eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Nướu và nha chu

Vi khuẩn trong lớp mảng bám trong túi giữa răng và nướu phát triển dày lên gây viêm nướu. Nếu không được loại bỏ hàng ngày bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa, mảng bám sẽ hình thành và vi khuẩn sẽ không chỉ tác động đến răng và nướu mà thậm chí còn ảnh hưởng tới mô nướu và xương nâng đỡ răng. Điều này làm cho các răng bị lung lay, bị rụng hoặc có thể phải nhổ bỏ. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh mối liên quan giữa bệnh răng miệng và bệnh tim, và bệnh nhân bị bệnh nha chu có thể có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

TRIỆU CHỨNG

  • Nướu bị sưng
  • Nướu răng chảy mủ
  • Răng lung lay
  • Đau miệng
  • Răng nhạy cảm
  • Đau nướu
  • Hơi thở hôi.

CHẨN ĐOÁN

Thực hiện khai thác bệnh sử và khám thực thể. Chiều cao của nướu răng sẽ được đo.

ĐIỀU TRỊ

Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Cạo cao răng (vôi răng)và xử lý mặt gốc răngsẽ được chỉ định trong trường hợp cần thiết.

Tổng quan

Bệnh nướu là gì?

Bệnh nướu là tình trạng viêm của nướu, có thể tiến triển làm ảnh hưởng tới phần xương bao quanh và nâng đỡ răng. Nguyên nhân của bệnh là do các vi khuẩn trong mảng bám - đây là một lớp màng không màu, dính được hình thành liên tục trên răng của bạn. Nếu không được loại bỏ hàng ngày bằng cách chải răng và dùng chỉ nha khoa, mảng bám sẽ hình thành và vi khuẩn sẽ không chỉ tác động đến răng và nướu mà thậm chí còn ảnh hưởng tới mô nướu và xương nâng đỡ răng. Điều này làm cho các răng bị lung lay, bị rụng hoặc có thể phải nhổ bỏ.

Bệnh nha chu là gì?

Bệnh nha chu là bệnh lý viêm nhiễm mạn tính ở mô nướu và mô nâng đỡ của răng. Biểu hiện thường thấy là nướu viêm đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng, răng lung lay và cuối cùng là mất răng. Có thể nói phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên.

Nha là răng, chu là chu vi xung quanh răng. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Một răng khỏe mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Nướu tốt là nền tảng cho hàm răng tốt.

Nguyên nhân

Hầu hết bệnh về nướu đều do mảng bám gây ra. Mảng bám bám trên bề mặt răng và nướu mỗi ngày một ít. Nhiều vi khuẩn hoàn toàn vô hại nhưng có một vài vi khuẩn được xem là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm nướu.

  • Nguyên nhân gây bệnh nha chu chính là việc vệ sinh răng miệng chưa tốt khiến các vi khuẩn tích tụ, lâu ngày tạo ra mảng bám cứng đầu dính chặt vào răng, những mảng bám khó có thể loại bỏ ngay cả khi bạn chải răng và chăm sóc răng miệng kỹ càng hơn. Tuy nhiên, ngoài vai trò vi khuẩn thì tổng trạng của bệnh nhân cũng là yếu tố không kém phần quan trọng.
  • Có 2 loại mảng bám: mảng bám trên lợi và mảng bám dưới lợi. Thành phần chính trong mảng bám là vi khuẩn. Nếu không được loại bỏ thì mảng bám sẽ bị khoáng hoá dẫn đến việc hình thành cao răng. Chính bề mặt thô nhám của cao răng là nơi lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn và khả năng gây bệnh nha chu ngày càng cao hơn. Nếu không lấy cao răng và điều trị, tình trạng viêm lợi sẽ kéo dài, dẫn đến tình trạng phá hủy mô và gây viêm nha chu.
Nguyên nhân khác

Bệnh nướu có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường là ở người lớn. Nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm, bệnh nướu có thể được hồi phục. Vì vậy, nên tới nha sĩ khám khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Nướu đỏ, sưng, phồng hoặc kích ứng.
  • Chảy máu nướu khi chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
  • Thân răng trông dài hơn do nướu bị tụt.
  • Nướu tách rời khỏi thân răng, hình thành nên túi ở chân răng.
  • Thay đổi sự ăn khớp giữa các răng khi cắn.
  • Chảy mủ giữa nướu và răng.
  • Hơi thở hôi hay vị khó chịu một cách thường xuyên trong miệng.
Phòng ngừa

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là đánh răng đều đặn để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng và khe nướu. Nên đến nha sĩ 06 tháng một lần để khám răng định kỳ và lấy sạch cao răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.

Nha sĩ sẽ tư vấn về cách vệ sinh răng miệng như cách chọn bàn chải đánh răng, sử dụng đúng chỉ nha khoa, chải kẽ răng để lấy sạch mảng bám. Nha sĩ cũng là người tư vấn chọn lựa thuốc súc miệng, kem chải răng thích hợp để giúp bảo đảm sức khỏe răng miệng và dự phòng tốt bệnh nha chu.

Bệnh nha chu có thể phòng ngừa được dễ dàng bằng những biện pháp tại nhà hàng ngày:

  • Tránh hút thuốc lá.
  •  Chải răng đúng phương pháp, chải răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ:
    • Không chải răng bằng phương pháp chải ngang vì khó làm sạch được các mảng bám ở viền nướu, khe răng; mặt khác, dễ gây hại nướu và răng.
    • Luôn dùng bàn chải mềm, chải theo chiều dọc từ viền nướu đến bờ cắn của răng. Bàn chải được đặt nghiêng sao cho có thể chải bờ viền giữa răng và nướu, lấy sạch các mảng bám ở viền nướu và khe răng. Bờ viền răng là nơi mảng bám hình thành đầu tiên, do đó phải đặc biệt chú ý đến nơi này.
  • Sử dụng chỉ tơ nha khoa để lấy đi các mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở khe răng. Không nên dùng tăm xỉa răng đâm xọc qua các khe răng vì sẽ gây hở khe răng, gây chảy máu, lâu dần sẽ đưa đến viêm nướu. Cần cẩn thận khi dùng tăm xỉa răng.
Điều trị

Đây là loại điều trị căn bản nhất vì tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên cho mọi kế hoạch điều trị bệnh nha chu. Ở giai đoạn điều trị này, nếu có sự hợp tác của bệnh nhân thì kết quả rất khả quan. Loại điều trị này phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện qua 2 bước:

Điều trị sơ khởi

Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Ở bước điều trị này, bác sĩ phải loại bỏ các yếu tố trên bằng cách:

  • Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.
  • Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.
  • Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).
  • Cố định răng (nếu răng lung lay).
  • Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).
Điều trị bệnh nướu và nha chu - ảnh 1

Cạo cao răng - xử lý mặt gốc răng

  • Cạo cao răng (vôi răng)

Đây là thủ thuật điều trị không nhất thiết phải do bác sĩ thực hiện, được chỉ định cho tất cả các kế hoạch điều trị nha chu, nhất là với những trường hợp viêm nướu sẽ cho kết quả rất khả quan. Cạo cao răng là thủ thuật nhằm loại sạch vôi răng, mảng bám bằng dụng cụ cầm tay hoặc bằng máy siêu âm, làm láng mặt răng, tạo điều kiện cho mô nướu lành thương, trở lại trạng thái sinh lý của nướu. Do đó, bệnh nướu răng là dạng bệnh nha chu có tính hoàn nguyên.

Nếu sử dụng dụng cụ cầm tay thì không ảnh hưởng đến tủy răng, vì thao tác này tuy có sự ma xát giữa dụng cụ và mặt răng nhưng biên độ di chuyển rất ngắn, nhẹ nhàng, dụng cụ sẽ không làm tăng nhiệt độ và gây hại cho tủy răng.

Nếu sử dụng máy siêu âm thì bắt buộc phải có nước phun sương liên tục với hai mục đích: Vừa không làm tăng nhiệt độ vừa rửa sạch vôi răng ngay khi bị đánh bật ra khỏi mặt răng, do đó cũng không ảnh hưởng đến tủy răng. Sử dụng máy không có nước phun sương sẽ làm gia tăng nhiệt độ ở bề mặt răng, vì vậy không sử dụng máy trong tình trạng máy chạy không có nước phun sương.

Biện pháp này không gây mòn răng dù sử dụng dụng cụ cầm tay hay máy siêu âm nếu người điều trị được huấn luyện, đào tạo cách sử dụng dụng cụ thành thạo. Máy siêu âm là loại máy rung với tần số cao làm bật vôi ra khỏi mặt răng, không có tác dụng mài mòn như máy siêu tốc dùng tạo xoang để trám răng. Hiệu ứng của máy cạo vôi siêu âm là đôi khi làm bệnh nhân có cảm giác ê buốt, nhưng đó là cảm giác nhất thời và hồi phục tức thì, không gây hại cho răng.

Điều trị bệnh nướu và nha chu - ảnh 2

Tuy nhiên, nếu sử dụng dụng cụ không thành thạo sẽ có nguy cơ làm tổn thương mô mềm với dụng cụ cầm tay và tổn thương mô cứng với máy siêu âm (trầy, xước bề mặt răng).

Trên đây là hai phương tiện cạo vôi răng phổ biến và hiệu quả nhất.

  • Xử lý mặt gốc răng

Thủ thuật này được sử dụng để điều trị viêm nha chu, gọi là điều trị không phẫu thuật, do bác sĩ răng hàm mặt thực hiện, nếu bệnh viêm nha chu nhẹ, nghĩa là túi nha chu không sâu lắm, độ mất bám dính ít, tiêu xương trên xương. Nếu bệnh nặng hơn, túi nha chu sâu (>5mm, mất bám dính nhiều, tiêu xương ổ răng trầm trọng, viêm túi dưới xương hoặc túi trong xương), phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nha chu. Dù ở mức độ nào của bệnh, nếu sau khi điều trị không phẫu thuật, bệnh không thuyên giảm, bước điều trị kế tiếp phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu tái khám và điều trị phẫu thuật.

Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.