Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ,
Bé 2 tháng rưỡi nửa tháng nay lên cân chậm (2 lạng) ban đêm mỗi khi tỉnh dậy gãi tai trái liên tục. Ban ngày không thấy biểu hiện này. Bé có bị sao không, có cần đi khám không? Dạo này trời không nắng sớm, em không phơi nắng cho bé được, em muốn bổ sung vitamin d cho bé thì bổ sung như thế nào? Cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn
1. Có khá nhiều nguyên nhân khiến bé chậm tăng cân như chế độ dinh dưỡng, tiền sử sức khỏe, các hoạt động thể chất hay rối nhiễu về tinh thần.
Nếu trẻ chậm tăng cân thì có thể do bé ăn uống không đủ chất, cơ thể không hấp thu , sử dụng chất dinh dưỡng đúng cách....
Nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng chậm tăng cân ở bé. Chỉ khi tìm ra nguyên nhân chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định việc dùng thuốc điều trị và tăng cường lượng kalo nạp vào cơ thể bé.
Lưu ý: Nếu bé có xu hướng ngủ khi bú, bạn thử cù nhẹ vào chân, đánh thức để bé tiếp tục “ti mẹ”. Nếu bé chưa “ti” đủ hai bên ngực mẹ mà đã ngủ, bạn nên dùng tay vắt sữa ở một bên ngực đang căng. Cách này kích thích sự sản xuất sữa mẹ cho bé dùng vào lần sau.
Cũng có trường hợp bé vẫn chậm tăng cân trong khi cha mẹ đã thử đủ mọi cách. Cha mẹ cũng không nên quá lo vì cân nặng còn phụ thuộc vào quá trình hấp thu dinh dưỡng ở mỗi bé. Đến một giai đoạn nào đó, nhiều bé sẽ phát triển nhanh, theo kịp đà tăng trưởng với các bé cùng tuổi.
Bạn lưu ý cách cho bé bú cũng rất quan trọng:
- Mỗi lần bú, mẹ cho bé bú một chút bên bầu vú này rồi một chút bên bầu vú kia.
- Sữa trong bầu vú mẹ không giống nhau, sữa chảy ra khi bé bắt đầu bú gọi là “sữa đầu”, có nhiều nước làm cho bé đã khát, còn sữa của cuối bữa bú gọi là “sữa cuối”, có chứa nhiều chất béo giúp bé tăng cân.
- Muốn trẻ tăng cân thì bé phải được bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối. Mẹ cho bé bú một chút bên này rồi một chút bên kia làm cho bé chỉ nhận được sữa đầu, do đó bé không tăng cân nhiều mặc dù mẹ nhiều sữa.
- Mẹ nên cho bé bú một lần hết một bên, nếu bé còn đói thì hãy cho bú bên kia và lần sau cho bú bên kia trước và cứ thế.
Ngoài ra, muốn trẻ mau tăng cân nên đáp ứng 3 nhu cầu chính yếu: ăn, ngủ, vận động - bổ sung cho nhau chứ không thay thế nhau.
2. Nhiều bé có thói quen ngoáy tai thường xuyên, đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy bạn đã không vệ sinh tai đúng cách cho bé, nguy hiểm hơn là việc này có thể dẫn đến nhiễm trùng tai. Tuy bệnh này có thể điều trị nhanh chóng nhưng nếu không chú ý và điều trị kịp thời có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe của bé sau này. Trong thực tế, nhiều trẻ thường có “tật” gãi tai. Có trẻ gãi tai mà không quấy khóc nhưng ngược lại, có trẻ vừa gãi tai kèm quấy khóc, trong khi mũi hoặc họng lại bị viêm… cha mẹ và những người giữ trẻ nên lưu ý, đừng nghĩ đơn giản chỉ là “ngứa rồi gãi mà thôi!”.
Những nguyên nhân thường gặp khi bé ngoáy tai nhiều
Nếu chỉ hay gãi tai mà không quấy khóc thì hầu hết là do trong tai có ráy tai, nhất là ráy tai nằm sâu trong tai ba mẹ nhìn không thấy. Đối với những bé này, ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ tai mũi họng để lấy ráy tai, không nên cố lấy ở nhà vì dễ làm chấn thương tai bé.
Một số ít là do bé có cơ địa dị ứng, những bé này khi khám tai không phát hiện gì nhưng vì bị dị ứng gì đó có thể bụi nhà, có thể do xà bông tắm gội hay giặt đồ…
Bé có thể bị dị ứng thấy ngứa tai. Thường thì những bé này hay bị hắt hơi sổ mũi. Đối với trường hợp này, không nên cho bé nằm phòng máy lạnh, thử thay xà bông tắm gội cũng như xà bông giặt đồ, để ý thức ăn nào ăn xong ngày đó bé hay gãi tai thì nên tránh…
Nếu hay đưa tay lên gãi tai kèm quấy khóc, trong khi mũi hoặc họng bé bị viêm thì có thể vi trùng gây viêm mũi họng đã lên tai gây viêm tai giữa. Những bé này thường hay kèm sốt cao. Nên đưa đi khám bác sĩ tai mũi họng. Ngoài soi tai, bác sĩ sẽ cho bé đi đo nhĩ lượng đồ. Tùy theo kết quả nhĩ lượng đồ, bác sĩ sẽ biết bé mới bị tắc vòi nhĩ hay đã viêm tai giữa, nếu viêm tai giữa thì viêm ở mức độ nào, tai giữa có nhiều hay ít dịch… từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị chính xác.
3. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ ăn uống đầy không kiêng cữ thì trẻ cần phơi nắng mỗi ngày 15 phút là đủ cung cấp vitamin D cho trẻ. Với trẻ dưới 1 tuổi thì bạn không nhất thiết phải tắm nắng liên tục hàng ngày cho trẻ. Bạn có thể cho bé tắm mỗi đợt 15 ngày sau đó cho nghỉ từ 10-20 ngày rồi lại lặp lại như trên. Thời gian tắm nắng thích hợp nhất là từ 6-8 giờ sáng (mùa đông từ 7-9 giờ) và sau 4 hoặc 5 giờ chiều, khi tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ mặt trời tương đối yếu. Bạn có thể lựa chọn thời gian thích hợp để tắm nắng cho bé.
Với trẻ dưới 5 tháng tuổi không nhất thiết phải bổ xung canxi và vitamin D cho trẻ vì trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất nhạy cảm với sự thừa vitamin D. Trẻ em dưới 1 tuổi nếu được bổ xung vitamin D ở liều không thích hợp với lứa tuổi có thể bị thừa hoặc ngộ độc vitamin D gây biếng ăn, buồn nôn và ói mửa. Ngộ độc vitamin D ở trẻ thường do cha mẹ tùy tiện cho uống dài ngày các loại thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, trong đó có chứa vitamin D liều cao hoặc cho trẻ uống cùng lúc các loại thuốc có chứa vitamin D.
Chúc bé hay ăn chóng lớn!
Tags:Nhi Khoa