Câu hỏi:
xin các bác sĩ cho tôi lời khuyên ạ
con trai tôi được 20 tháng. cháu dạo gần đây tỏ thái độ luôn sợ hãi mọi thứ.cháu hay bắt nạt mọi người. khi chơi hay chọn chơi 1 mình.cháu nhận biết con vật trên tivi và nói được.cháu nói được từ đơn dạy cháu nói 2 từ cháu chưa nói được và ko tập trung. bác sỹ cho tôi hỏi liệu cháu có bị sao không.cần khám khám ở đâu uy tín ạ.
Trả lời:
Chào bạn
Bé nhà bạn được 20 tháng tuổi. Theo những gì bạn mô tả trong câu hỏi thì có lẽ bé phát triển bình thường, hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi của bé.
Trẻ ở độ tuổi 20 tháng thường năng động, hay bắt chước người khác. Ở tuổi này trẻ vẫn thường lo lắng khi không có bố hoặc mẹ bên cạnh chăm sóc. Thái độ hay tỏ ra sợ hãi hay hay bắt nạt người khác là một trong các phản ứng của trẻ ở lứa tuổi này để thu hút sự chú ý của người lớn, để tạo cho bé cảm giác an toàn vì bé vẫn tin rằng trong gia đình, bé là số một. Lúc này, bé bắt đầu chú ý đến nhiều hoạt động xung quanh. Dù có thể bị nhóm các bé khác cuốn hút nhưng bé vẫn chủ yếu chơi một mình. Ở tuổi này, các bé thường tự chơi cạnh nhau chứ không hẳn chơi với nhau.
Ở lứa tuổi này, trẻ bằng đầu dùng lời nói nhiều hơn để giao tiếp, vì vậy vốn từ vựng của trẻ trong giai đoạn này cũng nhiều thêm đáng kể. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng phát triển giống nhau. Một số bé có thể kết hợp 2 từ với nhau để tạo thành một câu đơn giản như “ôm con, bế con...”, nhưng một số bé vẫn loay hoay ở câu một từ hoặc nói những câu vô nghĩa. Tuy nhiên, trẻ biết lắng nghe những câu chuyện ngắn hoặc âm nhạc và nghe theo các chỉ dẫn bằng lời nói.
Để bé có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống gia định, nâng cao vốn từ và chuẩn bị cho một cuộc sống mới ngoài gia đình, bạn nên:
- Cố gắng tạo ra một nhịp sống ổn định cho cả gia đình. Trẻ ở giai đoạn này thường thích nhịp điệu và hình dáng quen thuộc. Một số trẻ có thể dễ dàng thích ứng với những điều mới lạ nhưng số khác lại rất nhạy cảm với những thay đổi và có thể có những phản ứng bất ngờ, khó kiểm soát.
- Tạo ra cách giao tiếp với những thông điệp riêng dành cho bé 20 tháng tuổi của bạn. Nếu bạn nói “đừng” hay “không được” với bé quá thường xuyên, thì đến khi thật sự cần thiết, bé sẽ không nghe theo lời bạn. Ngược lại, hãy khen ngợi bé để khuyến khích và củng cố các hành vi tích cực của bé. Hãy nghĩ đến ảnh hưởng của bạn đối với trẻ để có thể có những điều chỉnh cần thiết nhé!
- Khoảng 90% não bộ của trẻ phát triển trong giai đoạn 5 năm đầu đời. Hãy tạo ra cho bé yêu của bạn một môi trường sống đầy âm nhạc, màu sắc và những hoạt động vui nhộn. Hãy chơi với bé hằng ngày. Những điều này thật sự có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Chúc bạn thành công
Tags:Nhi KhoaNội Khoa