Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ, trẻ tư duy chậm hoặc rất hay mất tập trung là do nguyên nhân gì ạ ? Có cách khắc phục ko thưa bs ? Cảm ơn bs
Trả lời:
Chào bạn.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm phát triển trí tuệ thường do các yếu tố xảy ra trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh. Yếu tố nguy cơ trước sinh có thể do mẹ tiếp xúc hoá chất, thuốc trừ sâu, mẹ bị chấn thương, nhiễm virus (nhất là trong 3 tháng đầu), mẹ bị bệnh tuyến giáp trạng, tăng cân ít khi mang thai, bị nhiễm độc chì nặng...
Yếu tố nguy cơ trong sinh: Đẻ non dưới 37 tuần, cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500gr, ngạt khi sinh, can thiệp sản khoa (dùng kẹp thai, hút thai...), vàng da nhân não... Yếu tố nguy cơ sau sinh: Chảy máu não - màng não, nhiễm khuẩn thần kinh (viêm não, viêm màng não), suy hô hấp nặng, chấn thương sọ não, co giật do sốt cao, động kinh...
Hiện tại, trước khi tập trung vào vấn đề tư duy, cần tạo thói quen học tập cho cháu. Cha mẹ nên khuyến khích cháu làm việc một cách độc lập và thưởng cho các cố gắng của cháu khi làm các nhiệm vụ cha mẹ giao. Quan trọng là phải thiết lập được một lịch cố định (chỗ học cố định, các nhiệm vụ học tập và luôn đầy đủ các dụng cụ học tập).
Phần thưởng cho việc học gồm thưởng cho việc bắt đầu ngồi vào học đúng giờ (do cháu tự ngồi hoặc do cha mẹ nhắc nhở), phần thưởng khác cho mỗi 10-15 phút cháu ngồi học tập trung và không chạy ra khỏi chỗ (thời gian ngồi học sẽ tăng lên khi cháu đã quen và khả năng chú ý của cháu được rèn luyện tốt hơn), phần thưởng cho việc hoàn thành tất cả các bài tập được yêu cầu.
Cha mẹ tùy theo tình hình hãy cố gắng để thưởng cho những hành vi làm việc độc lập hơn là việc phải ngồi bên cạnh giám sát cháu. Phần thưởng phải được đưa ngay khi cháu thực hiện một hành động mong đợi. Cha mẹ đưa phần thưởng phải đi kèm với những lời khen ngợi, động viên và chú ý đến trẻ. Với sức tập trung của cháu, việc nghỉ giải lao khoảng 5-10 phút giữa thời gian học là một điều rất quan trọng. Các hoạt động thể chất trong khi nghỉ giải lao cũng cần thiết.
Về khả năng tư duy, cha mẹ bắt đầu từ những gì cháu đang có. Cha mẹ tạm chấp nhận trẻ để trẻ cảm thấy việc học không phải là một hình phạt đối với chúng. Trong trường hợp cha mẹ đưa ra câu hỏi nhưng con chưa biết câu trả lời thì cha mẹ sau vài giây sẽ đưa luôn đáp án đúng và yêu cầu con nhắc lại. Một lúc khác, cha mẹ có thể sẽ nhắc lại câu hỏi và nếu cháu trả lời đúng, hãy khen và thưởng con. Cách làm này sẽ làm cho trẻ không cảm thấy sợ hãi, tự ti về năng lực của mình và ghét học.
- Luôn đồng hành cùng với trẻ trong mọi hoạt động thường ngày – vui chơi, sinh hoạt ăn uống, vệ sinh thân thể…
- Hướng dẫn trẻ từ những hoạt động đơn giản nhất. Sau khi trẻ đã thực hiện được, cha mẹ mới nên bắt đầu tiếp tục với những hoạt động phức tạp hơn.
- Trong từng công việc, để tránh việc trẻ khó tiếp thu ngay một lúc, bố mẹ nên chia nhỏ từng việc ra và lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ tiếp thu dễ dàng hơn.
- Mẹ nhớ luôn khen trẻ mỗi khi trẻ làm tốt một việc gì đó. Hành động này chắc chắn sẽ giúp trẻ vui lắm đấy.
- Tạo sự gần gũi cho trẻ bằng cách trò chuyện thường xuyên và chơi cùng với béố mẹ nói nhưng chắc chắn sẽ cảm nhận được tình thương yêu mà bố mẹ dành cho mình
- Mẹ hãy cho trẻ giao tiếp với xã hội nhiều hơn để trẻ dần học được những cách ứng xử cơ bản nhất.
Để thực hiện được những điều trên quan trọng nhất là sự kiên trì của bố mẹ. Bạn hãy kiên trì để bé có được những giây phút vui vẻ nhất.
Thân
Tags:Nhi Khoa