eDoctor
Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ, Cháu năm nay 21t rồi nhưng cháu ăn uống k thấy ngon miệng, cố ăn là sẽ buồn nôn, vì ăn uống k được nên cháu khá gầy vậy có cách nào khắc phục việc chán ăn này k ạ.
Trả lời:
Chào bạn, Thường xuyên chán ăn, buồn nôn không rõ nguyên nhân có thể là triệu chứng của một loạt bệnh nguy hiểm mà chúng ta không nên coi thường, bao gồm: - Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: Khi dạ dày bị tổn thương, cơ thể thường có xu hướng đẩy ngược thức ăn và các chất có trong dạ dày ra ngoài. Lúc này chúng ta thường cảm thấy dịch vị bị trào ngược, ợ hơi, buồn nôn, đặc biệt là trong vòng 2 – 3 tiếng sau khi ăn xong. Đôi khi, vào lúc đói hoặc sau bữa ăn, bạn sẽ có cảm giác nóng rát như lửa đốt ở vùng bụng trên. Tất cả những triệu chứng kể trên chính là dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Để ngăn ngừa tình trạng buồn nôn tạm thời, chúng ta nên tránh xa thực phẩm có chứa chất béo, cay và chua, ăn một vài miếng bánh mì sẽ giúp bạn trung hòa lại axit dư thừa ở dạ dày. - Bệnh về túi mật: Các bệnh về túi mật như sỏi túi mật, polyp túi mật… thường khiến chúng ta cảm thấy buồn nôn ngay trong bữa ăn và thậm chí là khi đã ăn xong. Những bệnh này gây nên rối loạn vận động của túi mật, làm túi mật tăng co bóp khiến dịch mật trong túi mật không ra được và không xuống được tá tràng, tạo ra áp lực trong túi mật khiến cho các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, trướng bụng, chán ăn… xuất hiện. Để phòng bệnh, chúng ta cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, thịt đỏ (thịt bò, trâu, chó), lòng đỏ trứng và các loại thức ăn gây táo bón. Bởi lẽ, táo bón sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển, dẫn đến viêm túi mật và ống mật. - Viêm tụy: Tụy nằm ở phần bụng trên, sau dạ dày, có vai trò quan trọng trong tiêu hóa. Khi tuyến tụy bị viêm, bệnh có thể gây sưng các ống tụy, làm tắc nghẽn mạch máu xung quanh, gây chảy máu, nhiễm trùng và làm tổn thương tụy. Người bị viêm tụy thường cảm thấy dạ dày căng lên một cách bất thường, có cảm giác tưng tức, thấy vị đắng trong miệng và thường xuyên buồn nôn. Thậm chí sau khi nôn, cảm giác này vẫn không suy giảm. Để ngăn ngừa bệnh tiến triển, chúng ta nên tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, sữa bò, phô mai. Những thức ăn này có thể làm quá trình viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. - Các bệnh về huyết áp, tim mạch: Những căn bệnh có liên quan đến huyết áp, tim mạch thường khiến cơ thể luôn cảm thấy mỏi mệt vì không có đủ máu và ô xy đi nuôi các cơ quan. Bên cạnh đó, cảm giác buồn nôn có thể đeo bám bạn cả ngày, đặc biệt là buổi sáng, trong khi ăn và thời gian lúc mới ăn xong. Những lúc này, chúng ta cần phải hạn chế căng thẳng, tránh lao động nặng gây nên suy giảm thể lực cũng như tinh thần. Nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp máu tuần hoàn tốt hơn trong cơ thể đó. Như vậy, nếu bạn bị bệnh lâu ngày không nên chủ quan mà nên đi khám tại các phòng khám nội tiêu hóa để được kiểm tra, xét nghiệm và chẩn đoán chính xác, từ đó các bác sĩ sẽ tư vẫn và đề xuất một chế độ điều trị thích hợp cho bạn. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý một chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axit folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magiê và áp dụng một số biện pháp dinh dưỡng giúp có thể có thể hấp thụ tốt hơn như: - Ăn chậm nhai kỹ vì khi nhai sẽ tăng sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng làm giảm và bão hoà axít trong dạ dày. - Chế độ ăn đúng giờ đúng bữa, không ăn quá khuya, ăn trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ. - Không nhịn đói, Không ăn quá no một lúc mà nên chia thành nhiều bữa (4-5 bữa/ngày). Vì ăn quá no sẽ làm dạ dày căng, kích thích tiết nhiều axit. Việc ăn nhiều bữa sẽ giúp cho trong dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa axit. - Các loại thực phẩm được nấu chín, khi nấu nên thái nhỏ, nghiền nát, nấu mềm sẽ làm giảm được kích thích bài tiết dịch vị và giúp vận chuyển thức ăn qua dạ dày nhanh chóng. - Nồng độ thức ăn cũng ảnh hưởng tới tiêu hóa: nếu thức ăn đặc, khô quá thì các men tiêu hóa không thấm vào thức ăn để tiêu hóa hết được, ngược lại ăn thức ăn quá lỏng thì men tiêu hóa bị pha loãng và sự tiêu hóa sẽ kém đi, thức ăn sẽ được tiêu hóa tốt nhất khi trong bữa ăn chỉ uống 100-200ml nước (canh hoặc nước khác). - Nên ăn canh riêng sau khi đã ăn hết bát cơm, vì chan canh ăn lẫn với cơm, sẽ không nhai được kỹ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. - Ăn xong không nên lao động nặng, chạy nhảy ngay. - Nên ăn thức ăn ngay sau khi nấu xong để thức ăn còn nóng, tốt nhất là 40-50 độ C. Ở nhiệt độ thích hợp này thức ăn dễ được tiêu hóa, hấp thu và không gây kích thích. Thức ăn nguội lạnh làm co bóp mạnh cơ dạ dày, thức ăn nóng quá làm cho niêm mạc dạ dày xung huyết và co bóp mạnh hơn. - Không ăn các chất kích thích: chua, cay… - Ngoài ra, cần giữ tinh thần luôn vui vẻ, gây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt, không nên quá mệt mỏi và căng thẳng. Chúc bạn chóng bình phục!
Tags:Nội Khoa
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play