eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Táo bón

Táo bón là hiện tượng cảm thấy khó chịu, khó khăn khi đại tiện do phân thường cứng và khô. Táo bón nặng có thể dẫn đến hiện tượng phân bị nêm chặt, gây tắc ruột. Các nguyên nhân chính của táo bón bao gồm: mất nước, lối sống ít vận động, thuốc (đặc biệt là các chất ma tuý), căng thẳng, mang thai, lạm dụng thuốc nhuận tràng, trầm cảm, chế độ ăn uống ít chất xơ.

TRIỆU CHỨNG

Đi đại tiện khó và không đều, đau trực tràng, đau bụng, buồn nôn, ói mửa.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Thông thường bệnh nhân không cần làm xét nghiệm mặc dù trong một vài trường hợp việc đo nồng độ TSH trong máuđể kiểm tra chức năng tuyến giáp được chỉ định. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính cũng có thể được chỉ định để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng nếu cần thiết.Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp x-quang.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bao gồm: thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng, thụt tháo bằng các chất nhày hoặc thụt tháo vi lượng. Việc sử dụng lâu dài các loại thuốc làm mềm phân có thể cần thiết. Thay đổi loại thuốc được chẩn đoán là góp phần gây táo bón (ví dụ như loại thuốc giảm đau nào đó) có thể hữu ích.

Tổng quan

Khi bị táo bón, phân thường cứng và khô.

Hiện nay có nhiều người bị táo bón. Táo bón khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, nếu để lâu sẽ dẫn tới bị bệnh trĩ, phình đại tràng, viêm đại tràng, lâu dần biến chứng có thể dẫn tới ung thư đại tràng.

Táo bón rất hay gặp ở trẻ khi ăn thức ăn có quá nhiều mỡ, chất đạm và ít chất khoáng, cũng có khi do uống nhiều sữa bò, sữa bột vì ít sữa mẹ.

Các cơ bụng và thành ruột cũng có vai trò quan trọng trong việc gây ra táo bón. Những đứa trẻ còi xương, đẻ thiếu tháng rất hay bị táo bón. Ở những trẻ lớn hơn, táo bón thường do ăn quá nhiều thức ăn cứng hoặc không đủ lượng vitamin B1 cần thiết, có khi do lỗ hậu môn bị rạn.

Nguyên nhân

Theo lý thuyết, táo bón có thể do thức ăn tiêu hoá di chuyển chậm qua bất kỳ đoạn nào của ống tiêu hoá. Tuy nhiên, trong hơn 95% trường hợp chúng di chuyển chậm qua đoạn đại tràng.

  • Thuốc: Nguyên nhân thường gây táo bón được tìm thấy là do thuốc. Các nguyên nhân do thuốc bao gồm:
    • Các thuốc giảm đau gây nghiện như codeine (như Tylenol), oxycodone (như Percocet), hdrophormone (Dilaudid).
    • Các thuốc chống trầm cảm như amitriptylene (Elavil) và imipramine (Tofranil).
    • Các thuốc chống động kinh như phenytoin (Dilantin) và carbamazepine (Tegretol).
  • Sắt bổ sung.
    • Các thuốc chặn kênh calci như diltiazem (Cardizem) và nifedipine (Procardia)
    • Các thuốc antacid có chứa nhôm như Amphojel, phosphalugel và Basaljel

Ngoài danh sách trên còn nhiều thuốc khác có thể gây táo bón.

Vài xử trí đơn giản đối với những nguyên nhân gây táo bón do thuốc như chế độ ăn nhiều chất xơ thường có hiệu quả và không cần thiết phải ngưng dùng thuốc. Nếu những xử trí này không hiệu quả, có thể cần thay thế bằng thuốc ít gây táo bón hơn.

Ví dụ, thuốc kháng viêm không steroid có thể thay thế cho các thuốc giảm đau an thần. Hơn nữa, có thể thay thế amitriptylene và imipramine bằng một thuốc mới ít gây táo bón hơn (như fluoxetine hay Prozac).

  • Thói quen: Ngăn cảm giác mót đại tiện thường xuyên sẽ dẫn đến mất cảm giác mót đại tiện và gây táo bón.
  • Chế độ ăn: Chất xơ rất quan trọng để duy trì phân to, mềm. Do đó, các chế độ ăn ít chất xơ có thể gây táo bón. Nguồn chất xơ tự nhiên tốt nhất là trái cây, rau và các loại hạt.
  • Thuốc nhuận tràng: Một trong những nguyên nhân gây táo bón nặng là lạm dụng các chất kích thích nhuận tràng (như cây keo, dầu thầu dầu và một vài loại thảo mộc). Mặc dù khó có thể kết luận, nhưng có những bằng chứng cho rằng sử dụng thường xuyên chất kích thích nhuận tràng có thể gây tổn thương dây thần kinh đại tràng, về lâu dài làm thay đổi chức năng đại tràng, các dây thần kinh kiểm soát các cơ đại tràng.Các tổn thương này được cho là có liên quan đến sự co bóp và tống phân khỏi lòng đại tràng. Sử dụng chất kích thích đại tràng làm xuất hiện chu kỳ bất thường, sau đó tổn thương có thể gây táo bón và cần dùng lượng chất kích thích nhuận tràng nhiều hơn nữa. Từ đó, người bệnh chỉ đi đại tiện được khi sử dụng chất kích thích nhuận tràng. Cần giới hạn sử dụng các chất kích thích nhuận tràng do mối liên quan với tổn thương đại tràng lâu dài. Các loại chất nhuận tràng khác không gây nên tổn thương này.
  • Các rối loạn hormon: Hormon có tác động đến việc đi đại tiện. Chẳng hạn, lượng hormon tuyến giáp quá ít (thiểu năng tuyến giáp) và hormon cận giáp quá nhiều (do tăng nồng độ calci trong máu) có thể gây táo bón.Trong thời gian kinh nguyệt của người phụ nữ, nồng độ estrogen và progesteron cao có thể gây táo bón. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài. Mức độ estrogen và progesteron cao trong quá trình mang thai cũng gây táo bón.
  • Các bệnh lý ảnh hưởng đến đại tràng: Có nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng của cơ và thần kinh đại tràng. Các bệnh này gồm có tiểu đường, xơ cứng bì, tắc ruột giả, bệnh Hirschbrung, Chagas. Ung thư hay chít hẹp đại tràng gây tắc nghẽn cũng làm giảm tống phân.
  • Các bệnh lý hệ thần kinh trung ương: Bệnh lý não và tuỷ sống cũng gây táo bón, gồm có bệnh Parkinson, xơ cứng toàn thể và chấn thương tuỷ sống.
  • Đại tràng vô lực: Đại tràng vô lực là tình trạng thần kinh hoặc cơ đại tràng không hoạt động bình thường. Kết quả là những thứ trong lòng đại tràng không được đẩy một cách bình thường. Không rõ nguyên nhân gây ra đại tràng vô lực.Trong một vài trường hợp, thần kinh và cơ đại tràng bị bệnh. Đại tràng vô lực cũng có thể là hậu quả của việc sử dụng chất kích thích nhuận tràng lâu ngày. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp thì nguyên nhân chưa tìm thấy.
  • Rối loạn sàn chậu: Còn được gọi là tắc nghẽn đường ra hay làm chậm đường thoát, là tình trạng cơ sàn chậu bao quanh trực tràng hoạt động không bình thường. Những cơ này quyết định việc đi đại tiện (nhu động ruột). Không rõ vì sao ở một số người những cơ này hoạt động không hợp lý, chúng làm cho sự di chuyển phân khó khăn.
Nguyên nhân khác

 Những vấn đề thường gặp nếu bạn bị táo bón bao gồm:

  • Gặp khó khăn trong việc bắt đầu và kết thúc đi đại tiện.
  • Đi đại tiện khó và không đều.
  • Đi ra phân cứng sau một thời gian gắng sức dài trong nhà vệ sinh.
  • Nếu bị hội chứng ruột kích thích, bạn sẽ gặp các triệu chứng đau quặn bụng, đầy hơn, cảm giác đầy bụng, thay đổi thói quen đi đại tiện.
  • Nếu bị tắc ruột, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn, không đi đại tiện được, không trung tiện (đánh rắm) được.
  • Sưng căng bụng, nhức đầu, ăn mất ngon.
  • Lưỡi đóng màng, hơi thở hôi và có vị khó chịu trong miệng.
Phòng ngừa

Cần tránh các căng thẳng thần kinh

Đôi khi chứng táo bón gây hội chứng rối loạn thần kinh - luôn lo sợ và luôn nghĩ về tình trạng bệnh của mình, nghĩ rằng bệnh ngày càng nặng, không thể chữa khỏi. Thực ra, khi thăm khám lâm sàng thường chỉ là do hội chứng rối loạn chức năng ruột (giảm trương lực cơ trơn của thành ruột, giảm nhu động ruột) với các nguyên nhân dễ điều chỉnh. Do đó, cần tránh căng thẳng thần kinh.

Chế độ ăn chữa táo bón:

Nguyên nhân chính dẫn đến chứng táo bón chủ yếu là chế độ ăn uống không hợp lý, do vậy chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn đã có cải thiện đáng kể.

  • Uống đủ nước: Đa phần những người bị táo bón là do không uống đủ nước trong ngày. Uống không đủ nước dẫn đến giảm tỷ lệ nước trong thành phần phân và gây táo bón. Bình thường trong phân chứa khoảng 75-78% nước. Nếu tỷ lệ nước trong phân giảm xuống còn 50% sẽ làm khối phân khó di chuyển theo ruột già, còn nếu tỷ lệ nước trong phân xuống còn 20% thì khối phân hoàn toàn bị tắc.
    • Khuyến cáo lượng nước cần cho cơ thể mỗi ngày là khoảng 2 - 2,5 lít (400 ml/kg cân nặng, ví dụ nặng 50 kg thì cần 2 lít nước/ngày), trong đó gồm nước có trong thức ăn (trong cơm, thức ăn, canh, trái cây…) và nước uống ở các dạng khác nhau (nước đun sôi để nguội, nước chè, nước hoa quả…).
    • Mỗi sáng, ngay sau khi ngủ dậy, cần uống 1 cốc nước lạnh (nước sôi nguội, nước khoáng, nước quả) sẽ có tác dụng kích thích nhu động ruột và trong ngày uống 6 - 8 cốc nước ở các dạng khác nhau.
    • Nếu lao động thể lực trong điều kiện nóng ẩm, những ngày mùa đông có độ ẩm thấp, phụ nữ đang cho con bú, người đang trong tình trạng sốt thì cần uống nước nhiều hơn.
  • Tăng cường ăn các thức ăn có nhiều chất xơ:
    • Rau xanh, hoa quả, trái cây khô, hạt ngũ cốc, bánh mỳ đen, gạo lức…, các thức ăn này chứa nhiều chất xơ và chất pectin tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, ức chế quá trình gây thối, các chất độc hại cũng sẽ bám vào các chất xơ và được thải ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, ăn các chất này làm tăng khối lượng phân - kích thích lên thành ruột, gây tăng nhu động ruột và gây cảm giác mót đại tiện.
    • Các thức ăn như các đồ dầm giấm, các đồ xông khói, thịt gân, thịt bạc nhạc cũng là các chất nhuận tràng. Cám gạo rất tốt cho những người bị táo bón, nên bổ sung 1 - 2 thìa cà phê cám gạo vào mỗi bữa cơm, cháo hoặc pha với nước sôi để uống.
    • Tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều magiê như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau dền, mùng tơi, rau khoai lang, khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu. Như đã biết, magiê có vai trò quan trọng trong việc tăng nhu động ruột.
  • Ăn  đúng giờ, tốt nhất là ăn nhiều bữa (4 – 5 bữa/ ngày). Trước khi đi ngủ nên ăn 1 cốc sữa chua, dần dần sẽ cải thiện đáng kể chủng vi khuẩn có lợi trong ruột.
  • Tránh ăn các thức ăn tinh chế như cháo, súp đặc (khoai tây, cà rốt nghiền…), các thức ăn nhanh (fast food), thức ăn nóng, các chất kích thích như hạt tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ. Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc.
  • Duy trì đi đại tiện 1 lần/ ngày, đi đúng giờ, tốt nhất là rèn thói quen đi vào buổi sáng hoặc chiều tối. Khi đã có cảm giác mót đại tiện thì không được nhịn. Không rặn khi đi đại tiện để tránh các biến chứng như trĩ, nứt thành hậu môn, đi xong nên rửa hậu môn bằng nước lạnh.
  • Một số thuốc có thể gây táo bón như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống nôn, thuốc lợi tiểu, thuốc trị viêm loét dạ dày, thuốc hạ huyết áp. Nếu phải dùng thường xuyên một trong các loại thuốc này thì có thể phải dùng thêm thuốc nhuận tràng.

Chế độ tập luyện

  • Cuộc sống tĩnh tại ít vận động cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng táo bón. Tăng cường vận động, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi sẽ cải thiện đáng kể tình trạng của các bệnh đường tiêu hoá, trong đó có chứng táo bón.

  • Trong khi tập luyện, sự chuyển động của các cơ quan nội tạng cải thiện đáng kể chức năng của ruột, tăng cường trương lực thành ruột, tăng tiết muối magiê vào thành ruột làm tăng nhu động ruột và phục hồi chức năng tiêu tháo của ruột.
  • Như vậy, đi bộ và chạy là phương pháp hữu hiệu để chữa chứng bệnh táo bón. Ngoài ra, thường xuyên thực hiện các động tác xoa nhẹ ở vùng bụng, xoa với khăn lạnh ẩm cũng có tác dụng tăng cường nhu động ruột và chức năng tiêu tháo của ruột.
Điều trị

Chất xơ và chất nhày:

  • Chất xơ trong thức ăn có tác dụng hút nước làm gia tăng khối lượng phân và sức vận chuyển của ruột. Các chất này bị các khuẩn ruột giáng hóa tạo ra các acid béo bay hơi như acetat, propionat…  các acid này có tác dụng nhuận tràng. Từng loại sợi thức ăn có tác dụng nhuận tràng khác nhau, như cám mì cho lượng phân tăng lên 127%, cải bắp làm tăng 69%, cà rốt 59%... Bột cám có tác dụng hơn cả, khi sử dụng phải cho liều tăng dần, đồng thời uống nhiều nước và dùng dài ngày.
  • Chất nhày có nhiều chuỗi dài hydratcacbon có tác dụng hút nước rất mạnh, không tiêu. 
    • Chất nhày lấy từ tảo biển có pH trung tính làm cho phân thuần nhất.
    • Chất nhày dạng gôm như sterculia, karaya, guar có pH 5,4 chống hiện tượng thối rữa, cũng có thể lên men và sinh nhiều hơi.

Các sợi thức ăn và chất nhày dùng để trị các chứng táo bón vô căn. Chống chỉ định trong các trường hợp nghi tắc ruột cơ học, loét hành tá tràng, cắt đoạn dạ dày.

Thuốc nhuận tràng và làm mềm phân

  • Dầu thực vật (như dầu ôliu) uống lúc đói có tác dụng nhuận mật, liều có tác dụng là 30 - 50g/ngày.
  • Dầu vaselin hoặc paraphin có tác dụng xổ cơ học bằng cách ngăn chặn sự hấp thu nước. Tác dụng sau 6-8 giờ, trong táo bón mạn tính cần dùng kéo dài, thuốc dung nạp tốt và rất ít hấp thu. Trong trường hợp trào ngược dạ dày thực quản, không dùng thuốc này trước khi đi ngủ đề phòng dịch trào ngược vào đường hô hấp.
  • Dùng phối hợp các loại dầu này với cám thường đem lại hiệu quả cao hơn.

Các thuốc nhuận tràng thẩm thấu

  • Mục đích: làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo theo nước vào trong lòng ruột, từ đó làm tăng lượng nước trong phân, giúp bài tiết và tống xuất phân ra ngoài.
  • Một số thuốc muối như magansi, sulphat, phosphat có thể được dùng, tuy nhiên chống chỉ định ở bệnh nhân suy tim và suy thận.
  • Các polyalcon như lactuse, lactitol, lactulose dùng với liều 15 - 45ml/ngày. Tác dụng phụ là gây trướng bụng, đôi khi đau bụng nhiều.
  • Macrogol (biệt dược forlax, fortrans) là một hợp chất polymer của polyethylen glycol có trọng lượng phân tử cao nên không hấp thu được, thường dùng để chuẩn bị soi đại tràng bằng cách cho uống với 2-3 lít nước, ngoài ra cũng được sử dụng trong điều trị táo bón mạn tính. Thuốc chống chỉ định ở các bệnh nhân viêm loét đại trực tràng, tắc ruột, ung thư trực tràng, mất nước, suy tim.

Các thuốc nhuận tràng kích thích nhu động ruột:

  • Đó là các acid ricinoleic, acid mật, dẫn xuất diphenylmethan, tác dụng qua nhiều cơ chế khác nhau như ức chế không cạnh tranh với các men ruột, đặc biệt là natri, kali ATPase làm gia tăng AMP vòng, gia tăng tính thấm tế bào, giảm hấp thu nước và tăng tiết dịch trong lòng đại tràng. Các thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Phenolphtalein: gây đại tiện sau 6-8 giờ, làm rối loạn hấp thu nước ở tiểu tràng và đại tràng.
  • Bisacodyl gây ra chuyển động đại tràng và gây tiết dịch đại tràng bằng cách tác động trực tiếp lên niêm mạc đại tràng. Thuốc dung nạp tốt, có thể dùng từng đợt ngắn.
  • Nhóm anthraquinolic có các sản phẩm tự nhiên là các aglycol của các cây cascara, rhubarbe... Những thuốc xổ thực vật này không hấp thu ở ruột non, chúng chỉ hoạt động khi đến đại tràng, gia tăng sự tống phân bằng cách kích thích tiết prostaglandin nội sinh, tuy nhiên thuốc bị phân hủy bởi các vi khuẩn ở đại tràng nên các thuốc này mất tác dụng khi dùng kháng sinh diệt vi khuẩn chí ở ruột. Các thuốc này có thể dùng đơn độc hay phối hợp.

Thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ

  • Các thuốc này làm phóng thích khoảng 50-100ml dịch trong lòng trực tràng và gây kích thích phản xạ đại tiện.
  • Thuốc đạn glycerin có tác dụng tăng thẩm thấu, thường được dùng phổ biến nhất là eductyl có tác dụng làm tăng giãn cục bộ, có nhiều kết quả và dung nạp tốt.
  • Thuốc đạn có bysacodyl có tác dụng sinh nhu động nên không dùng kéo dài.
  • Ngoài ra, có thể thụt tháo bằng các chất nhày hoặc thụt tháo vi lượng, thường hay dùng để chuẩn bị nội soi đại trực tràng, hoặc điều trị táo bón khi nằm lâu để làm mềm phân, tuy nhiên không được dùng kéo dài.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.