Câu hỏi:
Hiện tại em đang mang thai 35 tuần.
Xin hỏi đáp về tiểu đường thai kỳ.
- Vào tuần 26 - Khi đi test dung nạp đường huyết trong thai kỳ thì kết quả kết luận 3 lần test của em là âm tính.
+ Lúc đói 3.38
+ Sau uống đường 1 giờ là 6.14
+ Sau uống đường 2 giờ là 6.9
- Vào tuần 28. có thử nước tiểu thì kết quả glucose cao là 14 mmol/l
(Hôm này trc khi khám thử em có uống nước cam đường cũng khá ngọt)
- Vào tuần 35 em thử nước tiểu cũng có kết quả là 14 mmol/l
(hôm này thì em ko ăn đồ ngọt chỉ ăn sáng bằng bún xương và nước lọc )
Bác sĩ cho em hỏi như vậy e có bị nguy cơ tiểu đường thai kỳ ko ạ
Và chế độ ăn uống em nên như thế nào
Em cảm ơn bs
Trả lời:
Chào cháu
Theo kết quả tầm soát tiểu đường thai kỳ thực hiện vào tuần thứ 26 thì cháu không bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, xét nghiệm của các tháng tiếp theo (tuần thứ 28 và tuần thứ 35) cho thấy chỉ số đường huyết khi đói của cháu cao hơn bình thường (14 mmol/l). Tuy đó chỉ là xét nghiệm sàng lọc nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo. Cháu cần làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose (tương tự như xn cháu đã làm vào tuần thứ 26) nhằm bảo đảm sự chính xác, tránh nhầm lẫn. Nếu xét nghiệm tăng đường huyết dương tinh nên khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra để kịp thời điều chỉnh kế hoạch điều trị, nhằm bảo vệ bé và mẹ một cách tốt nhất.
Nếu cháu bị tiểu đường thai kỳ thì điều chỉnh chế độ dinh dưỡng kết hợp với vận động, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý là những biện pháp cần thiết nhất.
- Chế độ ăn: Các chuyên gia của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo, nhu cầu năng lượng hàng ngày trung bình cho 1 thai phụ là 1.800 - 2.500 calo. Trong đó, mẹ bầu cần ăn giảm mỡ, giảm tinh bột (cơm, bún, miến, phở…), ưu tiên cá, thịt nạc và tăng chất xơ. Các bữa ăn cần được chia làm nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ăn no quá hay để đói quá. Ngoài ra, cháu có thể áp dụng thêm mẹo ăn rau vào đầu bữa trước khi ăn cơm và thay thế gạo trắng bằng gạo lứt để giảm đường huyết tốt hơn.
- Tập luyện: Vì đang mang thai nên cháu chỉ cần chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi dạo hay yoga cho bà bầu. Điều này vừa giúp ổn định được chỉ số đường huyết vừa giúp mẹ bầu vượt cạn dễ dàng hơn trong thời gian sắp tới.
Việc sử dụng thuốc ở thời điểm này phụ thuộc vào bác sĩ điều trị vì chưa hẳn cần thiết. Chỉ khi những biện pháp trên không có hiệu quả, bác sĩ mới điều trị bằng thuốc tiêm để giảm đường huyết.
Thân mến!
Tags:Nội KhoaSản Phụ Khoa