Câu hỏi:
Trẻ sơ sinh hay khóc và quấy đêm là vì thiếu chất phải không. Đó là thiếu chất gì ạ
Trả lời:
Chào bạn
Khóc được xem như một báo hiệu về sự phát triển của trẻ trong những tháng đầu tiên. Sau khi được sinh ra, bé có xu hướng khóc nhiều vào 2-3 tuần đầu tiên và đạt “mốc” ở tuần thứ 6-8. Sau thời gian này, thời gian bé khóc sẽ giảm xuống cho đến tháng thứ tư của con. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ hay khóc đêm, vì đây là khoảng thời gian giải tỏa căng thẳng trong một ngày dài.
Ngoài ra, có khoảng 20% trẻ sơ sinh có xu hướng bị “hội chứng quấy khóc” hay còn gọi là khóc dạ đề. Hội chứng quấy khóc dùng để mô tả trạng thái khóc dai dẳng liên tục và không đi kèm một biểu hiện khác lạ nào khác. Hội chứng này không phải là bệnh, và không gây bất kỳ nguy hiểm nào cho bé.
Vậy trong trường hợp bé nhà bạn khóc đêm, bạn nên làm gì?
– Nói chuyện với cục cưng của bạn: Không phải tất cả các trường hợp bé khóc đều bày tỏ sự khó chịu hoặc đưa ra một “đòi hỏi” nào đó. Đôi khi đó chỉ là cách bé muốn cha mẹ biết về sự hiện diện của mình. Những lúc này, giọng nói của bạn chính là cách tốt nhất để tâm trạng của bé dịu xuống.
– Kiểm tra nhu cầu cơ bản của bé: Thông thường, bé khóc để bày tỏ những mong muốn và nhu cầu của mình. Con có đang cần thay tã? Con đói hay cảm thấy đau? Một số bé khóc vì cảm thấy không thoải mái với vị trí hiện tại của mình hoặc chỉ cần được dỗ dành.
Ngoài tiếng khóc, mẹ có thể quan sát một số cử chỉ của bé khi khóc. Chẳng hạn như lúc đói, bé thường khóc và mút ngón tay. Chú ý những hành động nhỏ của con có thể giúp mẹ nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân làm con khóc.
– Massage cho bé: Tâm lý của bé sẽ được thoải mái hơn nếu được mẹ massage cho. Đồng thời, massage cho bé cũng là cách giúp ngăn ngừa và loại bỏ khó chịu trong trường hợp bé bị đầy hơi.
– Cho bé nghe nhạc: Tương tự người lớn, những âm điệu nhẹ nhàng có thể giúp bé thư giãn và thoải mái hơn. Mở cho con nghe những bài nhạc mẹ thường nghe khi mang thai. Theo thống kê, nhiều bé có dấu hiệu ngừng khóc ngay khi tiếng nhạc vừa cất lên.
Bạn hãy thử các cách trên xem bé nhà bạn có đỡ khóc không nhé.
Chúc bạn thành công
Tags:Nhi Khoa