eDoctor
Câu hỏi:
Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi bị say tàu xe dù đi đoạn đường ngắn hay dài đều bị say cả, sắp tới vợ chồng tôi dự định đi du lịch xa, nhưng nghĩ đến cảnh say xe làm tôi thấy rất lo. Vậy có cách này trị say xe hiệu quả nhất mà không cần dùng thuốc không bác sĩ, vì tôi biết là dùng thuốc say tàu xe có nhiều phản ứng phụ rất hại. Nếu như phải dùng thuốc thì nên dùng loại thuốc nào an toàn nhất và dùng liều lượng bao nhiêu trong khoảng thời gian bao lâu là an toan nhất ( ví dụ như trong 1 năm thì nên dùng mấy lần ) Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào em ! Nguyên nhân gây say xe có rất nhiều, nhưng lớn nhất có lẽ chính là tâm lý của người đi xe và sức khỏe khi đó.Sau đây là các nhóm thuốc chống say xe thường dùng ,bác sỹ sẽ đưa ra những tác dụng phụ của nhóm thuốc dựa trên sức khỏe của em mà em sẽ có sự lựa chọn cho mình nhé : 1/ Nhóm thuốc kháng cholinergic, kháng histamin: - Phân nhóm kháng cholinergic : Thường dùng scopolamin (biệt dược uống: aeron, biệt dược dán trên da: transderms scop). Tác dụng phụ hay gặp: khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng (không dùng khi điều khiển máy móc); ít gặp hơn: lú lẫn, khó đái, hội chứng cai thuốc nếu dùng miếng dán trên 3 ngày. Không nên dùng miếng dán cho trẻ em. - Phân nhóm kháng histamin: Dùng các kháng histamin. Thuộc nhóm này có: + Meclizine (biệt dược: antivert, dramamine less drowsy). Dùng chống say tàu xe. Tác dụng phụ: buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, trầm dịu, rối loạn tâm thần. Không dùng thuốc này cho trẻ em. + Diphenylhydramin (biệt dược tiêm: Benadrylinjection, biệt dược uống: Nautamine). Dùng chống say tàu xe. * Chống chỉ định (chung cho hai biệt dược): không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng. Ngoài một số tác dụng phụ, chống chỉ định riêng, hai phân nhóm có cùng một số tính chung: làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glaucome góc hẹp), làm tăng cường tác dụng các thuốc gây trầm suy (ức chế) hệ thần kinh trung ương, các thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, dùng chung với các loại thuốc trên), thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già). Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú, người bị nghẽn đường dạ dày niệu. Thận trọng: khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, nghẽn dạ dày ruột, đường niệu. Muốn thuốc hai phân nhóm trên có hiệu quả chống nôn, say cần uống thuốc trước khi lên tàu xe khoảng 30-60 phút. Nếu cuộc hành trình kéo dài phải uống nhắc lại. 2/ Nhóm thuốc điều chỉnh rối loạn chức năng bộ máy tiêu hóa: Thuốc ngăn chặn dopamin ngoại biên, làm thay đổi chức năng dạ dày ruột nên có tính chống nôn. Thường dùng: + Domperidone (biệt dược: motilium, peridys, dưới dạng viên nén, thuốc cốm sủi bọt (dành cho người lớn), hỗn dịch uống (dành cho trẻ em, trẻ còn bú): Dùng trị chứng buồn nôn và nôn. Chống chỉ định: có tiền sử vận động muộn sau dùng thuốc hoặc khi có nguy cơ kích thích vận động dạ dày ruột sẽ gây nguy hiểm (xuất huyết dạ dày ruột, nghẽn cơ học, thủng tiêu hóa). Thuốc không đi qua hàng rào máu não nên không gây tác dụng phụ ở trung tâm. Vì thuốc chuyển hóa qua gan thận nên phải hết sức thận trọng khi dùng cho người suy gan, thận. Dùng cho người suy thận thì phải giảm liều 30-50%, chia liều dùng mỗi ngày hai lần. Gần đây phát hiện thấy domperidon gây hiện tượng xoắn đỉnh (có thể gây đột tử) nhất là khi dùng chung với một số thuốc (như erythromycin, clarithromycin). + Metoclopramide: chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn (như biệt dược: gastrobid 15mg), có loại thuốc giọt (dành cho trẻ sơ sinh), có loại thuốc đạn (dành cho trẻ em). 3/ Nhóm thuốc chống nôn mạnh có tính gây nghiện Thuốc chống nôn mạnh dẫn chất từ canabinoid của cần sa. Thường dùng là dronabinol (còn có biệt dược: marinol). Dùng trong buồn nôn và nôn mửa do thuốc trị ung thư. Thận trọng với người có tiền sử nghiện, bệnh tim, rối loạn tâm thần, trẻ em, người già, người có thai, cho con bú. Khi dùng không uống rượu. Thuốc có nhiều phản ứng phụ: gây ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, ưu tư, dị cảm, mất điều hòa vận động, nhịp tim nhanh, giãn mạch, hạ huyết áp thế đứng. Một vài điểm lưu ý khi dùng thuốc : Nếu không có bệnh gì có thể dùng thuốc uống nhóm thuốc thứ nhất. Nhưng với người có tiền sử bệnh tật (ví dụ như bị glaucome góc đóng) thì ngay với nhóm thuốc này cũng phải rất cẩn thận, đặc biệt là thuốc dạng tiêm hay cao dán,nên có sự chỉ dẫn của thầy thuốc(tuy các thuốc này không phải thuốc diện cần mua bán theo đơn). Với nhóm thuốc thứ hai nhất thiết phải có chỉ dẫn của thầy thuốc vì cơ chế tác dụng của thuốc có liên quan đến việc ngăn chặn việc sản xuất chất dopamin. Hạn chế dùng nhóm thuốc chống nôn gây nghiện. Muốn chống say tàu xe có hiệu quả, ngoài việc dùng thuốc, bạn cần lưu ý mấy điều sau: trước ngày khởi hành cần thư giãn, tránh mệt mỏi bởi thần kinh căng thẳng thường dễ gây say tàu xe. Trước khi đi nên ăn nhẹ, không để cơ thể quá đói hoặc quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày. Không dùng đồ uống có ga, không uống rượu trước và trong khi đi. Đi xe ô tô thì ngồi phía đầu xe để đỡ xóc, nếu đi tàu thì ngồi ở cuối đoàn tàu. Ngồi cạnh cửa thoáng gió, tránh khói thuốc lá. Khi xe chạy, chỉ nên nhìn ra phía xa trước mặt, không nhìn ra phía sau và không nhìn gần hai bên đường để tránh cảm giác các vật đang di động ngược chiều với hướng đi của mình. Thỉnh thoảng nên vận động nhẹ nhàng cho khí huyết lưu thông. Trong nhân dân đã thường sử dụng một số dược liệu để chống say tàu xe như: Uống một chút trà gừng trước khi đi ,ngậm mứt gừng khi trên xe. Dùng vỏ quýt tươi để trong khẩu trang đeo; hoặc để vỏ đuôi bánh mỳ bóc ruột trong đó có chút vỏ quýt tươi lên mũi ngửi khi ở trên xe; hoặc có thể cắn nhai từng miếng nhỏ liên tục (ổi,khoai tây chiên ống..) cũng có tác dụng tốt. Thân mến ,chúc emvui vẻ trong chuyến đi !
Tags:Nội Khoa
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play