Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ,
Hiện tượng hay tịch mũi có sao không bác sĩ
Trả lời:
Chào bạn. Có phải bạn hỏi hiện tượng tịch mũi là nghẹt mũi phải không ạ.
Mỗi khi thời tiết thay đổi, triệu chứng nghẹt mũi thường xuất hiện kéo theo những phiền toái cho chúng ta. Nghẹt mũi tưởng chừng như là một chứng bệnh đơn giản, phổ biến. Tuy nhiên, nếu như không điều trị kịp thời, nghẹt mũi có thể trở thành một chứng bệnh mãn tính, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc và cuộc sống của chúng ta.
Nghẹt mũi và những tác hại
Hốc mũi được cấu tạo như một căn phòng có cửa trước, cửa sau và vách nhăn, vách này chia hốc mũi thành hai nửa đều nhau. Bên trong mũi gồ ghề do các xương cuốn mũi bám vào thành ngoài hốc mũi đầy lồi lên. Lớp niêm mạc lót phía bên trong hốc mũi chứa nhiều mạch máu, hệ thống lông chuyển, niêm mạc xương cuốn dưới và giữa có nhiều xoang mạch. Lớp niêm mạc này giúp cho mũi có chức năng lọc sạch, làm ấm, làm ẩm không khí. Không khí khô, lạnh, không sạch khi đi vào mũi sẽ trở nên ấm áp, ẩm ướt, bụi bẩn được giữ lại nên sạch sẽ hơn, tránh gây tổn thương đường hô hấp trên và phổi.
Nghẹt mũi là hiện tượng một hay cả hai lỗ mũi bị dịch nhầy ngăn bít, làm cho người bệnh không thể thở ra dễ dàng. Khi ấy, việc thở bằng miệng khiến cho không khí vẫn còn bụi bẩn, khô và lạnh, dễ làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, gây nên viêm họng, viêm thanh quản, khí phế quản và phổi. Miệng phải tiếp xúc với không khí đi ra đi vào sẽ bị khô, mất nước, gây khó chịu. Nghẹt mũi còn gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, không những khiến người bệnh ngủ không sâu giấc, dễ mất ngủ mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh do tiếng thở khò khè của bệnh nhân.
Một số trường hợp tắc mũi gây ù tai, giảm khả năng nghe do viêm phù nề và mủ đọng, làm tắc nghén đường thông giữa mũi và tai. Viêm nhiễm ở mũi lâu dài cũng có thể lan lên mắt, gây viêm túi lệ, viêm màng tiếp hợp, viêm mí mắt,… Nghẹt mũi mạn tính kéo dài có thể gây biến dạng khuôn mặt, hình thể như: hẹp hàm ếch, răng vẩu, cằm nhô, lồng ngực xẹp,… Thiếu không khí thường xuyên do hít thở khó khăn khiến bệnh nhan trở nên chậm chạp, kém linh hoạt, nhức đầu và khó tập trung, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Nghẹt mũi cấp tính thường chỉ kéo dài khoảng vài ba ngày đến một tuần. Khi người bệnh bị nghẹt mũi kéo dài quá lâu, trên 3 tuần lễ thì bệnh đã trở thành mạn tính.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi
Nghẹt mũi có thể do nhiều nguyên nhân:
Do dị tật bẩm sinh: thường gặp ở trẻ sơ sinh do có một lớp màng hay mảnh xương bít kín cửa sau của mũi, khiến trẻ không thở được. Do phạn xả thở bằng miệng chưa hoàn thiện nên nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể tử vong do suy hô hấp.
Viêm nhiễm: viêm mũi họng, viêm xoang, viêm mũi dị ứng… nghẹt mũi có thể là triệu chứng để nhận biết những bệnh này.
Một số nguyên nhân khác như:
Khối u lành tính hay ác tính, polyp cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới nghẹt mũi.
Chấn thương hoặc có dị vật trong mũi: thường do trẻ nhỏ tự nhét vào mũi các đồ vật như hạt lạc, sáp màu, cúc áo,…
Rối loạn cảm giác ở mũi: bệnh nhân bị mất cảm giác tại mũi thường cảm thấy nghẹt mũi dù đường thở vẫn thông thoáng.
Rối loạn nội tiết: thường xảy ra ở phụ nữ có thai.
Điều trị nghẹt mũi
Người bệnh nên tới các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán và điều trị, bởi nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của những bệnh khác nguy hiểm hơn và cần được can thiệp, nhất là với nghẹt mũi mạn tính, cần phải loại bỏ nguyên nhân gây bệnh mới có thể chữa khỏi.
Các thuốc điều trị triệu chứng nghẹt mũi có thể gồm: thuốc gây co mạch, corticoid và kháng sinh. Đối với thuốc gây co mạch không nên dùng lâu quá 10 ngày, kéo dài thời gian sử dụng sẽ dẫn tới lệ thuộc vào thuốc, gây nên tình trạng viêm mũi do thuốc, khó điều trị. Với viêm mũi dị ứng, chỉ nên dùng thuốc co mạch khi đang lên cơn cấp có nghẹt mũi nhiều, nhằm làm mũi thông thoáng hơn và chống xuất tiết, để bệnh nhân có thể nhỏ corticoid. Thuốc kháng sinh cũng chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và theo đúng chỉ định của bác sỹ, không tự ý dùng thuốc để tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày một gia tăng. Ngoài ra, điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng cũng là biện pháp giúp mũi không bị ngạt nữa.
Để điều trị nghẹt mũi tận gốc cần điều trị hết nguyên nhân: lấy dị vật ra khỏi mũi, phẫu thuật cắt bỏ khối u, polyp, sửa vách ngăn mũi,… Nếu do viêm xoang cần điều trị dứt điểm với kháng sinh kết hợp rửa xoang, phẫu thuật dẫn lưu xoang… Trẻ em bị viêm amidan kéo dài dùng kháng sinh không khỏi hoặc tái phát nhiều lần có thể xem xét nạo sạch.
Với những trường hợp nghẹt mũi do viêm nhiễm cấp tính, người bệnh có thể xông mũi trong khoảng 5 -10 phút bằng một số loại lá xông chứa nhiều tinh dầu (như lá bạc hà,…) hoặc thuốc chứa tinh dầu. Không nên dùng thuốc quá nóng hay nhỏ quá nhiều vì hơi thuốc sẽ bốc lên mạnh, gây khó chịu. Không dùng cách này cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuối.
Nghẹt mũi không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống người bệnh, thậm chí làm phiền tới những người xung quanh. Bạn sẽ không muốn đi đâu cũng phải lo mang theo khăn giấy hay khăn mùi xoa để phòng khi sổ mũi, và chắc cũng không muốn làm người xung quanh khó chịu với giọng mũi của mình, khi mà những âm m, n phát ra không rõ ràng. Vậy nên tốt hơn hết bạn đừng chủ quan với sức khỏe của mình, tới gặp bác sỹ ngay khi có những dấu hiệu bất thường, cho dù đó chỉ là nghẹt mũi.
Tóm lại: Khi bị nghẹt mũi kéo dài bạn cần đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng. Tai đây bác sỹ sẽ tiến hành nội soi mũi họng của bạn. Từ đó xác định chính xác nguyên nhân gây nghẹt mũi và có phương pháp điều trị phù hợp. Chúc bạn nhanh khỏi bệnh.
Tags:Nội Khoa