Câu hỏi:
Thưa bác sĩ, con gái tôi năm nay 12 tuổi. Cháu thường học rất khuya và dậy sớm nên cháu ngủ không đủ giấc. Áp lực học tập mà tôi đặt ra cho cháu khá nhiều, cháu thường hay có ý nghĩ tiêu cực . Như vậy có phải là dấu hiệu của bệnh trầm cảm không?
Trả lời:
Chào bạn
Tuy thông tin bạn đưa ra không nhiều nhưng có thể nghĩ đến là con bạn đang có những biểu hiện của bệnh trầm cảm lứa tuổi thanh thiếu niên vì đây là giai đoạn tiền dậy thì. Với sự thay đổi của hóc môn thì cơ thể, tình cảm và tâm sinh lý của các em lứa tuổi này biến đổi rất mạnh mẽ, nhất là các bé gái. Tuy nhiên, do kinh nghiệm và kỹ năng sống vừa thiếu vừa yếu nên không dễ dàng đối phó với những áp lực do thay đổi tâm sinh lý và kỳ vọng vào kết quả học tập của cha mẹ, thầy cô giáo gây ra. Có những em có thể dễ dàng vượt qua được giai đoạn này nhưng cũng có những em do loại hình thần kinh yếu có thể bị khủng hoảng và rơi vào trạng thái trầm cảm. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý thì người bị trầm cảm thường luôn cảm thấy mệt mỏi, ủ rũ, dễ bị tổn thương, tinh thần căng thẳng, dễ tức giận, nổi nóng và không hứng thú với công việc; Ý nghĩ tiêu cực về bản thân luôn ám ảnh, có cảm giác tuyệt vọng không còn lối thoát, không có niềm tin vào bản thân và tương lai. Mất ngủ, biếng ăn, đầu và ngực luôn đau nhói và tức, giảm cân nhanh, ngại tiếp xúc với người khác, sợ đám đông, luôn bồn chồn, lo âu… Đặc biệt, khi trầm cảm nặng, người bệnh luôn có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát… Rất tiếc là các bậc phụ huynh, kể cả thầy cô là những người gần gũi các em nhiều nhất cũng không dễ nhận biết chứng bệnh trầm cảm bởi những biểu hiện ban đầu đó đều bị người lớn cho qua. Trong khi đó, họ lại đặt yêu cầu quá cao, khiến các em rơi vào trạng thái khủng hoảng, không có sự chia sẻ, thiếu điểm tựa tinh thần để giải tỏa ức chế tích tụ. Các em thường nghĩ rằng người lớn đã áp đặt, cố tình không hiểu… dẫn đến chán sống và xử lý sự việc một cách tiêu cực.
Quan tâm và hỗ trợ con trong độ tuổi mới lớn là rất cần thiết. Giảm thiểu áp lực lên con gái bằng cách luôn luôn ở bên cạnh con và cùng con xây dựng một thời gian biểu học tập và sinh hoạt điều độ. Lưu ý tận dụng khoảng thời gian học hiệu quả và thời gian ngủ phải đủ 8 tiếng. Thường xuyên tâm sự với con để tìm hiểu những áp lực con có thể gặp phải từ bạn bè, nhà trường và hướng dẫn con cách giải quyết phù hợp. Nếu cuộc trò chuyện của con bạn xoay quanh cảm xúc tiêu cực hoặc cái chết hoặc tự sát, thì đừng xem nhẹ việc này và hành động nhanh chóng. Nếu cần thiết hãy dẫn con mình đến các bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ tâm lý để giúp con thoát khỏi gian đoạn khó khăn này.
Chúc bạn thành công!
Tags: