eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Mụn cóc, hạt cơm

Hạt cơm, mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virut gây u nhú ở người có tên là Human Papilloma Virus (viết tắt là HPV). Mụn cóc có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể: trên da, trong miệng, trong cơ quan sinh dục hay trong đại tràng.

Các tổn thương này có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên một cơ thể hay lây sang người khác khi tiếp xúc với dịch tiết của tổn thương.

TRIỆU CHỨNG

Các u thịt nhỏ trên da, bề mặt thường sần sùi.Chúng có thể có màu hồng, màu trắng hoặc nâu nhạt.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.Thông thường bác sĩ chỉ cần khám thực thể cũng có thể chẩn đoán chính xác được mụn cơm nhưng trong một vài trường hợp sinh thiết da là cần thiết.

ĐIỀU TRỊ

Một số mụn cóc không cần điều trị. Loại thuốc OTC có thể được chỉ định nhưng không áp dụng cho mụn cóc ở mặt hoặc bộ phận sinh dục. Mụn dai dẳng có thể được điều trị bằng phương pháp áp lạnh, hoặc thuốc theo toa như cantharidin. Tiểu phẫu hoặc phẫu thuật laser cũng có thể được chỉ định.

Tổng quan

Hạt cơm, mụn cóc là gì?

Hạt cơm, mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virut gây u nhú ở người có tên là Human Papilloma Virus (viết tắt là HPV).

Có hơn 100 týp virut HPV và chúng có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể: trên da, trong miệng, trong cơ quan sinh dục hay trong đại tràng. Virut gây tổn thương trên da (u nhú, hạt cơm, mụn cóc..) phổ biến là týp 1, 2, 3, 10...

Bệnh có lây nhiễm?

Các tổn thương này có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên một cơ thể hay lây sang người khác khi tiếp xúc với dịch tiết của tổn thương.

Điều này giải thích vì sao một người ban đầu chỉ bị hạt cơm ở chân, sau lại thấy xuất hiện thêm tổn thương ở trán, mũi, vành tai hay những người khác trong gia đình cũng xuất hiện hạt cơm trên da tương tự như vậy.

Nguyên nhân

Giống như các bệnh lây nhiễm khác, virut gây mụn cóc lan truyền từ người này sang người khác, qua việc tiếp xúc với dịch tiết của mụn cóc, chạm vào tổn thương mụn cóc, sử dụng chung một số đồ dùng cá nhân (khăn mặt, khăn tắm...). Mụn cóc có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với virut 2 - 6 tháng.

Hệ thống miễn dịch của mỗi người có đáp ứng khác nhau với các týp HPV, có nghĩa là không phải tất cả những người tiếp xúc với HPV đều bị tổn thương mụn cóc. Mụn cóc thường lây lan qua các vết cắt, đứt ở da, như một vết xước cạnh ngón hoặc xây xước khi cạo râu... Cắn móng tay cũng có thể khiến mụn cóc lây lan trên đầu ngón tay và xung quanh móng tay.

Một số người có nhiều khả năng bị mụn cóc sau khi tiếp xúc với HPV, bao gồm:

  • Trẻ em và thanh niên.
  • Những người bị tổn thương hệ miễn dịch, như người có HIV/AIDS hoặc những người đã cấy ghép nội tạng.
Nguyên nhân khác

Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến các tổn thương trên da mà trong dân gian hay gọi là hạt cơm và mụn cóc.

Hạt cơm bàn chân do HPV týp 1 gây nên

  • Tổn thương cơ bản là một điểm dày sừng hình tròn sùi vào sâu, đau, nhất là khi vận động hoặc đụng chạm vào, thường đơn độc hoặc có một vài tổn thương đơn lẻ. Tổn thương dạng đĩa xung quanh vòng bởi một hình nhẫn dày sừng, phần trung tâm dày sừng mà bề mặt tạo thành những điểm đen (có thể do mao mạch bị tắc hoặc bị bít). Đây là loại tổn thương thường gặp.

Hạt cơm thường do HPV týp 2 gây ra

  • Thương tổn sùi ra ngoài bề mặt hình bán cầu hoặc dẹt, đường kính từ vài mm đến 1-2cm, ở trung tâm có thể lõm xuống. Bề mặt hạt cơm tăng gai, thậm chí tạo thành rãnh, khía. Quanh các đám dày sừng lại có những đám dày sừng kế cận tạo thành như miệng giếng. Số lượng thay đổi từ một vài cái đến vài chục cái, đôi khi tập hợp lại.
  • Vị trí thường gặp là mu bàn tay và các ngón, ít gặp ở lòng bàn tay.
  • Hạt cơm filiformes vị trí ưu thế của các hốc tự nhiên (bán niêm mạc) hoặc vùng cổ, vùng mọc râu (tự lây nhiễm bởi cạo râu) thường kết hợp với các tổn thương hình bán cầu, bề mặt bóng. Hạt cơm ở tay được gây ra bởi HPV2 và HPV1 (13%). Hiếm gặp hơn là những tổn thương sùi ở trong hoặc ra ngoài, kết hợp với HPV4 hoặc HPV7.

Hạt cơm phẳng: Do HPV týp 3, 10 gây ra

Tổn thương là những sẩn nhỏ hiếm khi nổi cao, màu vàng hoặc vàng nhạt, bề mặt bóng, mảnh, thường tập trung thành dải (do khi bệnh nhân gãi hạt cơm có thể mọc theo vết xước gọi là hiện tượng Kobner) hoặc tạo thành mảng, thường hơi ngứa. Vị trí ưu thế ở mu bàn tay, ngón tay, cánh tay, đầu gối và mặt trước cẳng chân.

Thường gặp ở người suy giảm miễn dịch, thương tổn nổi cao hoặc kích thước lớn, tồn tại dai dẳng nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể có dấu hiệu viêm ở xung quanh hoặc có vòng giảm sắc tố.

Phòng ngừa
  • Những hạt cơm ở vùng hậu môn sinh dục có thể gây lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, vì thế phải dùng bao cao su khi quan hệ để tránh nguy cơ lây bệnh.
  • Vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
  • Khi bị hạt cơm, không được tự ý cậy, tẩy, bóc gây tổn thương dễ bị nhiễm khuẩn.
  • Nếu bạn bị hạt cơm, tốt nhất là tới bác sĩ da liễu để điều trị càng sớm càng tốt.
Điều trị

Điều trị tại chỗ

Loại bỏ tổn thương bằng cách:

  • Dùng thuốc phá hủy tổ chức bệnh: Axit salicylic 10-20%, podophylline 15-20% bôi 2 lần/tuần, rửa sạch sau 6 giờ; dung dịch glutiradehyde 20%, axit trichloracetique bão hòa, thận trọng khi dùng phương pháp này ở mặt. Có thể dùng axit retinoic dạng kem hoặc nhũ tương trong 3-6 tuần. Dùng dung dịch bléomycine 0,1% tiêm trong tổn thương điều trị các hạt cơm ở da. Hoặc có thể dùng retinoide tiêm trong tổn thương.
  • Dùng phương pháp vật lí: Áp lạnh phá hủy tổ chức bệnh bằng nitơ lỏng. Phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay là phá hủy thương tổn bằng lazer CO2, đốt điện siêu cao tần hoặc plasma. Điều trị bằng lazer CO2là một phương pháp thường được sử dụng hiện nay do có nhiều ưu điểm: loại bỏ tổn thương một cách đơn giản, ít đau, không chảy máu, kiểm soát được độ sâu của tổn thương... đặc biệt hiệu quả cao.

Toàn thân

  • Liệu pháp miễn dịch tại chỗ hoặc toàn thân (lévamyzole) dùng trong trường hợp kháng những điều trị trên, kết quả thay đổi, hoặc tiêm bắp interferon-anpha2.
  • Liệu pháp tâm lý cũng có thể điều trị được bệnh này.
  • Lưu ý: Việc điều trị cần có sự chỉ định, tư vấn và theo dõi của bác sĩ hoặc thực hiện tại các cơ sở y tế.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.