eDoctor
Câu hỏi:
Tôi bị lao phổi AFB 1+, đang điều trị tại nhà theo phác đồ 1 CTCLQG được 10 ngày. Hiện tại tôi ho rất ít, chú yếu ho khan, gần như không còn đờm, thỉnh thoảng vẫn nghe tức ngực (không biết có phải do tôi căng thẳng), vào ngày thuốc thứ 6 tôi thấy tức ngực và khạc ra trong nước bọt có lẫn ít máu, sau đó không bị nữa. Tôi ăn uống cũng được (do viêm tá tràng nên ăn chưa tốt). Hiện tại chỉ còn vấn đề tâm lý là chưa được ổn định. Xin hỏi bác sĩ: - Với những dấu hiệu trên có thể nói gì về diễn biến bệnh của tôi? - Sau 2 tháng thường kiểm tra lại đờm nhưng tôi không còn đờm thì kiểm tra bằng phương pháp gi? Xin cám ơn
Trả lời:
Chào bạn Bạn đang điều trị lao đã được 10 ngày. Theo những gì bạn mô tả trong câu hỏi, nếu các triệu chứng lâm sàng như ho, ho ra máu, nhiều đờm… giảm thì có vẻ như bạn đã đáp ứng tốt với thuốc điều trị lao và bệnh đang tiến triển khá hơn vì nếu bệnh nhân lao được phát hiện sớm và chữa kịp thời, các triệu chứng lâm sàng sẽ giảm và hết (trung bình 1- 2 tuần). Tuy nhiên, để đánh giá kết quả điều trị cần phải theo dõi diễn biến của triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm là quan trọng nhất. Sự âm hoá của vi khuẩn ở trong đờm là yếu tố cơ bản đánh giá bệnh tiến triển tốt. Theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia (2006) các bệnh nhân lao phổi cần được xét nghiệm đờm vào các tháng thứ 2 (hoặc 3), 5,7 (hoặc 8) trong quá trình điều trị. Như vậy, bạn sẽ còn phải làm đờm trực tiếp kiểm soát vi khuẩn lao 3 lần nữa. Nếu bạn dùng thuốc đủ 8 tháng, kết quả xét nghiệm đờm tháng thứ 5 và 8 không có vi khuẩn thì được coi là có kết quả tốt, bạn đã khỏi bệnh. Nếu vi khuẩn không bị diệt thì kết quả xét nghiệm vẫn còn dương tính và bác sĩ điều trị sẽ có hướng xử trí tiếp theo một cách tốt nhất cho bạn. Bạn không cần phải lo là sau 2 tháng không có đờm để kiểm tra vì nếu chưa khỏi bệnh thì cơ chế tiết đờm vẫn còn. Khi đó, các kỹ thuật viên có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn bạn cách lấy đờm để xét nghiệm. Cũng có thể lấy đờm kích thích bằng khí dung nước muối ưu trương 5%. Do vậy, bạn nên yên tâm điều trị và phải tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị bạn đang sử dụng để phòng ngừa trường hợp lao kháng thuốc. Bạn phải dùng thuốc đều đặn: các thuốc chống lao phải được uống một lần vào một thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để hấp thu thuốc tối đa (thường uống vào 9 giờ sáng khi đói). - Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn, tấn công và duy trì. Giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng (với phác đồ 6 tháng) và 3 tháng (với phác đồ 8 tháng) nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát. Thuốc điều trị lao ngoài tác dụng diệt vi khuẩn lao, nó còn có nhiều tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chức năng gan, viêm thần kinh ngoại biên, đau khớp… Ngoài ra, bạn nên tăng cường chất dinh dưỡng (thịt, cá, trứng...), tăng cường hoa quả tươi và rau xanh có nhiều vitamin, đặc biệt là các hoa quả có vị chua (cam, bưởi...) giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. • Để hạn chế rối loạn tiêu hóa, bổ sung những vi khuẩn có lợi cho hoạt động tiêu hóa, người bệnh nên ăn tăng cường sữa chua, khoai lang. Việc giảm hấp thu có dẫn đến thiếu một số vitamin như vitamin K, khiến tăng nguy cơ khái huyết (ho ra máu) ở bệnh nhân lao phổi, ngoài ra còn do chức năng gan kém cũng làm giảm tổng hợp các yếu tố đông máu. • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin K như gan, rau xanh, dầu thực vật. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B6 như đỗ, đậu, chuối... Một số loại hoa quả tươi giàu glucose như nho có tác dụng giải độc gan kết hợp với uống trà nhân trần, trà actiso thay nước để tăng cường hiệu quả giải độc cho cơ thể. Chúc bạn mau chóng khỏi bệnh
Tags:Nội Khoa
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play