Thoái hóa đốt sống cổ (viêm khớp cổ) là tình trạng bệnh lý ở các đốt sống cổ, bắt đầu bằng hiện tượng hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng, sau đó là hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, nhất là khi vận động vùng cổ. Khi viêm khớp phát triển có thể xuất hiện các gai xương, các gai này kích thích các dây thần kinh, dây chằng gần đó và cơ bắp, gây đau. Thoái hóa đốt sống là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau cổ ở người già.
Cổ đau, đau tăng nặng khi chuyển động cổ, cứng, tê, yếu cổ.
Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Xét nghiệm hình ảnh: chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang để xác định mức độ thoái hóa.
Điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh và triệu chứng. Điều trị bao gồm: thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc chống viêm không steroid / NSAIDs (ibuprofen / Motrin hoặc Advil, naproxen / Naprosyn), acetaminophen (Tylenol), tập thể dục và vật lý trị liệu. Tiêm cortisone. Phẫu thuật nếu đau dai dẳng, mất cảm giác hoặc yếu xương cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ ở giai đoạn đầu gây cảm giác cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển. Nếu không được điều trị thì sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần xuống vai, gáy, tai, đầu.
Giai đoạn tiếp theo, người bệnh xuất hiện đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay, đó là khi những biến chứng bắt đầu xuất hiện.
Khi ngồi gần nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay song song với nền nhà. Luôn giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng. Nếu sử dụng đồ kẹp hồ sơ dùng khi đánh máy thì kẹp này nên để càng sát màn hình càng tốt.
Khi ngủ hãy thường xuyên chuyển mình, tránh nằm chỉ một hoặc 2 tư thế sẽ rất dễ bị vẹo cổ. Không nằm sấp, bởi tư thế này sẽ khiến cho cổ bị gập xuống, rất dễ gây nên chứng thoái hóa đốt sống cổ, không nên nằm gối đầu quá cao. Để đề phòng hiện tượng “gãy”, trật khớp mỏm nha gây liệt tứ chi hoặc tử vong, người bệnh tuyệt đối không được “vặn”, “ấn cổ”. Khi nằm, cần có gối với độ dày vừa phải, tránh tư thế quá ưỡn cổ hoặc cúi gấp cổ.
Có chế độ ăn giàu canxi (tôm, cua, ốc, uống sữa có can xi…) để tránh loãng xương, tránh thoái hóa khớp và nên ăn nhiều rau, trái cây để bồi phụ các loại vi chất cần thiết, trong đó có các vitamin nhóm B.
Một số lưu ý:
Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố nghề nghiệp gây nên, sau mỗi ngày làm việc cần xoa bóp, chăm sóc trực tiếp đến vùng này, không nên quá gắng sức trong công việc. Cần phân phối hợp lý giữa thời gian lao động và nghỉ ngơi, hạn chế tối đa những tác động không tốt đến các đốt sống cổ.
Đối với người làm công tác văn phòng, làm việc với máy vi tính, cần tạo lập thói quen bảo vệ sức khỏe ngay tại nơi làm việc, với những động tác luyện tập hay vươn vai đơn giản, không ngồi ì bên máy tính trong thời gian quá dài, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học.
Ngoài ra, ghế làm việc phải có độ cao thích hợp so với bàn làm việc và máy tính. Không để ghế ngồi quá cao hay quá thấp. Giữ khoảng cách hợp lý từ tay đến bàn làm việc hay máy tính. Nên sử dụng máy tính có màn hình lớn, tối thiểu từ 17 inch trở lên giúp các cơ cổ không bị căng, mỏi. Ngồi cách màn hình vi tính 50 - 66 cm và đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 10 - 20 độ. Không để tầm màn hình quá cao hoặc quá thấp so với tầm mắt.
Nguyên tắc điều trị thoái hóa đốt sống cổ ở mức độ nhẹ là nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu an toàn (tránh vật lý trị liệu thô bạo làm cho bệnh thêm nặng).
Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh, vitamin nhóm B hoặc châm cứu giảm đau (với bác sĩ có kinh nghiệm). Việc điều trị bằng phương pháp gì, thuốc gì cần có ý kiến của bác sĩ khám bệnh, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa khớp, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị.