Câu hỏi:
Chào bác sĩ
Em sinh mổ nay bé dược tháng rưỡi,em cho bé bú mẹ,dạo gần đây e thấy 1 tia sữa e bị tắt và có 1 đốm trắng ỡ giữa và xung quanh tia bị đỏ và đau,e bị tróc lớp da ở quầng đen vú,sữa e hút ra cũng bị trong veo và loãng không đặc như lúc đầu.em bị vậy có sao không ạ,có nên cho bé bú bên vú đó tiếp không ạ.e nghe những triệu chứng về ung thư vú e cũng lo.bác sĩ xem trả lời víup e ạ.
Trả lời:
Chào em
Theo những dấu hiệu em mô tả có thể nghĩ đến em bị tắc tia sữa. Đó là hiện tượng khá phổ biến ở các bà mẹ sinh con lần đầu chưa có kinh nghiệm. Biểu hiện là hai vú cương cứng, rất đau, nóng, nhiều trường hợp còn bị sốt vừa hoặc sốt cao. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến áp xe vú rất nguy hiểm.
Cơ chế gây tắc tia sữa: khi người mẹ sinh con thì sữa được tạo ra ở nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Trên dòng chảy vì một lí do nào đó mà lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Một số nguyên nhân gây tắc tia sữa sau khi sinh ở nhiều bà mẹ bao gồm: không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; Không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết gây ứ đọng sữa; Mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông; Sau khi cho trẻ bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch…Hiện tượng căng tức sữa sẽ ít xảy ra nếu con nằm cạnh mẹ suốt ngày đêm và cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và ngậm bắt vú đúng.
Nếu em mới chỉ bị tắc tia sữa mà không bị nứt núm vú thì em vẫn có thể cho bé bú bình thường cả hai bên. Đồng thời áp dụng các biện pháp dân gian như chườm ấm bằng khăn nóng, lá mít hoặc trái đu đủ non hơ nóng, xôi nóng và day ép bằng tay làm tan các vị trí sữa đã đông kết. Tuy nhiên cần hạn chế không nặn bóp gây tổn thương viêm đường ống sữa.
Tuy nhiên, một bên vú ngoài sưng đau và nhức bầu vú còn kèm theo nứt, xước núm vú… thì không nên cho bé bú bên đó mà nên cho trẻ tiếp tục bú bên lành. Với bên vú bị nứt, xước núm vẫn cần vắt bỏ sữa đều đặn nhiều lần trong ngày để tránh tình trạng tắc thêm nhiều ống dẫn sữa. Chườm ấm nhiều lần trong ngày lên vú để bớt đau. Nếu mẹ bị sốt liên tục trong hai ngày trở lên hoặc nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà tình hình không được cải thiện thì cần đến cơ sở y tế để các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị.
Ngoài ra, em cũng nên tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Cần mặc áo ngực vừa vặn, phù hợp với kích cỡ ngực, không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tổn thương vú do cọ xát. Trước và sau mỗi lần cho con bú, cần sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và xung quanh bầu vú thật sạch sẽ, khô thoáng. Khi tình hình đã được cải thiện cho bé bú đều hai bên vú. Không nên cho bé vừa ngủ vừa ngậm vú vì khi trẻ vừa bú vừa ngủ thường nhay, cắn vào đầu vú, có thể gây tổn thương dẫn đến viêm nhiễm đầu vú.
Chúc em chóng bình phục!
Tags:Sản Phụ Khoa