eDoctor
Câu hỏi:
Con tôi được gần 11 tháng tuổi, mới đi viện về được 1 tuần vì viêm phổi, sau khi nằm viện 1 tuần, bác sĩ đã cho xuất viện vì đã hết sốt và hết viêm, trong lúc nằm viện bác sĩ cho uống thuốc Augmetin gì gì đó tôi không nhớ rõ. Nhưng khi về, lúc thức chơi thì bé không ho nhưng lúc ngủ thì lại ho, ho nhiều nhất là ban đêm, nhất là khi mở quạt. Nhưng nếu không mở quạt thì cháu lại nóng toát mồ hôi ướt sủng lưng. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi, biểu hiện của bé như vậy là sao, có nguy hiểm gì không.Cách khắc phục như thế nào, tôi đã cho cháu uống thêm Siro Prospan của Đức 3 ngày nay nhưng không thấy đỡ, tôi đang dự định cho cháo uống lá cúc tần chưng đường phèn vậy có được không.
Trả lời:
Chào bạn Bạn đừng quá lo lắng là bé chưa được chữa khỏi bệnh viêm phổi vì bé đã được điều trị bệnh viêm phổi bằng kháng sinh, đã ổn định nên bác sĩ mới cho xuất viện. Vấn đề bây giờ là bé vẫn ho nhiều về đêm, khi ngủ. Tuy nhiên, hiện tượng ho về đêm rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là những bé mới ốm dậy, hệ miễn dịch còn yếu như bé nhà bạn. Ban ngày bé ít ho hoặc không ho vì thời gian đó bé thức, chơi, vận động nhiều nên các chất nhầy tiết thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Nhưng ban đêm hoặc sáng sớm nhiệt độ hạ thấp, bé bị nhiễm lạnh (có thể là do dùng quạt lại không được mặc ấm), chất nhày ứ đọng trong cổ sẽ gây kích thích khiến bé ho nhiều, khó chịu không ngủ được và có thể quấy khóc suốt đêm. Đôi khi bé có thể đau bụng, ho đỏ mặt và cong người vì các cơ ở bụng co lại, đẩy cơ hoành lên, tống đờm ra khỏi cổ như là một phản xạ tốt của cơ thể, nhằm bảo vệ đường hô hấp. Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, hầu hết trẻ bị ho như vậy là do nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay cảm lạnh, là các bệnh không cần dùng thuốc, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần. Cha mẹ chỉ cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết để giúp bé mau khỏi bệnh. Các biện pháp đó là: - Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên cho con ăn sát giờ ngủ, thời điểm ăn nên cách lúc đi ngủ ít nhất một giờ, vì nếu cho bé hay ăn uống sát giờ đi ngủ thức ăn không kịp tiêu hóa và lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ có thể gây ứ chất dịch trong dạ dày, trào ngược lên thực quản, ra họng và tràn vào thanh quản gây ho. - Cho bé uống nhiều nước, ăn cháo loãng, dễ tiêu, hạn chế ăn các loại thức ăn kích thích bé ho nhiều hơn như tôm, cua, ghẹ… Tránh xa các môi trường ô nhiễm như nhiều khói thuốc, bụi đường, lông thú vật, phấn hoa… Điều này cũng khiến bé bị ho nhiều hơn. – Kê cao gối cho bé khi ngủ, đầu và vai cao hơn thân, ngăn đờm nhớt hay nước mũi chảy xuống họng. Lưu ý giữ ấm cho bé khi ngủ, không hở bụng, hở cổ, gan bàn chân dễ khiến con bị nhiễm lạnh nhưng không được để bé quá nóng. Nếu có phải dùng quạt thì không nên để quạt quay trực tiếp thẳng vào người bé. Theo dõi nếu bé bị đổ mồ hôi nhiều thì phải nhanh chóng lau khô người, thay quần áo cho bé, tránh để bé bị nhiễm lạnh. - Nhỏ mũi bằng dung dịch natricloride 0,9% sau đó làm sạch mũi bằng tăm bông hoặc giấy thấm quấn sâu kèn. Cũng có thể dùng một số thuốc chế từ nước biển sâu để xịt vào mũi làm sạch mũi cho trẻ. - Chỉ nên cho bé dùng thuốc ho khi bị ho quá nhiều làm bé khó chịu hay gây ra hậu quả xấu: đau ngực, đau họng, mất ngủ, nôn ói, ...Cha mẹ nên cho bé dùng các loại siro trị ho, viêm họng có nguồn gốc thảo dược như mật ong hấp với lá húng chanh, lá hẹ, siro ho từ các tinh dầu thiên, cao lá thường xuân, quất tắc đường phèn.. . Các thảo dược này có tác dụng long đờm, giảm ho, kháng khuẩn, kháng viêm, làm ấm họng an toàn với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, dấu hiệu ho về đêm cũng có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh hen suyễn hay dấu hiệu của nhiều bệnh khác, tùy theo tần suất, thời gian kéo dài và đặc điểm cơn ho. Vì vậy, nếu bé bị ho đêm kéo dài hơn 7 ngày, kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, ho sâu, khó thở, thở nhanh, bú kém hoặc đau bụng bạn nên đưa con đến khám bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh cho con khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Thân mến!
Tags:Nhi Khoa
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play