eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Ung thư phổi

Là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong phổi. Ung thư phổi có thể phát sinh từ tế bào phổi (ung thư phổi nguyên phát) hoặc do tế bào ung thư di chuyển từ cơ quan khác đến (di căn). Các tế bào ung thư phá hủy mô phổi và các cơ quan xung quanh. Ung thư phổicó hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào lớn. Bệnh thường xảy ra ở người lớn thuộc cả hai giới, ở độ tuổi từ 40 đến 70. Ung thư phổi gây ra nhiều cái chết hơn bất kỳ loại ung thư nào khác. Tỷ lệ mắc bệnh giảm trong những năm gần đây liên quan trực tiếp đến việc giảm hút thuốc lá.

TRIỆU CHỨNG

Ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, thở khò khè, đau ngực, mất cảm giác ngon miệng, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Trong giai đầu của bệnh có thể không có triệu chứng.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Kiểm tra hình ảnh hoặc soi phế quản để xác định ung thư. Sinh thiết, xét nghiệm đờm tìm tế bào ung thư. Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị phụ thuộc vào loại ung thư phổi và mức độ của bệnh, gồm hóa trị, xạ trị và / hoặc phẫu thuật.

Tổng quan

Ung thư phổi là bệnh ung thư hay gặp, tiên lượng còn nhiều hạn chế do đa số bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (thế giới: 60-70%; Việt Nam 90-93%).

Ung thư phổi là loại ung thư ác tính nguyên phát thường gặp nhất, hầu hết ung thư phổi bắt nguồn từ biểu mô trên niêm mạc của phế quản, nên còn gọi là ung thư phổi phế quản.

Phân loại các loại ung thư phổi cơ bản:

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ: bệnh nhân mắc loại ung thư này chiếm khoảng 20%, thời gian tăng trưởng các tế bào ung thư của loại ung thư phổi tế bào nhỏ này ngắn, phát triển nhanh, thường đi kèm với bài tiết bất thường bên trong hoặc hội chứng Carcinoid.
  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: có khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi là thuộc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Việc phân biệt hai loại ung thư này có vai trò rất quan trọng vì phương pháp điều trị đối với ha loại ung thư phổi này hoàn toàn khác nhau.

Phân loại các loại ung thư phổi lâm sàng:

  • Ung thư dạng biểu bì: đây là loại thường gặp nhất trong tất cả các loại ung thư phổi, chiếm khoảng 50%. Độ tuổi của bệnh nhân thường là 50 tuổi trở lên, thường gặp ở nam giới nhiều hơn ở nữ giới. Loại này thường bắt nguồn từ phế quản tương đối lớn, thường là ung thư phế quản trung tâm.
  • Ung thư chưa biệt hóa: tỷ lệ phát bệnh chỉ đứng sau ung thư dạng biểu bì, thường gặp nhiều ở nam giới, và những người trẻ tuổi, thông thường là do phế quản khá lớn. Hội chứng Carcinoid thì dựa vào tổ chức hình dạng tế bào mà có thể phân thành các loại như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, tế bào tròn nhỏ và tế bào lớn, trong đó gặp nhiều nhất là loại ung thư biểu mô tế bào nhỏ.
  • Ung thư tuyến phế quản: bắt nguồn từ lớp da trên biểu mô phế quản, rất ít khi bắt nguốn từ tuyến niêm mạc của phế quản lớn. Tỷ lệ phát bệnh thấp hơn ung thư dạng biểu bì và ung thư chưa biệt hóa, thường ở độ tuổi nhỏ, và gặp nhiều ở nữ giới. Đa số ung thư mô tuyến bắt nguồn từ phế quản nhỏ, là ung thư phế quản ngoại vi.
  • Ung thư tế bào lá phổi: bắt nguồn từ lớp da biểu bì phế quản, còn được gọi là ung thư tế bào phổi phế quản nhỏ hay ung thư tuyến phế quản nhỏ. Vị trí là ở xung quanh lá phổi, có tỷ lệ phát bệnh thấp hơn so với các loại khác, và thường gặp ở nữ giới.
Nguyên nhân

Sự phơi nhiễm lâu dài với các yếu tố này gây tích tụ các thay đổi trong ADN của mô lát bên trong phế quản phổi (tức biểu mô phế quản). Khi ngày càng nhiều mô bị tổn thương, cuối cùng sẽ dẫn đến ung thư.

  • Hút thuốc: hút thuốc lá trong một thời gian dài có thể gây ung thư da trên biểu bì hoặc ung thư tế bào nhỏ không biệt hóa. Khói thuốc lá sẽ nhả ra các chất gây ung thư.
  • Yếu tố nghề nghiệp: nếu tiếp xúc lâu với các chất phóng xạ như urani, radium và các hợp chất dẫn đến ung thư như hydrocarbon, thạch tín và crom niken.
  • Các bệnh mãn tính ở phổi: những người có bệnh lý về kết hạch phổi hay ho do dị ứng thì thường có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn những người bình thường. Ngoài ra trong quá trình lành vết thương, viêm phế quản cũng có thể dẫn đến ung thư.
  • Yếu tố bên trong cơ thể: gia tộc di truyền và khả năng miễn dịch làm giảm chức năng bài tiết trong quá trình trao đổi chất…
Nguyên nhân khác

Triệu chứng lâm sàng

Khi khối u dưới 1cm đường kính thì chưa có dấu hiệu lâm sàng. Nhiều trường hợp, thường do chụp Xquang phổi nghi ngờ mà chẩn đoán được.

Nói chung khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng ở phổi thì đã muộn (trong cơ thể đã có một số tế bào ung thư di căn ở một hay nhiều cơ quan khác). Những nhóm tế bào này thường tồn tại lặng lẽ trong một thời gian. Nơi khu trú của các nhóm tế bào di căn này là ở não, xương, gan,...hoặc ở ngay phế quản. Nhiều khi triệu chứng xuất hiện là biểu hiện của biến chứng. Vì vậy, khi chẩn đoán được là lúc bệnh đã tiến triển.

  • Triệu chứng hô hấp:
    • Ho: Thường ho dai dẳng, ho là một phản ứng của niêm mạc phế quản đối với sự phát triển của khối u, ở phế quản càng lớn ho càng rõ rệt. Trong ung thư ngoại vi, thường ít ho và ho xuất hiện muộn hơn. Giai đoạn đầu bệnh nhân thường ho khan về sau ho có thể có đờm nhầy và có thể có máu. Thường ho ra ít máu, máu có màu tím. Nguyên nhân ho ra máu là do loét niêm mạc phế quản hoặc do u xâm nhập vào động mạch phế quản nhỏ.
    • Đau ngực: Khó thở ở thì thở vào hoặc thở ra do phế quản bị chít hẹp.
    • Có thể có triệu chứng của viêm phổi cấp tái diễn nhiều lần ở một vùng phổi.
  • Triệu chứng toàn thân:
    • Sút cân: Tình trạng chung suy sụp, mệt mỏi, khoảng 5-15% có hội chứng Pierre-Marie (ngón tay dùi trống) đau và biến dạng các xương bàn tay, bàn chân. Hội chứng này thường do ung thư tuyến phế quản sản xuất ra hormon sinh trưởng.
  • Triệu chứng di căn trong lồng ngực:
    • Hay gặp ung thư biểu bì, ung thư này di căn sớm vào các hạch bạch huyết ở rốn phổi và trung thất gây nên hội chứng trung thất như hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
    • Nếu khối u ở đỉnh phổi có thể xâm nhập vào thành ngực tại chỗ gây nên hội chứng Pancoast-Tobias. Hội chứng này gồm có:
    • Hội chứng Horner: Đau nửa đầu, co đồng tử, sụp mi do liệt cơ Muller, hẹp khe mắt.
    • Đau dây thần kinh mặt trong cánh tay.
    • Đau các khớp cột sống từ C8-D1.
    • Cung xương sườn 1 và 2 bị phá huỷ, có khi phá hủy cả xương đòn.
    • Hội chứng cận u: Một số u có thể tiết ra những chất giống hormon và tác dụng hoàn toàn giống hormon. Thường hay gặp nhất là ung thư phổi. Đây là hội chứng nội tiết lạc chỗ.
    • Hội chứng cường chức năng vỏ thượng thận:Có triệu chứng như trong bệnh Cushing nhưng không điển hình: Bệnh nhân thấy mệt mỏi, phù toàn thân, mỏi và yếu cơ, da mặt nhiều trứng cá, đái tháo đường. Có thể có sạm da do u vừa tiết ACTH và tiết MSH. Có trường hợp có huyết áp cao.
    • Hội chứng tăng tiết ADH (hội chứng Shwartz - Batler): ADH tăng tái hấp thu nước tiểu do vậy giữ lại nước trong cơ thể, làm loãng độ natri huyết tương, giảm nồng độ clo.
    • Hội chứng canxi máu: Do u tiết hormon cận giáp hoặc do tiêu xương vì di căn, lâm sàng bệnh nhân có khát, đái nhiều, giảm trương lực và yếu cơ, rung cơ, chán ăn, buồn nôn.
    • Hội chứng Pierre-Marie: Do tăng nồng độ hormon sinh trưởng (GH) làm hình thành những xương mới, chủ yếu là ở các xương dài, xương tăng sinh và viêm xương dưới màng xương. Hậu quả là khớp sưng đau, ngón tay, ngón chân dùi trống.

Triệu chứng cận lâm sàng:

  • X-quang:
    Rất có giá trị trong chẩn đoán. Có khi phải chụp 2 hay nhiều lần cách nhau khoảng 2 tuần để theo dõi sự phát triển của bóng mờ, bóng mờ tăng kích thước đều và nhanh (một dấu hiệu Xquang của ung thư).
  • Đối với ung thư trung tâm:
    • Rốn phổi rộng hơn bình thường, bóng mờ không đều ở rốn phổi, bờ không đều đặn, bóng mờ phát triển đậm dần. Đặc biệt có các tia lan ra xung quanh như mặt trời mọc (hình ảnh đặc biệt trong ung thư phổi).
    • Ở trường hợp lòng phế quản bị khối ung thư làm hẹp, thường có hình ảnh của rối loạn thông khí tại phần phổi tương ứng của phế quản đó:
    • Phổi giảm sáng (do giảm thông khí).
    • Phổi tăng sáng (do giãn phổi).
    • Tăng thể tích, trung thất bị đẩy sang bên lành.
    • Có thể xẹp phổi (Khối u to làm tắc lòng phế quản).
  • Ung thư ngoại vi:Bóng mờ đậm độ không đều nhau, chu vi không đồng đều, khi khối u càng lớn bóng mờ càng đậm. Do viêm mạnh nên quanh khối u, cấu trúc phổi đậm nét hơn bình thường. Thể tích khối u có thể bằng từ đồng xu đến nắm tay. Nếu khối u cách phổi một quãng có thể thấy những tia nối với rốn phổi, các tia này có thể là sự thâm nhiễm ung thư dọc theo phế quản hoặc dọc mạch máu, hoặc vào chuỗi bạch mạch.
  • Trên phim có thể thấy hình ảnh của các biến chứng:
    • Hoại tử: Làm thành một hang trong lòng khối u, hang này có thành dày, bờ ngoài rõ đều, bờ trong khúc khuỷu hang không đều, có thể thấy những nụ nổi lên. Trong lỗ hổng có nhiều dịch tiết, có khi giống như một hang lao thông thường, bờ mỏng mặt trong và ngoài đều đặn, bên trong có dịch hoặc không.Nhưng ở đây nhu mô phổi ở xung quanh thường xuyên lành, thử nhiều lần BK vẫn âm tính, điều trị đặc hiệu lao không có tiến bộ. Có thể gặp hình ảnh của của áp xe phổi, bóng mờ lớn, giữa hình sáng và có nước dịch ở thuỳ trên. Ở đây thuỳ bị co kéo có thể gây nên biến dạng của cơ hoành, trung thất thành ngực.
    • Di căn vào hạch trung thất:
      • Vào hạch phế quản - phổi làm rốn phổi rộng ra, nhiều khi bờ ngoài của rốn có nhiều hình vòng.
      • Vào hạch cạnh khí quản và hạch khí phế quản, làm bóng của phần trên trung thất rộng ra.
      • Vào ngã ba khí phế quản làm góc khí quản banh rộng ra (thực tế việc xác định trên Xquang rất khó khăn, chỉ ở những trường hợp nặng mới thấy được).
    • Di căn vào thành ngực:Gặp ở ung thư phổi ngoại vi, có thể di căn sang màng phổi, xương sườn, làm phá huỷ xương sườn hoặc gãy xương.
  • Chụp phế quản:
    • Có giá trị đặc biệt (ung thư trung tâm), phế quản hẹp, thành phế quản nham nhở, phế quản có thể cắt cụt.
    •  Ít có giá trị (ung thư ngoại vi), một số trường hợp có thể thấy phế quản bị thu hẹp, chệch hoặc bị cắt cụt.
  • Soi phế quản:
    •  Rất quan trọng để chẩn đoán ung thư phế quản. Có thể thấy một u dài hoặc một nụ mọc lên trên niêm mạc phế quản. U này màu trắng hoặc màu hồng bờ không đều, niêm mạc phế quản bị thâm nhiễm dày, u có thể loét và dễ chảy máu.
    • Từ khi có ống soi sợi mềm, có thể phát hiện được những ung thư ở phế quản cấp 5, cấp 6.Trong ung thư phế quản, ngoại vi soi phế quản thường không thấy.
    • Cũng có khi hình ảnh chèn ép từ ngoài phế quản làm xẹp lòng phế quản. Qua soi phế quản, có thể làm sinh thiết chải phế quản hay sinh thiết hút phế quản, nếu khối u ở ngoại vi thì tìm tế bào ung thư. Cũng có thể lấy dịch tiết ở lòng phế quản để tìm tế bào ung thư.
  • Phản ứng Mantoux:
    • Âm tính.
    • Tốc độ máu lắng tăng cao.
  • Các biện pháp khác:
    • Sinh thiết hạch ngoại vi nếu có hạch trên xương đòn, hoặc làm sinh thiết hạch ở cơ bậc thang theo phương pháp Daniels.
    • Khi cần thiết có thể làm sinh thiết phổi, chọc kim qua thành ngực vào khối u, dưới hướng dẫn của Xquang.
    • Ở một số trường hợp nhất định, có thể mở lồng ngực thăm dò, làm sinh thiết tức thì để quyết định luôn phương pháp phẫu thuật ở phổi.
Phòng ngừa

Không nên lạm dụng các vitamin. Thí dụ, chất beta-carotene là tiền sinh tố A ở lượng cao có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi.

Cách tốt nhất để giữ cơ thể khỏe mạnh là ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều. Ngưng càng sớm càng tốt. Không hút thuốc lá là cách tốt nhất để ngừa ung thư phổi.

  • Phòng tránh trong nghề nghiệp
    Những chất gây ung thư đi vào cơ thể qua hô hấp có trong môi trường làm việc chính là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng cao.Khai thác mỏ quặng phóng xạ, nên thực hiện các biện pháp bảo vệ hiệu quả, giảm thiểu lượng bức xạ tiếp xúc với công nhân. Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất, cũng phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư. Do đó, chuyên gia ung thư của Bệnh viện Ung bướu Hiện đại Quảng Châu (Trung Quốc) với nhiều năm nghiên cứu và chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân ung thư khuyên rằng, công nhân làm việc trong các ngành nghề đặc thù như ngành than, dầu khí nên áp dụng nghiêm túc các quy tắc bảo hộ.
  • Bỏ thuốc lá
    Độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày, chủng loại thuốc lá... đều có mối liên quan chặt chẽ đến ung thư phổi. Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Có thể thấy hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư. Bỏ thuốc lá có thể giảm rõ rệt tỷ lệ mắc ung thư phổi. Do đó việc cần nhấn mạnh đầu tiên để phòng tránh ung thư phổi là bỏ thuốc lá, không hút thuốc chủ động và cũng tránh xa khói thuốc xung quanh.
  • Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh
    Phòng tránh ung thư phổi nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, đặc biệt là những thực phẩm có hàm lượng caroten, không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành...
  • Giữ phòng thông thoáng
    Ô nhiễm không khí trong nhà gây ra bởi các vật liệu trang trí cũng góp phần vào nguyên nhân gây ung thư phổi. Do đó, để phòng tránh ung thư phổi, đồ vật trang trí nên sử dụng những nguyên liệu an toàn, hơn nữa không nên mới tu sửa xong đã ở ngay. Chú ý bảo trì hệ thống thông gió trong nhà, cải thiện chất lượng hệ thống lưu thông không khí trong phòng.
  • Giảm thiểu khói dầu nhà bếp
    Ngoài khói thuốc lá, khói dầu sinh ra trong quá trình nấu nướng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Một số thành phần có trong dầu thực vật ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra các chất gây ung thư; nhiệt độ càng cao, lượng sản sinh ra càng nhiều. Hơn nữa, chúng ta lại thường xuyên ăn đồ chiên xào, có thói quen dùng nhiều dầu, sẽ làm nguy cơ này tăng cao hơn. Ngoài ra, khi nhiên liệu bị đốt cháy sẽ sản sinh ra khí độc hại, hít phải sẽ có những ảnh hưởng xấu đến chức năng tim phổi. Do đó, chuyên gia ung thư nhắc nhở, muốn phòng tránh ung thư phổi nên giảm thiểu các đồ ăn chiên xào.

Phòng tránh ung thư phổi nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, tránh xa tất cả những yếu tố nguy hiểm gây ra ung thư để có thể bảo vệ sức khỏe lá phổi của chúng ta.

Điều trị
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u:
    Có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân có thể trạng tốt để phẫu thuật. 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này. Những bệnh nhân được phẫu thuật lấy toàn bộ khối u có thời gian sống thêm lâu dài.
  • Điều trị tia xạ:
    Phương pháp này được áp dụng cho 35% bệnh nhân. Mục đích là phá hủy khối u khi nó còn nhỏ (thường có đường kính 6 cm) và không có di căn. Đối với những khối u lớn thì nó làm giảm sự phát triển của khối u. Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.
  • Điều trị bằng hóa chất:
    Có tác dụng tốt ở hầu hết bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ và đôi khi ở những loại ung thư phổi khác. Những tiến bộ gần đây về hóa trị liệu đã làm giảm đáng kể những tác dụng phụ so với trước đây.
  • Điều trị hỗ trợ:
    Chỉ áp dụng cho khoảng 1/3 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên, bao gồm chăm sóc bệnh nhân, điều trị triệu chứng và làm giảm đau. Cần có một chế độ ăn thích hợp, nghỉ ngơi, chăm sóc về mặt y tế và giải trí đôi khi cũng giúp ích cho bệnh nhân.

Ở hầu hết các bệnh nhân ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị mới bao gồm đưa chất đồng vị phóng xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hóa chất mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được một số kết quả.

Trong quá trình điều trị, nếu có bất cứ vấn đề gì, bạn và gia đình nên trao đổi trực tiếp với các bác sĩ để có biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.