Câu hỏi:
Bác sĩ tư vấn giúp em. Em là nam 33t. Em có những triệu chứng như ù tai, trước đây tiếng ù tai như tiếng ve kêu dạo gần đây thỉnh thoảng phát ra tiếng uuu. (Em bị ù tai 5năm nay rồi). Và em hay đau nhức các bắp tay và cổ vai gáy, tay và chân thấy rất yếu. Có lúc thấy người hơi rét và sẩn gia gà.Bụng sủi và hơi dâm dâm đau Kèm theo là hơi buồn nôn. Trong ý nghĩ luôn thấy bất an và lo lắng, như kiểu mình nhiều bệnh và sơ chết. Triệu chứng đau nhức chân tay, cổ vai gáy và các đầu ngón chân tay thường thấy đau ở bên trái. Thường những triệu chứng như vậy kéo dài khoảng 30phút em tự xoa bóp là đỡ dần Em đã đi khám và nội soi dạ dày, thử máu, sét nghiêm sinh hóa ở viện 198 của bộ công an kết quả đều bình thường. Em khám khoa tâm thần kinh thì được chuẩn đoán là bị rối loạn lo âu. Bác sĩ xem những triệu chứng như vậy có phải do rối loạn lo âu mà em hay bị như vậy. Bác sĩ tư vấn giúp em như trường hợp của em lên ăn uống và sinh hoạt sao cho phù hợp về thuốc thì e đang điều trị bằng thuốc đông y.
Trả lời:
Chào bạn
Theo những thông tin được mô tả trong câu hỏi của bạn, kết quả khám bệnh và chẩn đoán bạn bị rối loạn lo âu là có cơ sở. Tất cả chúng ta ai cũng đã từng trải qua những lúc phải lo âu, căng thẳng vì đó đó là những phản ứng cảm xúc bình thường có tính chất sinh lý sau đó lại có thể trấn tĩnh trở lại. Tuy nhiên, khoảng từ 1,5% - 3,5% dân số thường có vấn đề lo âu có tính chất bệnh lý. Những biểu hiện của rối loạn lo âu gần giống như bạn đã mô tả. Có những người có thể có những biểu hiện như: cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay; cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, sắp chết, cảm giác như là có người bóp cổ mình; cảm giác đau ở ngực hoặc không thoải mái ở vùng ngực; buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như là sắp sửa đột quỵ. Người bị chứng bệnh này thường có cảm giác như là mình không còn ở môi trường mà mình đang sống nữa, họ thường mất kiểm soát bản thân mình và cảm tưởng như là mình sắp bị điên hoặc sắp chết. Bệnh nhân có cảm giác rất sợ chết, có những cảm giác bất thường ví dụ như cảm thấy trong người mình tê cóng... cảm giác rùng mình, hoặc nóng bừng trong người.
Những triệu chứng biểu hiện của lo âu thường rất giống với biểu hiện của những bệnh lý nội khoa khác và chính vì vậy bệnh nhân khi có những biểu hiện này thường đến các thầy thuốc chuyên khoa về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp...Họ thường được điều trị ở rất nhiều chuyên khoa khác nhau, bằng nhiều loại thuốc chuyên khoa và thậm chí cả những thủ thuật can thiệp cao cấp, đắt tiền như đốt nút xoang để nhằm làm giảm nhịp tim... nhưng, tất cả những sự can thiệp và điều trị này đều thất bại. Lúc đó họ mới được gửi đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Nguyên nhân của rối loạn lo âu thường xảy ra khi người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý trong cuộc sống của họ ví dụ như phải đi xa nhà, ly hôn, người thân chết hoặc sau những sự kiện không may xảy ra với mình như là tai nạn giao thông, hoặc một bệnh lý nặng xảy ra với người thân của mình như là ung thư dạ dày, u não... và bệnh nhân lo lắng là mình có thể cũng bị những bệnh nặng như vậy. Họ thường có những biểu hiện buồn chán, bi quan về tương lai, những mặc cảm tự ti... là những biểu hiện của hội chứng trầm cảm.
Bạn đã được chẩn đoán là rối loạn lo âu thì nên được bác sĩ chuyên khoa về tâm thần điều trị. Chủ yếu là điều trị ngoại trú. Việc điều trị bao gồm hai nội dung sử dụng thuốc chống lo âu và những liệu pháp về nhận thức hành vi. Việc trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức hiện mới chỉ được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần thực hiện, bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp phơi nhiễm với những yếu tố gây cho bệnh nhân lo âu và từ đó bệnh nhân sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ hết dần. Điều này các phương pháp điều trị đông y chưa thực hiện được.
Để sớm hồi phục và tránh khỏi những ảnh hưởng các chức năng về mặt xã hội như là công việc, học tập, giao tiếp và tránh bị tàn tật về mặt xã hội, bạn nên tới các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa tâm thần để được điều trị càng sớm càng tốt nhé.
Chúc bạn chóng bình phục
Thân
Tags:Nội Khoa