eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Ung thư bàng quang

Bàng quang là cơ quan nằm trong khung chậu, có chức năng chứa nước tiểu. Ung thư bàng quang phát sinh từ sự phát triển bất thường của các tế bào lót mặt trong bàng quang. Bệnh phổ biến ở những bệnh nhân nam lớn tuổi. May mắn là phần lớn các trường hợp được phát hiện và điều trị trước khi bệnh chuyển sang giai đoạn di căn. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát, bệnh nhân sau chữa trị cần được kiểm tra định kỳ trong suốt cuộc đời.

TRIỆU CHỨNG

Đau bụng, nước tiểu có máu, bí tiểu, mệt mỏi.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Các xét nghiệm bổ sung bao gồm: phân tích nước tiểu (UA), tế bào học nước tiểu, nội soi bàng quang, sinh thiết bàng quang và chụp cắt lớp vi tính (CT scan).

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bao gồm: phẫu thuật, hóa trị và / hoặc liệu pháp miễn dịch.

Tổng quan

Nước tiểu từ thận được dẫn vào bàng quang thông qua một ống gọi là niệu quản. Lớp phía ngoài của thành bàng quang là một lớp cơ, khi bàng quang đầy nước tiểu lớp cơ này sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài qua một ống nhỏ khác gọi là niệu đạo.

Lớp niêm mạc phía trong của thành bàng quang được tạo thành từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Trên 90% ung thư xuất phát từ tế bào chuyển tiếp còn gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Còn lại có khoảng 8% là ung thư biểu mô vảy.

Những ung thư còn khu trú ở niêm mạc bàng quang thì được gọi là ung thư bề mặt bàng quang, các Bác sĩ còn gọi là ung thư tại chỗ. Loại này thường tái phát sau phẫu thuật. Các tế bào ung thư ban đầu ở bề mặt bàng quang sau đó chúng sẽ phát triển đến lớp cơ của bàng quang. Hiện tượng này gọi là sự xâm lấn của ung thư, sự xâm lấn này có thể vượt ra ngoài thành bàng quang vào các cơ quan lân cận như tử cung, âm đạo (ở phụ nữ) hoặc tuyến tiền liệt (ở nam giới) và nó cũng có thể tới thành bụng.

Khi ung thư xâm lấn qua thành bàng quang, các tế bào ung thư có thể được tìm thấy ở các hạch lymphô gần đó, và tại thời điểm này các tế bào ung thư có thể đã lan tới các hạch lymphô khác hoặc các cơ quan như phổi, gan, xương. Khi ung thư di căn từ cơ quan nguyên phát tới các cơ quan khác của cơ thể thì khối u mới được hình thành có cùng bản chất và tên gọi với khối u ở cơ quan nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư bàng quang lan tới phổi thì các tế bào ung thư ở phổi thực chất là các tế bào ung thư bàng quang chứ không phải là các tế bào ung thư phổi và việc điều trị cần được áp dụng như đối với ung thư bàng quang chứ không phải như ung thư phổi.

Nguyên nhân

Bàng quang là một tổ chức cơ, có hình quả bóng ở trong khung chậu. Nó chứa nước tiểu mà thận của bạn sản xuất trong suốt quá trình lọc máu. Giống một quả bóng, bàng quang của bạn có thể lớn hơn hoặc nhỏ đi phụ thuộc vào lượng nước tiểu mà nó chứa đựng. Nước tiểu từ thận xuống bàng quang qua một ống nhỏ được gọi là niệu quản, và được bài tiết ra ngoài cơ thể qua một ống hẹp khác, gọi là niệu đạo.

Ung thư phát triển như thế nào?

Những tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia theo trật tự. Quá trình này được kiểm soát bằng ADN - vật chất di truyền chứa đựng sự chỉ dẫn cho tất cả các quá trình hóa học trong cơ thể. Khi ADN bị tổn thương, có những thay đổi trong thông tin di truyền. Kết quả là những tế bào phát triển không kiểm soát được và thậm chí hình thành khối u, một khối các tế bào ác tính.

Hầu hết ung thư bàng quang bắt đầu từ các tế bào đặc biệt ở bề mặt của thành bàng quang (tế bào chuyển tiếp). Những tế bào tương tự cũng gặp ở thận, niệu quản và niệu đạo, nơi chúng cũng có thể phát triển thành u ác tính. Một vài ung thư vẫn còn khu trú ở bề mặt của bàng quang (ung thư biểu mô tại chỗ). Những ung thư khác đã xâm lấn, phát triển vào trong hoặc qua thành của bàng quang, và thậm chí vào hạch bạch huyết xung quanh và các cơ quan kế cận. Khi đó, ung thư cũng có thể di căn tới các cơ quan khác, bao gồm phổi, gan hoặc xương.

Những nguyên nhân chưa được biết rõ:

Những nguyên nhân tổn thương ADN dẫn đến ung thư bàng quang chưa hoàn toàn rõ ràng. Một vài trường hợp có biến đổi di truyền - ung thư bàng quang di truyền trong gia đình.

Thường gặp hơn là những đột biến gây ung thư bàng quang phát triển trong suốt đời sống con người. Tổn thương ADN xảy ra tùy thuộc vào sự phơi nhiễm với các chất độc hóa học nhất định, như những chất được tìm thấy trong khói thuốc lá.

Mặt khác, những yếu tố di truyền như cách cơ thể chuyển hóa các chất hóa học nhất định có thể giữ một vai trò nào đó. Nhiều người có cơ thể chuyển hóa những chất độc hóa học nhanh ít mắc ung thư bàng quang hơn những người chuyển hóa các chất hóa học tương tự chậm hơn.

Nguyên nhân khác

Triệu chứng thường gặp của ung thư bàng quang:

  • Đi tiểu ra máu (làm cho nước tiểu có màu từ hồng nhạt đến đỏ thẫm).
  • Đái buốt.
  • Đái nhiều lần hoặc đái rắt.

Tất cả những người có các triệu chứng này nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị các vấn đề bất thường một cách sớm nhất. Những người có các triệu chứng này có thể gặp bác sĩ gia đình hoặc một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

Phòng ngừa

Mặc dù ung thư bàng quang thường không phòng tránh được, bạn có thể thực hiện một số cách để giúp làm giảm nguy cơ.

  • Không hút thuốc. Không hút thuốc có nghĩa rằng những chất gây ung thư trong khói thuốc không thể tập trung trong bàng quang.
  • Cẩn thận với những hóa chất và nguồn nước mới. Nếu bạn làm việc với hóa chất, thực hiện tất cả những hướng dẫn an toàn để tránh phơi nhiễm. Nếu bạn có giếng nước riêng, bạn có thể muốn xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng cao thạch tín trong nước.
  • Uống nhiều dịch. Uống dịch, đặc biệt là nước, làm loãng những chất độc có thể tập trung trong nước tiểu và đưa chúng ra khỏi bàng quang nhanh chóng.
  • Ăn nhiều bông cải xanh. Nghiên cứu 10 năm được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế công cộng Harvard chỉ ra rằng ăn nhiều rau họ cải, như bông cải xanh và bắp cải, có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang ở nam.Mặc dù ăn nhiều rau tươi và quả là quan trọng với sức khỏe chung, chỉ bông cải xanh và bắp cải dường như có ảnh hưởng giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Các Bác sĩ Harvard chỉ nghiên cứu ở nam, và kết quả đó không biết liệu có đúng ở nữ.
  • Tập trung phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe. Nếu thấy máu trong nước tiểu, hãy đến gặp bác sĩ.
Điều trị

Phẫu thuật

Đây là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến. Loại phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và cấp độ của khối u. Bác sĩ có thể giải thích từng loại phẫu thuật và thảo luận để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

  • Thủ thuật cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo: Bác sĩ có thể điều trị ung thư bàng quang sớm (nông) bằng thủ thuật cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo (TUR). Trong khi tiến hành TUR, Bác sĩ đưa một ống nội soi vào bàng quang qua niệu đạo. Sau đó, bác sĩ sử dụng một dụng cụ có một vòng dây điện nhỏ ở đầu để cắt bỏ ung thư và đốt toàn bộ tế bào ung thư còn sót lại bằng một dòng điện (Phương pháp đốt tia điện). Bệnh nhân có thể cần nằm viện và gây mê. Sau TUR, bệnh nhân cũng có thể sử dụng hóa chất hoặc liệu pháp sinh học.
  • Thủ thuật cắt bỏ bàng quang triệt để: Đối với ung thư bàng quang thể xâm lấn, loại phẫu thuật thường được sử dụng nhất là cắt bỏ bàng quang triệt để. Bác sĩ cũng có thể chọn loại phẫu thuật này khi ung thư nông lan rộng khắp một phần lớn bàng quang.Phẫu thuật cắt bỏ bàng quang triệt để là cắt bỏ toàn bộ bàng quang, các hạch lân cận, một phần niệu đạo và các cơ quan lân cận có thể chứa các tế bào ung thư. Ở nam giới, các cơ quan lân cận được cắt bỏ là tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh. Ở phụ nữ, tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo được cắt bỏ.
  • Thủ thuật cắt bỏ bàng quang bán phần: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ cắt bỏ một phần bàng quang, gọi là phẫu thuật cắt bỏ bàng quang bán phần. Bác sĩ lựa chọn loại phẫu thuật này khi bệnh nhân có ung thư cấp độ thấp đã xâm lấn vào thành bàng quang nhưng mới chỉ khu trú ở một vùng.

Chiếu xạ:

Một số lượng nhỏ bệnh nhân có thể được chiếu xạ trước khi phẫu thuật để làm co khối u. Một số bệnh nhân khác có thể được chiếu xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại trong khu vực. Đôi khi, bệnh nhân có thể được điều trị bằng tia phóng xạ khi không còn khả năng phẫu thuật.

Bác sĩ sử dụng hai cách chiếu xạ để điều trị ung thư bàng quang:

  • Chiếu xạ ngoài: Một máy chiếu lớn bên ngoài cơ thể hướng tia vào vùng khối u. Hầu hết bệnh nhân chiếu xạ ngoài được điều trị ngoại trú 5 ngày/tuần trong thời gian 5 - 7 tuần. Phác đồ điều trị này giúp bảo vệ các tế bào và mô lành tránh sự lan tỏa của tổng liều phóng xạ. Thời gian điều trị có thể ngắn hơn khi kết hợp chiếu xạ ngoài với chiếu xạ áp sát.
  • Chiếu xạ trong: Bác sĩ đặt một dụng cụ nhỏ chứa chất phóng xạ vào trong bàng quang qua niệu đạo hoặc qua một vết rạch ở vùng bụng. Bệnh nhân cần nằm viện vài ngày trong thời gian điều trị.
    Để bảo vệ những người khác tránh khỏi tiếp xúc với phóng xạ, bệnh nhân thường không được có người tới thăm hoặc chỉ được gặp họ trong một thời gian ngắn khi nguồn xạ còn trong cơ thể. Khi nguồn xạ được lấy ra thì phóng xạ không còn ở lại trong cơ thể.Một số bệnh nhân ung thư bàng quang được điều trị bằng cả hai cách chiếu xạ.

Hóa trị liệu:

  • Hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc. Đối với bệnh nhân có ung thư bàng quang nông, bác sĩ có thể đưa hóa chất vào trong bàng quang sau khi cắt bỏ ung thư qua đường niệu đạo.Đây là phương pháp điều trị tại chỗ. Bác sĩ đưa một ống thông vào bàng quang qua niệu đạo và qua đó bơm thuốc ở dạng nước vào bàng quang. Các loại thuốc này lưu lại trong bàng quang 5 - 7 giờ. Chúng chủ yếu ảnh hưởng tới những tế bào trong bàng quang. Thông thường, bệnh nhân được điều trị như vậy 1 lần/tuần trong 5 - 7 tuần. Đôi khi, người ta điều trị một hoặc vài lần mỗi tháng và kéo dài như vậy tới 1 năm.
  • Nếu ung thư đã xâm lấn sâu vào bàng quang hoặc lan tới các hạch bạch huyết hay các cơ quan khác, Bác sĩ có thể đưa thuốc vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị toàn thân, thuốc đi vào mạch máu tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Các loại thuốc thường được điều trị theo chu kỳ để có một thời gian nghỉ, hồi phục tiếp theo sau một đợt điều trị.Bệnh nhân có thể được điều trị bằng hóa chất đơn độc hoặc hóa chất kết hợp với phẫu thuật, xạ trị hoặc với cả hai. Thông thường, bệnh nhân được điều trị bằng hóa chất ngoại trú ở một bệnh viện, phòng khám hoặc phòng khám tư. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại thuốc được sử dụng và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân, bệnh nhân có thể cần nằm viện trong một thời gian ngắn.

Liệu pháp sinh học:

  • Liệu pháp sinh học sử dụng khả năng tự nhiên của cơ thể (hệ miễn dịch) để chống lại ung thư. Liệu pháp sinh học thường được sử dụng sau khi cắt bỏ ung thư qua niệu đạo đối với ung thư bàng quang nông. Phương pháp này giúp ngăn ngừa ung thư tái phát. Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp sinh học bằng cách đưa vào trong bàng quang dung dịch BCG.Dung dịch BCG là dung dịch có chứa các vi khuẩn sống đã bị làm suy yếu. Những vi khuẩn này kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư ở bàng quang. Bác sĩ đưa dung dịch vào trong bàng quang qua một ống thông. Giữ dung dịch này trong bàng quang bệnh nhân khoảng 2 giờ. Điều trị bằng BCG thường được tiến hành 1 lần/tuần trong 6 tuần.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.