Câu hỏi:
Cho e hỏi ung thư trực tràng xâm lấn bàng quang có nguy hiểm không ? Và đã hoá trị nhưng khối u vẫn to, vậy cần nên ăn uống gì để có sức đề kháng ạ ?
Trả lời:
Chào bạn!
Sau khi hóa trị bệnh ung thư đại trực tràng bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối liệu trình điều trị của bác sĩ it nhất 6 tháng và tái khám định kỳ.
Bên cạnh đó bạn cần có chế độ ăn uông dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe:
Để có một cơ thể khỏe mạnh theo cả liệu trình điều trị, hạn chế biến chứng và tác dụng phụ của điều trị đến mức thấp nhất có thể, có một chất lượng sống tốt ngay cả khi bệnh không trị khỏi và để ngăn ngừa tái phát khi bệnh đã trị khỏi, bạn phải có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách, và phù hợp với từng giai đoạn điều trị. Những nguyên tắc cơ bản như sau:
Đảm bảo chế độ ăn đủ năng lượng, đạm, nước và các chất.
Nhu cầu năng lượng 25-30 kcal một kg mỗi ngày. Nhu cầu đạm 1,5-2 g cho một kg mỗi ngày. Nhu cầu nước 1ml trên một kcal mỗi ngày + nước mất bất thường. Ví dụ một bệnh nhân cân năng thường ngày 50 kg, nhu cầu năng lượng 1.500 kcal, đạm 75-100 g, nước tối thiểu một lít rưỡi mỗi ngày.
Khi điều trị, bạn sẽ mệt mỏi, chán ăn… nên khó có thể đạt đủ mục tiêu đề ra. Cần có ý thức và quyết tâm ăn uống, có sự chăm sóc từ người nhà. Nên xem thức ăn là thuốc, đến giờ là ăn/uống không đợi đói hay thèm ăn mới ăn. Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày (6-12 cữ), chọn thức ăn giàu năng lượng, đạm. Dùng thức uống thay cho thức ăn khi quá mệt, tranh thủ ăn uống mọi lúc mọi nơi khi trên xe di chuyển hay khi chờ khám bệnh. Mua sắm thực phẩm để sẵn trong nhà, mang theo trong giỏ, để bàn làm việc. Nhờ người khác hơn là tự mình chế biến, phòng ăn thoáng mát; có nhiều người ăn chung hay xem tivi khi ăn sẽ giúp người bệnh ăn nhiều hơn.
Lựa chọn thức ăn không làm nặng hơn triệu chứng hiện có
Điều trị ung thư đại trực tràng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, nên một số thói quen ăn uống sẽ bị thay đổi. Bạn sẽ bị tiêu chảy khi uống sữa trong khi trước không bị, mau đầy bụng, nôn khi ăn một vài loại thức ăn. Do đó bạn nên ăn nhiều thứ và ghi lại những thức ăn gây khó chịu để không ăn nữa hoặc sẽ tập ăn lại khi thấy khỏe hơn. Khi có quá nhiều thức ăn không ăn được nên trao đổi bác sĩ dinh dưỡng để có hướng dẫn cụ thể hơn.
Nâng đỡ hệ miễn dịch lên mức tối ưu
Khi hóa trị một lượng lớn tế bào máu gồm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu bị suy giảm, do đó khả năng đề kháng cơ thể với môi trường bên ngoài cũng yếu theo. Hiện chưa có thức ăn nào được chứng minh sẽ làm tăng bạch cầu nhưng có một số thực phẩm chức năng giúp làm tăng tốc độ lưu thông bạch cầu, giúp bổ sung những chất cần cho quá trình tổng hợp bạch cầu. Các chất này thường chỉ định cho bệnh nhân suy dinh dưỡng trước mổ, hay có biến chứng nhiễm trùng hay vết thương không lành sau mổ, bao gồm: Omega 3, kẽm, Glutamin, Arginin, Vitamin C.
Tuy là thực phẩm chức năng nhưng cũng như thuốc khi sử dụng cần có y lệnh bác sĩ. Điều cần lưu ý khi bị giảm bạch cầu là tránh ăn thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn như rau sống, trái cây ăn cả vỏ, sữa không qua dây chuyền sản xuất, phô mai có men vi khuẩn, thức ăn lên men chua, phơi khô, làm mắm, thực phẩm đã chế biến qua ngày.
Vận động thể lực, kiểm soát cân nặng chuẩn
Luôn luôn cần ngay cả khi đang điều trị. Bạn nên tập thể dục cải thiện ngon miệng, giúp mau tiêu hóa thức ăn, tăng nhu động ruột, giúp tinh thần thư giãn, giúp tăng tạo khối cơ, giúp điều hòa hệ thống miễn dịch, hô hấp, tim mạch. Có thể tập nhiều lần trong ngày, mỗi lần 5-10 phút tùy theo tình hình sức khỏe hiện có. Khi trong giai đoạn hồi phục, chế độ luyện tập nên được đẩy lên cao với mục đích kiểm soát cân năng và ngăn ngừa tái phát, tối thiểu tập 30 phút cường độ vừa, 5 lần một tuần.
Điều trị những triệu chứng có ảnh hưởng dinh dưỡng
Đôi khi những tác dụng phụ hay biến chứng của phẫu thuật, hóa trị, xạ trị có thể kiểm soát được bằng thuốc nên người bệnh đừng ngần ngại nói với bác sĩ để được cho thuốc và dùng thuốc. Ví dụ đau, nôn hay buồn nôn, tiêu chảy, táo bón có thề kiểm soát tốt bằng thuốc, nếu được kiểm soát tốt việc ăn uống sẽ thuận lợi hơn.
Chúc bạn mau khỏe.
Thân ái.
Tags:ung thư