Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ, con trai em được hơn 9 tháng. Em nhận thấy cháu rất nhút nhát và dễ sợ hãi. Cháu rất sợ tiếng động lớn, tiếng ken két hoặc tiếng động lạ. Khi nghe thấy cháu giật mình hoảng hốt hoặc khóc nức nở. Tuy cháu rất thích bế đi chơi đây đó ở chỗ đông người hay những nơi nhiều trẻ con nhưng khi trẻ con chơi đùa hét, nói to cháu lại sợ và khóc. Mọi người đều nói cháu quá nhút nhát. Vậy cháu như vậy có sao không thưa bác sĩ, và em có thể làm gì để cải thiện tính nhút nhát của cháu ạ. E xin trân thành cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn
Hầu hết trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi đều “nhút nhát” vì thế giới xung quanh còn quá mới mẻ và lạ lẫm với chúng, và các bé sẽ có xu hướng gần gũi với những người thân quen nhất. Sự nhút nhát ở giai đoạn này là bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. ở giai đoạn này, bé dần trở nên nhạy cảm với môi trường xung quanh, đặc biệt là chịu sự ảnh hưởng của bạn. Bé có thể hiểu được ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và ngay cả giọng nói của bạn nữa. Nếu nhận thấy bạn cáu kỉnh, không vui hay buồn bã… bé thường có tâm trạng bất an theo và dễ khóc, hay lo sợ… Nếu bạn thay đổi thói quen hằng ngày hoặc tỏ ra vội vàng, bé có thể trở nên cáu kỉnh, bực bội, thậm chí ngủ ít hơn hay ăn nhiều hơn. Giai đoạn này bé dần dần cảm nhận được sự tồn tại của thế giới khác ngoài mẹ. Cảm nhận này khiến cho cảm giác lo sợ phải xa mẹ bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, bé cũng bắt đầu tập quan sát xung quanh và biết “bắt chước” các trạng thái tình cảm, tâm trạng của người khác. Nếu bé thấy một bé khác khóc, bé có xu hướng khóc theo. Do chưa nhận biết được khái niệm thời gian và chưa phân biệt được các trạng thái tình cảm của người xung quanh, nhiều bé thường có phản ứng như nhau với những hiện tượng bất thường xảy ra xung quanh như tiếng động lớn, lạ hoặc tiếng trẻ em chơi đùa, la hét. Nếu bạn không có biện pháp giải quyết triệt để, tình trạng bám mẹ sẽ càng tiến triển nặng hơn trong những tháng tiếp theo và trở thành tật xấu của bé.
Trước đây, người ta thường cho rằng tính nhút nhát của bé là từ môi trường mà bé sinh sống. Nhưng giờ đây, các chuyên gia tin rằng kiểu ứng xử của bé có một phần do ảnh hưởng di truyền. Do đó ở giai đoạn này, điều quan trọng là phân biệt được tính rụt rè của con bạn mang tính bẩm sinh hay chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển của bé.
Tốt nhất là bạn nên giải thích rõ ràng và đơn giản cho bé hiểu bạn sẽ sớm quay lại với bé sau khi đi tắm hay đi làm về. Cho dù bé không hiểu hết ý nghĩa lời nói của bạn nhưng thái độ vuốt ve và giọng nói nhẹ nhàng sẽ làm con an tâm hơn và từ từ bé sẽ hiểu được rồi bạn sẽ trở về với bé.Bạn cũng nên từ từ tách dần bé ra khỏi bạn, lúc đầu trong một khoảng thời gian ngắn (5-10 phút) sau đó có thể tăng dần lên.
Bạn và người nhà nên cùng bé tham gia vào trò chơi. Khi bé còn đang rất nhút nhát với người lạ và sợ hãi với những điều xảy ra, bạn đừng mang bé tới công viên với hy vọng bé sẽ làm quen với người lạ trong khi bạn thoải mái đứng ở ngoài. Thay vào đó, hãy cùng bé tham gia vào trò chơi cho đến khi bé cảm thấy thoải mái hơn. Khi bé đã vui vẻ tham gia một hoạt động nào đó thì bạn thử lùi lại một vài bước xem phản ứng của bé. Bất cứ khi nào bé đưa tay ra để kết bạn hoặc tham gia một hoạt động, bạn hãy khen ngợi những cố gắng của bé.Bạn sắp xếp các nhóm nhỏ và yên tĩnh hoặc tạo ra môi trường thân thiện với bé. Nếu sân chơi ngoài trời là nơi con bạn thích thì hãy dắt bé đến đó vào những lúc vắng người.
Bạn cần thông cảm với bé, không nên bực tức hoặc tỏ thái độ khi thấy bé quá nhút nhát. Tuy chưa nói được nhưng bé có thể quan sát được phản ứng của bạn và nếu thấy bạn khó chịu hoặc bực tức, bé càng thu mình lại và phản ứng tiêu cực với những gì xảy ra xung quanh.
Và cuối cùng, bạn đừng bao giờ gọi con mình là đứa trẻ nhút nhát. Việc dán nhãn cho trẻ hiếm khi mang lại lợi ích, dù cái nhãn đó rất kêu như “thiên tài” (vì sẽ gây sức ép quá lớn đối với bé). Thực tế, bé có thể không nghĩ là mình nhút nhát. Nhưng nếu bạn thường nói điều đó thì bé sẽ tin là mình nhút nhát thật và điều này không có lợi cho việc giúp bé mạnh dạn lên.
Chúc bạn thành công, giúp bé sớm hòa nhập với cộng đồng
Tags:Nhi Khoa