eDoctor
Câu hỏi:
thưa bác sĩ, bé nhà cháu được 7 tháng 15 ngày, hiện tại bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản. bác sĩ cho cháu hỏi bệnh viêm phế quản điều trị nội trú hay ngoại trú ạ? bé ho rất nhiều nên cháu sốt ruột lắm, cháu cho đi khám nhiều nơi nhưng chưa khỏi ạ. cháu gửi 1 số loại thuốc mà bé đang uống ạ. cháu cảm ơn bác sĩ
Trả lời:
Chào cháu Viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em ban đầu thường là vi rút, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Viêm phế quản thường gây ho nhiều do phế quản bị kích thích. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh. Ngoài ra, bệnh viêm phế quản ở trẻ em còn có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, hơi độc hay khói thuốc lá. Tuy có triệu chứng có vẻ rầm rộ (ho nhiều, sốt cao...) nhưng viêm phế quản thường không cần điều trị bằng kháng sinh mà chủ yếu là chăm sóc và nâng cao thể trạng. Bệnh có thể điều trị tại nhà. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên để chữa dứt điểm bệnh, bằng cách: Giữ ấm cho trẻ, cho trẻ uống nước ấm. Giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay chăn nệm sạch sẽ. Nếu bé bị dị ứng với phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà,... cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân trên. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá... Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mũi. Nếu bé bị sốt thì hạ sốt bằng chườm ấm toàn thân. Chườm ấm đúng cách có thể khiến nhiệt độ cơ thể trẻ giảm đến 1°C. Uống thuốc hạ sốt paracetamol khi nhiệt độ trẻ ≥ 38,5°C theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có nhiều đờm, bác sĩ có thể kê thuốc làm loãng đờm giúp bé ho để đẩy đờm ra khỏi đường dẫn khí dễ dàng hơn. Với trẻ bị viêm phế quản, chế độ dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng bé là rất quan trọng vì lúc này cơ thể trẻ yếu, suy kiệt, dễ mất nước, cần bổ sung thức ăn và dưỡng chất phù hợp để trẻ mau hồi phục và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ tiêu diệt virus gây bệnh. Nên cho bé ăn tôm, cá, rau xanh, chất béo lành mạnh (cá hồi,...), cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, như nước súp, nước cháo, uống nhiều nước lọc, bổ sung oresol bù điện giải (với trẻ bị sốt cao, tiêu chảy),...Tránh cho bé ăn các loại thức ăn/thực phẩm có nhiều đường, nước ngọt có gas và thức ăn nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng, khó tiêu hóa (tinh bột nguyên hạt,...). Trong trường hợp bé có biểu hiện thở mệt, hay thở nhanh, da tái hoặc không ăn uống, nôn tất cả thì cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện ngay trước khi quá muộn vì khi đó bé đang gặp nguy hiểm. Thân mến!
Tags:Nhi Khoa
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play