Câu hỏi:
Chào bs! con bị tình trạng hôi miệng khá lâu. đã khám tổng quát để tìm nguyên nhân thì nói chung mọi thứ đều tốt. chỉ bị men gan cao. hơi thở nóng. thường nhiều người khác khi đánh răng hay nhai kẹo thì sẽ khắc chế đc ít nhất là 30p còn tình trạng con dù vừa đánh răng hay nhai kẹo thì đều hôi. có người nói có thể do nấm lưỡi con tự soi gương cũng thấy có lớp màu trắng đục nhưng khi con chăm chỉ cạo lưỡi thì hết bợn trắng này. nhưng tình trạng không có tiến triển gì. nhưng con vẫn muốn được khám kĩ hơn không biết muốn khám về lưỡi thí khám ở đâu. theo con biết hôi miệng cũng có thể do tuyến nước bọt vậy con muốn khám thì nên đi đâu? con cảm ơn bs!
Trả lời:
Chào cháu !
Trao đổi với cháu về tình trạng hôi miệng, có rất nhiều nguyên nhân :
1. Răng - miệng:
+ Khi thức ăn sót lại trong miệng hay giữa các kẽ răng bị vi khuẩn phân hóa, sẽ tạo ra mùi hôi.
+ Nhiễm trùng ở nướu răng, chân răng, quanh cổ răng…
+ Răng sâu nhiều có chỗ vỡ trơ tủy răng hoặc có lỗ hổng sâu răng thuận tiện cho vi khuẩn trú ẩn, tăng sinh và gây bệnh.
+ Mảng vôi đóng vào chân răng là môi trường tốt cho vi khuẩn tác dụng vào và đưa đến hôi miệng.
+ Lưỡi bị viêm và thức ăn bám trên bề mặt lưỡi hoặc các rãnh nứt lưỡi là môi trường tốt cho vi khuẩn phân hủy protein tạo ra mùi hôi.
+ Miệng khô khi nước bọt giảm nhiều. Nước bọt có nhiệm vụ giữ má, lưỡi, môi, lợi ẩm ướt, trong nước bọt có men giúp tiêu hóa thức ăn, giảm các thay đổi pH trong miệng. Khi tính axit miệng cao thì vi khuẩn tăng sinh nhiều hơn
2. Mũi – xoang:
Những bệnh lý mũi xoang như viêm mũi xoang cấp mạn, viêm xoang do răng, đặc biệt viêm xoang do răng gây hơi thở hôi rất nhiều, thậm chí gây khó chịu cho người xung quanh khi đến gần.
3. Họng - hạ họng:
Viêm họng hạt cấp mạn.
Viêm amidan một hoặc hai bên. Nhất là dạng viêm amidan hốc mủ mạn tính.
Ung thư họng - hạ họng.
4. Các loại bệnh lý khác :
Bệnh từ phổi, thực quản - dạ dày, gan mật, đường ruột như viêm nhiễm, trào ngược dịch vị, ung thư cũng gây hơi thở hôi.
5. Ăn uống:
Một số thực phẩm có chất dầu gây hơi thở có mùi như tỏi, hành, các loại rau có mùi, bia rượu, thức uống có gas. Các thực phẩm này sau khi được hấp thu, sau đó chất tinh dầu dễ bay hơi theo hơi thở bay ra mũi miệng, thậm chí ra mồ hôi trên cơ thể.
Điều trị
+ Hôi miệng là một bệnh lý có nhiều nguyên nhân thực thể. Tuy nhiên, có những trường hợp là sự cảm nhận chủ quan và khuếch đại của bệnh nhân gây ra sự cô độc, cách ly với người xung quanh do ngại giao tiếp.
+ Ở một số cơ sở răng hàm mặt và phòng khám nha khoa hiện đại có thể đo nồng độ hôi trong miệng bằng Halimeter, Halitest cũng được áp dụng.
+ Đi khám nha sĩ đều đặn mỗi 6 tháng để cạo vôi răng và khám các bệnh răng miệng.
Bạn cần đến khám ở những cơ sở y tế và các chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm để xác định bệnh trạng như bệnh viện Răng hàm Măt trung ương, bệnh viện Đại hoc Y Hà nội, bệnh viện Đại học y dược Tp HCM
Thân chào
Tags:Răng Hàm Mặt