eDoctor
Câu hỏi:
Bác sũ cho hỏi mẹ cháu bị ho lâu ngày và có đờm dù đã uống thuốc nhưng vẫn chưa khỏi vậy bác sĩ có thể cho cháu vài bài thuốc đông y giúp trị hiệu quả được không
Trả lời:
Chào cháu Trong thư của cháu chưa rõ mẹ cháu ho lâu ngày đã đi khám chưa? Nếu rồi thì được chẩn đoán là bệnh gì? Mẹ đã uống thuốc nhưng chưa khỏi: thuốc mẹ uống là thuốc gì? Thời gian uống thuốc bao lâu? Thiếu những thông tin trên, bác sĩ khó có thể tư vấn giúp mẹ cháu một cách hiêu quả được vì việc điều trị thường căn cứ trên tình trạng bệnh mà sử dụng thuốc, kể cả thuốc đông y. Ho có đờm lâu ngày là tình trạng ho kèm theo đờm kéo dài trên 3 tuần không có dấu hiệu thuyên giảm. Đây là một trong những biểu hiện của nhiều bệnh mạn tính liên quan tới vùng hầu họng và phổi. Hơn nữa, ho là phản xạ của cơ thể có tác dụng tống, đẩy chất thải (đờm ) trong cơ thể ra ngoài, vì vậy, ho được xem là một phản ứng có lợi nên chỉ nên sử dụng thuốc giảm ho trong các trường hợp ho khan, ho nhiều làm bệnh nhân mệt mỏi, khó chịu hoặc ho làm tăng nguy cơ ho ra máu. Những trường hợp ho có đờm thì nên được khám xét và điều trị nguyên nhân. Một khi nguyên nhân gây ra ho có đờm được chữa dứt điểm thì tình trạng ho cũng có thể giảm bớt. Ho lâu ngày có đờm thường là triệu chứng của các bệnh sau: 1. Bệnh viêm phế quản cấp tính giai đoạn cuối, trước khi chuyển sang mãn tính: Ở giai đoạn đầu, viêm phế quản dạng cấp có biểu hiện ho khan nhưng khi bệnh tăng nặng sẽ gây ho có đờm màu vàng hoặc xanh. Đây là giai đoạn bệnh viêm phế quản cấp có thể dẫn tới viêm phế quản mãn tính nếu không được điều trị dứt điểm. 2. Viêm phế quản mãn tính: Bệnh viêm phế quản mạn được đặc trưng bởi sự tạo lập đờm nhớt nhiều trong phế quản. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là ho khạc đờm kéo dài tối thiểu 3 tháng liên tục trong năm hoặc hai năm liên tiếp. Ngoài ra, đờm thường khạc nhiều vào buổi sáng với lượng ít với màu sắc có thể trắng đục, vàng hoặc xanh. Đây là loại bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm. 3. Giãn phế quản: nên chú ý tới bệnh giãn phế quản. Hiện tượng giãn phế quản thường kèm bội nhiễm và khạc đờm nhiều vào buổi sáng. Đờm có dạng mủ, nước sền sệt. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy lắng đờm có 3 lớp: lớp trên cùng là khối mủ sủi bọt; giữa là lớp sền sệt; lớp cuối cùng là bã mủ đục và chất hoại tử. 4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): bệnh nhân thường ho khạc đờm có màu trắng, thường gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc. Bạn nên tới các trung tâm y tế chụp X-Quang phổi và đo chức năng hô hấp. 5. Áp xe phổi: Áp xe phổi thường gây ho kèm theo đờm và ộc ủ từng đợt, có mùi hôi. Căn bệnh này làm tổn thương nặng ở phổi nên cần phải phẫu thuật loại bỏ ổ áp xe. Do đó, khi bạn đang băn khoăn không biết chứng ho có đờm lâu ngày là bệnh gì thì nên lưu ý tới bệnh áp xe phổi. 6. Bệnh lao phổi: Khi bị bệnh lao phổi, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, gày sút. Xét nghiệm đờm thường cho kết quả dương tính với vi khuẩn lao. 7. Bệnh hen suyễn: Khó thở kèm theo ho khan hoặc khi ho khạc ra đờm thì cơn hen giảm dần, đờm xuất hiện màu trắng dính. Căn bệnh này chưa có phương pháp chữa trị khỏi hoàn toàn nên người bệnh sẽ phải dùng thuốc đến cuối đời. 8. Viêm phổi: Bệnh viêm phổi thường sinh đờm vàng có màu rỉ sét, kèm theo hội chứng nhiễm trùng, đau tức ngực ở vùng phổi bị viêm. Bệnh lý này rất nguy hiểm có thể dẫn tới suy hô hấp và dẫn tới tử vong, tuy nhiên bệnh có thể điều trị khỏi được nếu phát hiện sớm. Nếu mẹ cháu bị ho trên 5 ngày, bất luận là tình trạng ho thế nào cũng cần phải đi khám ngay. Nếu ho kéo dài hơn 3 tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm... Đối với các bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều, nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như: hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi... Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào ngày lạnh. Người bệnh cần năng luyện tập thể dục thể thao phù hợp, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện tính thích nghi với thời tiết, khí hậu, tạo môi trường sống trong sạch - đó mới có hiệu quả thiết thực, lâu dài cho sức khỏe. Người bị ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa); tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, phấn hoa, lông súc vật...; không ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên xông hơi nóng cho đường mũi họng bằng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp. Việc hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm hệ miễn dịch. Cháu cũng có thể áp dụng các liệu pháp dân gian để hỗ trợ cho mẹ bằng cách: – Hấp cách thủy mật ong, gừng thái lát và quất tắc. Mỗi lần hâm nóng lại 1 – 2 thìa canh cho người bệnh uống vào sáng và tối. – Ngâm chanh đào với mật ong, có thể cho 1 chút muối, ngâm trong 1 lọ. Mỗi lần có thể uống 1 – 2 thìa đến khi khỏi hẳn. – Lấy lá xương sông thái nhỏ, cho 1 chút mật ong đem hấp cách thủy sau đó chắt nước uống nhiều lần trong ngày. Xương sông có tác dụng rất tốt trong điều trị ho, ho có đờm và nôn trớ ở trẻ nhỏ. Chúc mẹ cháu chóng bình phục
Tags:Y Học Cổ Truyền
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play