eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Ung thư gan

Gan là cơ quan quan trọng của cơ thể, nằm ở vùng bụng trên bên phải, có chức năng thanh lọc máu, giải độc tố, chuyển hóa chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Nếu gan không khỏe mạnh, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự phát triển của các tế bào ung thư có thể phá hủy gan và gây tổn thương đến các cơ quan xung quanh. Ung thư gan có thể phát sinh từ tế bào gan (ung thư gan nguyên phát) hoặc do tế bào ung thư di chuyển từ cơ quan khác đến (di căn). Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư gan nguyên phát thường gặp nhất, thường phát triển ở bệnh nhân có tổn thương gan do các bệnh nhiễm trùng gan, viêm gan B và viêm gan C.

TRIỆU CHỨNG

Đau bụng, đặc biệt, phần bụng phía trên bên phải to lên, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, vàng da, vàng mắt, ngứa, nhầm lẫn.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, CT Scan hoặc MRI), sinh thiết gan và xét nghiệm máu để xác định ung thư và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), sinh hóa Alpha Fetoprotein (AFP) trong máu, bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), phân tích nước tiểu (UA).

Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị phụ thuộc vào loại ung thư gan và mức độ của bệnh. Phẫu thuật hoặc ghép gan thành công nếu bệnh được chẩn đoán sớm, khối u còn nhỏ, phát triển chậm. Hóa trị và xạ trị thường không hiệu quả nhưng có thể được áp dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp tăng khả năng loại bỏ hoàn toàn khối u. Thuốc Sorafenib giúp ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư, kéo dài sự sống. Thuốc giảm đau có thể được sử dụng.

Tổng quan

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), ung thư là sự tăng trưởng không được kiểm soát và sự xâm lấn lan rộng của tế bào. Ung thư là một bệnh lý ác tính của tế bào, khi bị kích thích bởi các tác nhân gây ung thư thì tế bào tăng sinh một cách vô hạn, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về mặt phát triển của cơ thể.

Ung thư gan có hai loại là nguyên phát và thứ phát. Ung thư gan nguyên phát phát triển từ các tế bào trong gan, ung thư gan thứ phát do các tế bào ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể và đi vào gan gây ra các khối u di căn. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ 3 trong các loại ung thư phổ biến nhất.

Ung thư gan hiếm khi được phát hiện sớm và khó kiểm soát với những biện pháp điều trị hiện nay, tiên lượng thường xấu vì vậy điều quan trọng là chúng ta biết cách phòng ngừa các nguy cơ có thể dẫn đến ung thư gan.

Nguyên nhân

Khoa học hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, có thể chẩn đoán được ung thư gan thông qua những dấu hiệu sau:

  • Những người bị viêm gan B mạn tính có nguy cơ mắc ung thư gan rất cao.
  • Viêm gan C lây nhiễm.
  • Xơ gan do uống quá nhiều rượu bia.
  • Những người bị tiểu đường và béo phì.
  • Thuốc và hóa chất.
  • Di truyền
  • Môi trường
Nguyên nhân khác

Khối u thường âm thầm phát triển và khi các triệu chứng đã xuất hiện rõ rệt thì khối u cũng đã phát triển lớn và bệnh nhân đã ở giai đoạn nguy hiểm. Bệnh nhân sẽ tử vong sau 3 - 6 tháng kể từ khi mắc bệnh. Hãy cảnh giác với những biểu hiện dưới đây của bệnh:

  • Giai đoạn đầu:
    • Rối loạn tiêu hóa nhẹ: Ăn không ngon, ăn ít, đầy bụng, khó tiêu, đại tiện khó khăn.
    • Đôi lúc cảm thấy đau hoặc tức hạ sườn phải nhưng không đáng kể.
    • Cơ thể mệt mỏi, đôi khi sốt nhẹ nhưng tự khỏi, cơ thể giảm cân từ 1 - 2 kg/tháng.
    • Sờ thấy khối u vùng hạ sườn phải hoặc khám sức khỏe định kỳ phát hiện qua siêu âm.
    • Những triệu chứng trên thường không rõ rệt và dễ bị người bệnh bỏ qua.
  • Các giai đoạn sau:
    • Đau vùng gan: đau vùng hạ sườn phải, thường gặp vào thời kỳ giữa và cuối, đau tức hoặc như dao đâm. Thường trên 1/2 số bệnh nhân có đau vùng gan, đau xuyên lên vai phải và lưng.
    • Bụng trên đầy tức, xuất hiện sớm, thường kèm theo những triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhưng ít được chú ý, đến lúc muộn thì đã có dịch trong ổ bụng và cổ trướng.
    • Chán ăn là triệu chứng sớm nhất của bệnh nhưng ít được chú ý và dần dần xuất hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy nặng lên đã là giai đoạn cuối.
    • Những triệu chứng khác như mệt mỏi, sút cân, sốt và xuất huyết là những triệu chứng của thời kỳ cuối mà tiên lượng đã rất xấu.
    • Gan to (khối u vùng bụng trên): trên 90% số bệnh nhân đến khám là gan to, cứng, mặt gồ ghề hoặc ấn đau.
    • Lách to thường kèm theo và là hậu quả của xơ gan.
    • Cổ trướng là triệu chứng của thời kỳ cuối, dịch ổ bụng thường màu vàng cỏ úa hoặc màu đỏ (có máu), thuốc lợi tiểu thường không có hiệu quả.
    • Da vàng do tắc mật và do tế bào hủy hoại nặng dần lên, mạch sao, thường xuất hiện vào thời kỳ cuối biểu hiện của xơ gan.
Phòng ngừa
  • Tiêm phòng viêm gan siêu vi B: Có thể giảm nguy cơ viêm gan B do được tiêm phòng viêm gan B, cung cấp sự bảo vệ hơn 90% cho cả người lớn và trẻ em. Bảo vệ kéo dài nhiều năm và thậm chí có thể là suốt đời. Vaccin có thể được tiêm cho gần như bất cứ ai, kể cả trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có tổn thương hệ miễn dịch.
  • Tiệt trùng các vật dụng có khả năng dính máu như kim, ống tiêm, kim dùng trong châm cứu, xỏ lỗ tai, xăm mình… Không cắt, lể, châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai trong điều kiện kém vệ sinh, không vô trùng.
  • Không dùng chung các đồ dùng có thể gây dính máu với bất kỳ người nào khác như kim, ống tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm cắt móng tay.
  • Không ăn thực phẩm nhiễm nấm mốc, thực phẩm sử dụng nhiều hóa chất độc hại.
  • Không sử dụng ma túy.
  • Hạn chế rượu, bia, thuốc lá.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Luyện tập thể thao.
  • Tập thể dục thường xuyên và luôn giữ cho trọng lượng cơ thể nằm ở mức lành mạnh. Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) được xếp ở mức lành mạnh thường ít bị ung thư gan hơn so với những người có BMI được xếp ở mức thừa cân hoặc béo phì. Cần tập thể dục (ngay cả việc đi dạo) hàng ngày và hạn chế lượng calo nạp vào một cách phù hợp.
  • Điều trị và theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân có bệnh lý gan như viêm gan siêu vi B, C, viêm gan do rượu, do thoái hóa mỡ.
  • Bổ sung vitamin C, E và selen. Các nhà khoa học đều khẳng định rằng tất cả các loại vitamin và khoáng chất được bổ sung vào cơ thể sẽ quyết định phần nào khả năng ngăn ngừa căn bệnh ung thư gan.
Điều trị

Mục tiêu của điều trị là loại trừ hoàn toàn bệnh ung thư. Khi điều đó là không thể, trọng tâm có thể vào phòng ngừa các khối u phát triển hay di căn.

  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan (hepatectomy). Bác sĩ có thể khuyên nên cắt một phần gan để loại bỏ ung thư gan và một phần nhỏ các mô xung quanh nó, nếu khối u là nhỏ và chức năng gan tốt.
  • Phẫu thuật cấy ghép gan. Trong phẫu thuật cấy ghép gan, gan bệnh bị loại bỏ và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh từ người hiến tạng. Phẫu thuật cấy ghép gan có thể là một lựa chọn cho những người bị ung thư gan giai đoạn đầu, cũng có xơ gan.
  • Làm lạnh tế bào ung thư. Liệu pháp lạnh sử dụng cực lạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt một dụng cụ (cryoprobe) có chứa nitơ lỏng trực tiếp vào khối u gan. Hình ảnh siêu âm được sử dụng để hướng dẫn và giám sát dụng cụ làm lạnh các tế bào. Có thể dùng liệu pháp lạnh đơn thuần để điều trị ung thư gan, hoặc được sử dụng cùng với phẫu thuật, hóa trị hoặc điều trị tiêu chuẩn khác.
  • Làm nóng tế bào ung thư. Trong cắt bỏ, một thủ thuật gọi là tần số radio, dòng điện được sử dụng để làm nóng và tiêu diệt tế bào ung thư. Sử dụng siêu âm hoặc CT scan hướng dẫn, bác sĩ phẫu thuật chèn một số kim mỏng vào vết mổ nhỏ ở bụng. Khi kim tới được khối u, một dòng điện sẽ làm nóng, phá hủy các tế bào ung thư.
  • Tiêm cồn vào khối u. Trong khi tiêm cồn, rượu nguyên chất được tiêm trực tiếp vào khối u, hoặc qua da. Rượu làm khô các tế bào khối u và cuối cùng là các tế bào chết.
  • Tiêm thuốc hóa trị vào gan. Tắc mạch bằng hóa chất là một loại điều trị hóa trị mạnh đưa thuốc chống ung thư trực tiếp vào gan. Trong thủ thuật, động mạch gan - động mạch mà từ đó ung thư gan được cung cấp máu – sẽ bị chặn, và các loại thuốc hóa trị liệu được tiêm để làm nghẽn mạch.
  • Xạ trị liệu. Điều trị này sử dụng năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và giảm khối u. Trong khi xạ trị, bệnh nhân nằm trên bàn và máy sẽ hướng các tia xạ vào một điểm chính xác trên cơ thể. Tác dụng phụ của tia xạ có thể bao gồm mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa.
  • Thuốc điều trị đích. Sorafenib (Nexavar) là một loại thuốc được nhắm mục tiêu để cản trở khả năng một khối u tạo ra các mạch máu mới. Sorafenib đã làm chậm hoặc ngăn chặn ung thư gan mới không tiến triển trong vài tháng mà không điều trị.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.