất hiện ở bệnh nhân có chồi xương sụn mọc ở chỗ nối bản sụn với đầu xương dài, bệnh này được coi là bệnh di truyền. Ở những bệnh nhân mắc ung thư võng mạc mắt, là bệnh được coi là ung thư di truyền, cũng gặp ung thư xương. Người ta cho rằng do rối loạn gen ức chế ung thư P53 mà cơ thể không kiểm soát được các tế bào có gen biến dị, làm tế bào này tiếp tục phân chia tạo ra các tế bào ung thư.
  • Một số bệnh lành tính của xương (có thể chuyển dạng thành ung thư):
    • Bệnh Paget của xương. Bệnh Paget có thể thấy ở vú và da, riêng ở xương bệnh Paget phát sinh ung thư từ sau 40 tuổi.
    • Bệnh loạn sản xơ của xương.
Nguyên nhân khác

Triệu chứng lâm sàng

  • Đau: tại vị trí u, thành từng đợt, tiến triển.
  • Da trên vùng u ấm, do tăng sinh mạch máu khối u. Có thể xuất hiện sưng, chắc, kèm theo mất khả năng vận động ở khớp gần đó.
  • Gãy xương bệnh lý hiếm gặp và thường chỉ thấy ở thể tiêu xương.
  • Biểu hiện toàn thân: thể trạng suy sụp, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân nhiều và nhanh, có thể thiếu máu.

Thông thường ung thư xương tiến triển nhanh. Di căn chủ yếu theo đường máu đến phổi, sau đó di căn tới xương. Di căn đến các cơ quan nội tạng và hạch bạch huyết vùng hiếm gặp.

Triệu chứng cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu: Tăng phosphatase kiềm máu, tăng canxi máu khi có sự hủy xương nhiều.
  • Chẩn đoán hình ảnh
    • X-quang quy ước: rất đặc hiệu, tuy nhiên hình ảnh tổn thương trên X-quang xuất hiện chậm hơn nhiều tuần hoặc nhiều tháng so với lâm sàng. X-quang chỉ phát hiện được những tổn thương trên 1cm. Thông thường phải chụp cả phim thẳng và nghiêng, chụp đối bên để so sánh sẽ giúp chẩn đoán tốt hơn.
    • Đặc điểm hình ảnh ung thư di căn xương trên X-quang là: tiêu xương, đặc xương và thể hỗn hợp. Trong 64% các trường hợp, X-quang cho phép gợi ý sarcom xương.
    • Sarcom kinh điển có các hình ảnh khác nhau, tùy theo sự biệt hóa của tế bào ung thư: có thể chiếm ưu thế tăng sinh xương, sụn hay nguyên bào sợi, kết hợp với sự hình thành xương nhiều hay ít.
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) rất có giá trị trong việc đánh giá những tổn thương còn ở trong tủy xương, từ đó hướng dẫn sinh thiết tổn thương nhằm phát hiện ung thư xương sớm.
Phòng ngừa
  • Kiểm tra lịch sử gia đình. Nếu trong gia đình từng có người mắc ung thư xương thì các thành viên khác cần thường xuyên thực hiện thăm khám nhằm phát hiện bệnh sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Duy trì lối sống lành mạnh. Quan trọng nhất, mọi người cần tránh xa thói quen hút thuốc bởi những độc tố có trong chúng sẽ dễ dàng hủy hoại cơ thể nói chung, tăng nguy cơ ung thư xương nói riêng. Thay vào đó, bạn nên giải tỏa căng thẳng bằng cách tập yoga, xem phim hoặc tham gia các câu lạc bộ luyện tập thể thao.
  • Tránh tiếp xúc với hóa - xạ trị. Đây được xem là hai yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư xương. Điều này đặc biệt quan trọng với đối tượng trẻ nhỏ.
  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Nhiều trường hợp ung thư có liên quan đến chế độ dinh dưỡng nghèo nàn. Đặc biệt, việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa chất bảo quản và chế biến sẵn sẽ đẩy nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều. Để ngăn ngừa ung thư xương hiệu quả, bạn nên tiêu thụ nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ có trong rau xanh và trái cây; bổ sung các món cá giàu axit béo omega – 3 trong bữa ăn thay cho các loại thịt đỏ và thịt nạc.
  • Hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm. Việc sống trong khu vực không khí ô nhiễm và tiếp xúc với tia UV có trong ánh mặt trời quá nhiều cũng là yếu tố khiến con người mắc ung thư xương. Chính vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, bạn nên thường xuyên đeo khẩu trang để bảo vệ cơ thể.
  • Thường xuyên thăm khám sức khỏe. Điều này giúp các bác sĩ phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Thực tế, vì  không có triệu chứng đặc hiệu giúp phát hiện bệnh nên việc tầm soát ung thư xương có ý nghĩa quan trọng hơn.
Điều trị

Trước năm 1970, ung thư xương là loại bệnh có kết quả điều trị kém. Hầu hết bệnh nhân chết do di căn phổi.

Từ những năm 1970 trở lại đây, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể do áp dụng phối hợp điều trị phẫu thuật và hóa chất. Ung thư xương hiện nay được coi là điều trị được, kết quả sống sau 5 năm từ 60-70%. Điều trị hóa chất đóng vai trò chủ yếu trong việc thay đổi tiên lượng của ung thư xương:

Điều trị hóa chất ung thư xương.

Có 2 phương thức điều trị hóa chất (trước mổ và sau mổ) và có nhiều hóa chất được sử dụng như cisplatin, ifossamid, adriamicin và đặc biệt là liều cao methotrexat phối hợp với axit folic có tỷ lệ đáp ứng cao nhất.

  • Điều trị hóa chất trước mổSử dụng hóa chất trước mổ trong vòng 3 tháng, bệnh có thể sẽ được mổ vào ngày thứ 8 sau khi sử dụng methotrexat đợt cuối cùng. Điều trị hóa chất trước mổ có nhiều ưu điểm:
    • Có đủ thời gian và điều kiện đánh giá mức độ đáp ứng của ung thư đối với hóa chất qua xét nghiệm mô bệnh học và độ thu nhỏ của u để góp phần tiên lượng bệnh.
    • Kiểm soát các vi di căn mà khi chẩn đoán không phát hiện được.
    • Thu nhỏ khối u nguyên phát tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật bảo tồn chi.
    • Thời gian điều trị hóa chất là khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị cho cuộc mổ bảo tồn (ghép xương, thay xương giả) hoặc thảo luận với người bệnh về khả năng cắt cụt chi.

Thông thường, người lớn khó chấp nhận liều cao methotrexat hơn trẻ em. Vì vậy, liều dùng một đợt không vượt quá 8g cho 1m2 da. Sử dụng methotrexat có phối hợp với axit folic cho tỷ lệ đáp ứng 35%.Phác đồ sử dụng hóa chất hiện nay là phối hợp axit folic + methotrexat + vincristin, mỗi đợt 21 ngày và chỉ dùng thuốc vào 3 ngày đầu. Tất cả các thuốc đều dùng đường tĩnh mạch, riêng axit folic có thể dùng đường tĩnh mạch hoặc uống.Ngoài phác đồ trên, có thể dùng phác đồ AC (Adriablastine/Cisplatine) và một số phác đồ khác.

  • Điều trị hóa chất sau mổSử dụng hóa chất sau mổ có nhiều nhược điểm so với trước mổ, nhưng dù sao vẫn đạt được mục tiêu giảm tái phát tại chỗ nhất là trong phẫu thuật bảo tồn và hạn chế di căn xa. Thuốc và cách dùng tương tự như các phác đồ đã nêu trên.

Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật là cần thiết ngay cả các trường hợp đáp ứng với hóa chất. Theo một số nghiên cứu, nếu không phẫu thuật chỉ có 23% sống 5 năm không tái phát, cho dù bệnh lui hẳn nhờ hóa chất. Trong khi đó, điều trị hóa chất có phẫu thuật đạt tỷ lệ cao hơn nhiều.

  • Phẫu thuật bảo tồn chiCắt bỏ khối u và ghép phục hồi đoạn xương đã mất hoặc thay xương giả.Chỉ định: Ung thư còn khu trú, chưa xâm lấn thần kinh và mạch máu chủ yếu của chi.
    • Cắt bỏ đủ rộng, cách bờ u 6-7cm.
    • Còn tổ chức cơ để di chuyển, tạo lại cấu trúc vận động.
    • Còn đủ phần mềm và da che phủ.
  • Kỹ thuật:
    • Cắt bỏ u: cắt đoạn xương và tổ chức bao khối u đủ rộng, tránh tái phát.
    • Tái thay xương: thay vật liệu giả và ghép xương cùng loại.
    • Chuyển cơ và phần mềm che phủ.

Phẫu thuật bảo tồn cho thấy không làm giảm tỷ lệ sống thêm, nhưng tái phát tại chỗ khoảng 3-10%. Biến chứng sau mổ cao: gãy ghép và gãy vật liệu giả nhiễm trùng và chậm liền sẹo 20-30%, 50% các trường hợp này cần mổ lại.

  • Phẫu thuật cắt cụt, tháo khớp
    • Trẻ con còn ít tuổi (do xương còn phát triển mạnh).
    • Tổn thương thần kinh của chi.
    • Không đáp ứng hóa chất.
    • Sinh thiết sai vị trí gây khó mổ bảo tồn.
    • Nhiễm trùng, xâm lấn da.
    • Không thể mổ rộng, phẫu thuật bảo tồn gây mất cơ năng hơn cắt cụt.
    • Phẫu thuật ổ di căn
      Sau điều trị hóa chất, nếu di căn phổi khu trú hoặc tập trung ở một bên phổi, có thể phẫu thuật cắt thùy hoặc lá phổi.

Điều trị tia xạ

  • Tùy theo loại mô bệnh học của ung thư như sarcom tạo xương, sarcom tạo sụn, sarcom xơ và chỉ định cho các trường hợp không phẫu thuật được.
  • Tia xạ tại chỗ với liều khoảng 55-60 Gy có tác dụng giảm đau và làm chậm tốc độ phát triển u.
  • Sarcom Ewing, sarcom mạch máu, u lympho Hodgkin ác tính có đáp ứng tốt, đặc biệt là tại chỗ. Song tỷ lệ sống trên 5 năm còn thấp, bệnh nhân thường chết vì di căn xa.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.