eDoctor
Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ, bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em mới được hơn 1 tháng tuổi, trên da bé xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ. Bình thường các nốt ẩn dưới ra, chỉ khi bé rướn, bé khóc hoặc sau khi rửa mặt các nốt mới nổi lên. Em đã tắm các loại cây mát như kinh giới, xoan leo, kim ngân, sài đất, đậu ván... Mà vẫn không khỏi. Đi khám được chẩn đoán là bị chàm cơ địa. Vậy có cách nào để bé khỏi hẳn không ạ?
Trả lời:
Chào bạn! Bạn tham khảo như sau nhé: Chàm (eczema / viêm da cơ địa / atopic dermatitis) là loại chàm thường gặp ở trẻ nhỏ. Đúng như tên gọi, bệnh này liên quan nhiều đến cơ địa do yếu tố bẩm sinh hoặc do di truyền. Hiện nay chưa có lời giải thích nào thỏa đáng về nguyên nhân gây ra bệnh này ở trẻ nhũ nhi cũng như không có cách “chữa” bệnh triệt để. Trẻ bị chàm có cơ địa mẫn cảm, dễ kích ứng với một số vật chất, da rất khô, vì vậy làn da của bé bị chàm luôn luôn mẩn đỏ, sần sùi, ngứa ngáy, bong tróc. Những bé bị nặng có thể gãi đến chảy máu, gây bội nhiễm, chảy nước và đóng vảy (đóng mài), lan rộng... Quả thực nhìn em bé có làn da bị chàm rất đáng thương, bé ngứa ngáy nên ngủ không ngon, không thể tập trung chơi đùa và học tập, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển bình thường của bé, dù bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng. Các phương pháp có thể có nhiều, nhưng tựu chung lại vẫn để đảm bảo các mục tiêu sau đây: 1. Sạch: Sạch ở đây là sạch về hoá chất và các yếu tố gây kích ứng cho bé. Nên chuyển qua sử dụng bột giặt loại dành cho da mẫn cảm, mỹ phẩm có thành phần thiên nhiên và hữu cơ, dầu tắm không có xà phòng, khăn ướt không có mùi thơm... Tóm lại là tránh càng xa càng tốt các loại hoá chất, dù là hoá chất dùng trong các sản phẩm cho trẻ em thì cũng là hoá chất và còn nhiều "uẩn khúc" trong khâu kiểm duyệt (nhất là với một em bé mẫn cảm như bé bị viêm da cơ địa thì lại càng phải tránh đi cho lành!). Có thể dùng quả giặt hữu cơ thay thế cho bột giặt - nó rất lành tính, an toàn với cả trẻ sơ sinh. Có thể dùng để giặt quần áo và lau chùi đồ đạc trong nhà. Tránh tiếp xúc với lông và chất thải của vật nuôi. Tránh dùng thảm hoặc nếu dùng thì phải giặt thường xuyên. Chăn ga gối và quần áo dùng loại 100% cotton hoặc lụa tơ tằm, thay quần áo và giặt thường xuyên. Nếu có thể, sử dụng quần áo bằng sợi cotton hữu cơ (organic cotton) là tốt nhất vì cotton là loại cây trồng được xếp vào hàng ô nhiễm nhất thế giới do lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình nuôi trồng thực sự khủng khiếp. Theo cảm quan của mình, khi em bé bị chàm mặc quần áo làm từ sợi vải hữu cơ, da bé ít bị kích ứng hơn. Ở Úc, một số thương hiệu phát triển dòng quần áo làm từ vải cotton hữu cơ với giá cả tương đương các loại quần áo mức trung bình, không quá đắt, dù mẫu mã không thể phong phú bằng vì cần đảm bảo các tiêu chuẩn về chất liệu. Nên cho bé đi thử dị ứng trên da (skin prick test) để biết được các yếu tố nào gây dị ứng cho bé: y tá sẽ chấm dung dịch chứa những món gây dị ứng điển hình nhất lên da bé, ví dụ như hải sản, đậu phộng, mè, bột mỳ, trứng, sữa, đậu nành, v.v... Nếu bé bị kích ứng với các món này thì khi chấm lên da như vậy, da sẽ nổi mẩn lên cục lớn, và bác sĩ sẽ kết luận một danh sách những món gây kích ứng cho bé. Mặc dù kết quả này không hẳn có ý nghĩa là khi ăn những món trên sẽ dẫn đến dị ứng nguy hiểm, nhưng nó sẽ là gợi ý tốt để mẹ có thể: - Tránh để bé tiếp xúc ngoài da với các món này, khiến tình trạng chàm của bé nặng thêm - Tránh chưa cho bé ăn những món này hoặc khi thử thì cẩn trọng từng bước: thoa vào lòng môi dưới của bé, đợi 15 phút -> không thấy gì -> chấm một chút ở đầu tăm vào miệng bé, đợi 15 phút -> không thấy gì -> cho bé cắn thử một miếng nhỏ, đợi 15 phút -> không thấy gì -> có thể cho bé ăn món đó được - Nếu mẹ đang cho con bú: mẹ thử kiêng hẳn món đó xem tình trạng chàm của bé có đỡ hơn không. Rất nhiều trường hợp khi mẹ kiêng những món gây kích ứng cho bé, thì bệnh chàm của bé có khá hơn nhiều. Bản thân mình đã gặp 3 người mẹ có 2-3 đứa con đều bị chàm và mẹ cho con bú hoàn toàn. Sau khi những người mẹ đó cho con đi thử dị ứng trên da và có kết quả, họ thử kiêng hoàn toàn những món ăn đó theo lời khuyên của bác sĩ trong nhiều tháng, kết quả là con họ hết hẳn bệnh chàm. Có mẹ nói với mình rằng chỉ sau 10 ngày ăn kiêng (và kiêng cho cả nhà vì 2 bé kia đã lớn và đã ăn cùng cả nhà) thì cả 3 đứa con đều ngủ ngon qua đêm mà không khóc vì ngứa ngáy. Kiêng nhiều tháng sẽ cho kết quả triệt để. Tuy nhiên phải đi làm xét nghiệm để xác định món cần kiêng, và khi kiêng thì phải kiêng HOÀN TOÀN. 2. Mát Bé bị chàm rất cần được giữ mát. Chỉ nóng lên một chút hoặc ngồi trong xe ô tô còn nóng do phơi lâu ngoài trời cũng khiến bé mẩn ngứa. Con mình đi ngủ không bao giờ đắp chăn. Hôm nào trời lạnh quá mình mới mặc thêm cái túi ngủ vải cotton mỏng và thêm 1, 2 lớp áo mỏng cho bé. Còn thông thường bé luôn phải mặc lạnh hơn mình một nấc. Cứ mặc ấm vừa với cảm giác của mình hoặc nóng hơn là bé sẽ mẩn ngứa. Và bạn biết rồi đấy, bao nhiêu công gìn giữ, chỉ cần mẩn lên một cái là lại phải vài ngày nó mới hết! Thế cho nên mùa đông không đắp chăn, còn mùa hè bé luôn phải làm bạn với điều hoà. Tuyệt đối không chà xát hay để bé gãi lên vết chàm. Da sẽ càng kích ứng, ngứa ngáy hơn và nếu trầy xước thì sẽ gây bội nhiễm (bé nhà mình từng bị những vết nứt sâu trên má, chảy máu và nước từ đó ra, nhìn rất xót xa!). Bé sẵn sàng gãi đến chảy máu mà không cảm thấy đau vì quá ngứa! Vì vậy bé luôn bị bọc tay lại để không gãi. Khi nào mình ngồi cùng con, giám sát con thì sẽ tháo bao tay ra cho con chơi. Bộ quần áo bằng vải gạc mình nhắc đến ở trên cũng là một giải pháp hay để con không gãi được vào da thịt. Có thể kết hợp thoa sáp dưỡng ẩm (mình dùng hiệu EPIDERM mua tại phòng khám da liễu của bé): pha sáp với một chút nước, quết sáp ấy lên vải gạc trong khi nhúng ướt tấm vải gạc luôn, rồi mặc lên người cho con. 3. Ẩm Đã mát rồi, nhưng phải ẩm nữa. Bé bị chàm vốn không có khả năng tự tiết dầu bảo vệ da như người bình thường (tiếng Anh gọi là không có "skin barrier" - không có lớp màng bào vệ). Cho nên bé cần được liên tục bổ sung độ ẩm cho da. Tắm nước vừa đủ để không lạnh bé chứ không được quá nóng, tắm nhanh - không quá 10 phút, tắm xong thấm khô người bằng khăn xô chứ không được lau mạnh, sau đó phải sử dụng các biện pháp giữ ẩm ngay để không làm mất độ ẩm trên da. Sử dụng dầu tắm (ointment) thay vì sữa tắm thông thường, hoặc có thể pha dầu olive vào nước tắm của bé. Cẩn thận khi bế ẵm bé sau khi tắm vì da bé có thể trở nên trơn trượt. Mỗi bé sẽ phù hợp với một loại kem dưỡng ẩm khác nhau - mẹ phải tự tìm hiểu và dùng thử thôi. *Cập nhật: Hai tháng gần đây mình mới tìm thấy một loại sáp dưỡng ẩm cũng có hiệu quả không kém gì Stelatopia, mình mua tại phòng khám da liễu của bé, giá cũng dễ chịu hơn: từ 190k/hộp 125gr trở lên. Loại này vừa dùng pha vào nước tắm cho bé, vừa quết lên vải gạc để quấn ướt bé, vừa thoa lên da ngày vài lần để dưỡng ẩm bé được. Tích cực sử dụng sáp dưỡng ẩm này giúp da bé luôn ẩm và mềm, không khô ráp gây ngứa ngáy nữa. Còn các loại kem khác: các mẹ nhớ kiểm tra xem thành phần có các chất đuôi Paraben và Methylisothiazolinone là 2 chất bảo quản gây dị ứng và ung thư không. Hai chất này đã được Cục quản lý Dược (Bộ Y tế Việt Nam) ra quyết định thu hồi tất cả những sản phẩm cho trẻ em có chứa chúng. Không may là rất nhiều mỹ phẩm và sản phẩm cho cả người lớn và trẻ em đều có chứa chất này. Và may là vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác không chứa chất này. Nhưng nếu có thể mua những mỹ phẩm thành phần hoàn toàn thiên nhiên thì vẫn là tốt nhất! Tuy nhiên có một loại dưỡng ẩm rẻ tiền nhưng cực kỳ hiệu nghiệm mà nếu mẹ có điều kiện sử dụng thì rất tuyệt vời: đó là sữa mẹ. Sữa trữ đông hoặc giữ lạnh thoa lên da con vào mùa hè giúp dịu cơn ngứa ngay lập tức. Mẹ cũng có thể tận dụng sữa mẹ con bú còn thừa lấy ra thoa. Mình thì đơn giản lắm vì con toàn bú trực tiếp, thích vắt ra thoa cho con lúc nào thì vắt. Lý tưởng nhất là sau khi tắm xong, vắt ra thoa khắp người con, vỗ vỗ cho thấm, sau đó thoa một lớp kem dưỡng ẩm để giữ lớp sữa mẹ lại (vì sữa mẹ là tự nhiên nên bay rất nhanh, 30 phút phải thoa một lần mới đủ, mình dùng kem dưỡng ẩm thoa lên phía trên, cũng giữ da ẩm được 3-4 tiếng). Sữa mẹ có tính sát trùng và làm liền da (healing) nên đặc biệt hiệu nghiệm trên các vết chàm, gãi trầy xước da, và khi bị bội nhiễm. Vừa dưỡng ẩm, vừa sát trùng lại giúp da mau lành vết thương - rất tuyệt vời! Vào mùa hè, bác sĩ Úc chỉ mình mua một loại quần áo đặc biệt bằng vải gạc, nó phủ kín từ cổ đến đầu ngón tay ngón chân (xem hình minh hoạ), gọi là garment vest cho phần áo và garment legging cho phần quần. Áo này phải nhúng ướt trước khi mặc, mặc bên trong quần áo bình thường. Hễ khô là phải nhúng ướt lại hoặc xịt nước lên cho ẩm. Mình không dám dùng loại quần áo này vào mùa đông, sợ con ốm. Còn vào mùa hè, nó khá hữu dụng và giúp con ngủ ngon, không gãi. 4. Độ pH Bác sĩ dị ứng có nói cho mình biết về độ pH của da và nước. Vì nước mỗi nơi lại có độ pH khác nhau nên mới có chuyện ở chỗ này "hợp" nước chỗ kia không hợp là vì vậy. Ở các quốc gia sử dụng nước vòi để uống trực tiếp thường dùng nhiều hoá chất để làm sạch nước hoặc bỏ thêm floride vào nước, khiến cho độ pH của nước tăng cao (tính kiềm mạnh). Em bé bị chàm khi sử dụng loại nước này để tắm có thể khiến da bị kích ứng nhiều hơn. Cách đơn giản để hạ tính kiềm xuống, tăng tính a xít lên là vắt chanh hoặc pha dấm vào. Nên dùng dụng cụ đo độ pH để đo sao cho nước dùng cho em bé có tính a xít nhẹ (pH = 6.5 - 7) là được. Hoặc có thể dùng muối hồng (muối Himalaya) để pha vào nước tắm (độ pha nhạt hơn nước biển là được - mình dùng nửa bát con muối pha với một bồn tắm nhỏ khoảng 8 lít nước) vì muối này có tính cân bằng pH. Lưu ý pha bằng nước nguội hoặc ấm, không pha bằng nước nóng vì sẽ làm hỏng một số chất. Khi mua mỹ phẩm thì để ý loại có độ pH cân bằng sẽ đồng nghĩa với tính tẩy rửa thấp, đỡ kích ứng da hơn. Dùng muối hồng Himalayan để pha vào nước tắmDùng muối hồng Himalayan để pha vào nước tắm 5. Sữa mẹ Ngoài việc thoa lên da để sát trùng, dưỡng ẩm và làm liền vết thương nhanh chóng, tránh bội nhiễm, việc cho con bú sữa mẹ cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến với bệnh chàm ở em bé - đó là kinh nghiệm mình rút ra được. Thứ nhất, việc cho con bú mẹ hoàn toàn 180 ngày đầu, sau đó mới giới thiệu thực phẩm ngoài sữa mẹ, và tiếp tục cho con bú mẹ càng lâu càng tốt (WHO đề nghị tối thiểu 24 tháng), là cách tốt nhất để giảm nguy cơ dị ứng cho trẻ. Lí do: nó hoàn thiện hệ miễn dịch ở trẻ. Bạn có thể hiểu phản ứng dị ứng ở cơ thể như thế này: thông thường một thứ không gây hại cho cơ thể ví dụ như bột mỳ, lẽ ra khi đi vào cơ thể thì không gây ra phản ứng gì, thế nhưng khi hệ miễn dịch "bắt nhầm tín hiệu" và hiểu sai rằng thứ ấy gây nguy hiểm cho cơ thể, thì sẽ kích hoạt chế độ khẩn cấp, và biểu hiện ra bên ngoài phản ứng dị ứng: mẩn đỏ, sưng ngứa, gây chèn đường hô hấp dẫn đến khó thở, v.v... Nếu em bé được cho bú mẹ hoàn toàn như miêu tả ở trên thì sẽ có nhiều cơ hội được hoàn thiện hệ miễn dịch còn non nớt, từ đó giảm được nguy cơ "bắt nhầm tín hiệu" của hệ miễn dịch này.Bú mẹ là cách hữu hiệu để giảm nguy cơ dị ứng và hoàn thiện hệ miễn dịch của con ngườiBú mẹ là cách hữu hiệu để giảm nguy cơ dị ứng và hoàn thiện hệ miễn dịch của con người Thứ hai, giới thiệu thực phẩm qua đường sữa mẹ là cách an toàn hơn cả. Vì kích ứng da khi bú mẹ thì an toàn hơn nhiều việc dị ứng nguy hiểm khi ăn món đó trực tiếp. Tuy nhiên tuỳ vào tình huống của bạn (ví dụ mức độ ngứa của em bé và khả năng "chịu đựng" của bạn, v.v...) để bạn quyết định có kiêng hẳn một món ăn nào đó khiến em bé bị nổi chàm nhiều hơn sau khi bú mẹ không. Mình nói trường hợp của mình để các bạn tham khảo: bác sĩ dị ứng của bé nhà mình có gợi ý mình thử kiêng hoàn toàn các món ăn gây kích ứng trên da của bé (theo như kết quả test dị nguyên) một thời gian xem bé có đỡ không, khi bé đỡ rồi thì mình ăn thử từng món một để xem chính xác thì món nào khiến bé bị nổi chàm nhiều, lúc đó hẵng quyết định kiêng. Mình phát hiện ra mỗi món lại khiến bé mẩn ngứa ít nhiều, và một vài món khiến bé nổi chàm đặc biệt nhiều và vô cùng khó chịu. Do vậy, mình đã quyết định kiêng triệt để dù điều đó đồng nghĩa với việc cắt rất nhiều món khỏi thực đơn hằng ngày của mình, và thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống của cả nhà. Tuy nhiên kết quả rất bất ngờ: chỉ sau 3 ngày ăn kiêng, bé nhà mình đã ngủ cả đêm không gào khóc vì ngứa. Sau 5 tháng ăn kiêng, da mặt con đã gần như khỏi hoàn toàn, các vị trí khác trên cơ thể thì giảm dần. Mình trình bày như vậy để các bạn cân nhắc khi quyết định kiêng một món nào đó. Phải biết chắc món đó chính là "thủ phạm" gây mẩn ngứa nhiều cho bé. Phải xét xem mức độ khó chịu của bé đến đâu và sức lực của mình hôm ấy thế nào. Phải tính đến cả lợi ích giới thiệu thực phẩm qua sữa mẹ nữa, dù gây kích ứng nhưng nó là con đường giúp con làm quen an toàn nhất. Không nên kiêng tùm lum món vì không phải ai dị ứng cũng dị ứng hải sản hoặc trứng, có những người dị ứng món rất lạ đời như hạt tiêu hay dâu tây chẳn hạn. Nên đi làm xét nghiệm để biết bé nhà mình kích ứng với món gì. Thứ ba, nếu theo liệu trình mà mình đã trình bày như trên, thực sự nếu không cho bé bú sữa mẹ, mình không nghĩ bé nhà mình có thể chiến đấu với bệnh chàm mà vẫn mạnh khoẻ được. Khi mà luôn làm bạn với điều hoà, còn mặc quần áo ướt từ đầu đến chân cả lúc đi ngủ... May mắn nhờ được bú mẹ mà bé nhà mình có sức khoẻ khá tốt (trộm vía). Ngoài bệnh chàm ra, bé chưa bao giờ ốm sốt kể cả khi mọc 5 cái răng cùng lúc hay đi chích ngừa về. Từ lúc bé được 2 tháng mình đã tha lôi bé đi khắp nơi, lên rừng xuống biển về Việt Nam... Mình cũng không trùm quấn bé bao giờ (bé nóng mà), lại cho bé đi bơi suốt từ sáng sớm tới chiều muộn. Bé luôn dạn dĩ và vui vẻ. Mình biết món sữa bột dành cho bé bị dị ứng. Vị của nó kinh khủng hơn sữa bột thường rất nhiều! Khi pha còn phải thêm đường hoặc si rô vào cho nó đỡ kinh để bé chịu uống. Thử tưởng tượng bé phải uống quanh năm suốt tháng độc một món sữa bột đó. Ngoài nguy cơ sức khoẻ của việc ăn sữa bột, của việc không được bú mẹ, của việc tiêu thụ đường khi còn quá nhỏ, người mẹ sẽ vất vả thế nào khi vừa chăm con khi ngứa, quấy khóc ban đêm, lại phải dậy pha sữa, rửa bình cho con... Thực sự việc cho con bú đã giúp cho hành trình chiến đấu với bệnh chàm của hai mẹ con trở nên nhẹ nhàng hơn rất rất nhiều! 6. Thời gian "Thời gian là phương thuốc chữa lành mọi vết thương". Và bệnh chàm cũng vậy! Hầu hết mọi trường hợp bị chàm lúc bé lớn lên sẽ hết dần. Chúng ta chỉ không biết là khi nào thôi! Nhiệm vụ của mình là học cách "sống chung với lũ" và sống sót cho đến "hồi thái lai", bằng những cách trị liệu tích cực và lành tính, không để lại hậu quả lâu dài về sức khoẻ. Cùng với thời gian, việc được bú mẹ hoàn toàn và chăm sóc bằng những thực phẩm sạch, mỹ phẩm lành tính, không lạm dụng thuốc men…cũng giúp bảo vệ hệ miễn dịch của cơ thể bé. Khi hệ miễn dịch của bé được hoàn thiện nhờ những điều kể trên, các bệnh về cơ địa cũng theo đó mà ra đi. 7. Hệ vi sinh đường ruột: Mặc dù đây là một lĩnh vực còn mới và hiểu biết của mình còn hạn chế, nhưng cũng xin chia sẻ ra đây với các bạn. Cơ thể con người tự nhiên sinh ra đã có một hệ vi sinh phức tạp nhưng luôn đạt trạng thái cân bằng tự nhiên. Cho dù có những sự mất cân bằng tạm thời, thì hệ vi sinh đó luôn tìm được cách cân bằng trở lại. Cơ thể con người còn được ví như một “con vi khuẩn mặc quần áo” bởi vì 95% chúng ta được cấu thành từ vi khuẩn! Tuy nhiên, có rất nhiều sai lầm mà con người đã gây ra khiến cho hệ vi sinh không bao giờ tìm lại được trạng thái cân bằng tự nhiên nữa: đó là sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất. Thuốc kháng sinh được ví như “bom nguyên tử”. Nó dội sạch tất cả vi khuẩn tốt và xấu. Vì vậy, nó chỉ có tác dụng với các trường hợp nhiễm trùng – khi mà vi khuẩn xấu chiếm ưu thế. Nó chỉ nên được dùng trong trường hợp sống còn – khi sự nhiễm trùng trở nên nguy hiểm tới tính mạng. Vậy mà bao lâu nay, thuốc kháng sinh được sử dụng vô tội vạ, ngay cả trong những bệnh mà thuốc kháng sinh không hề có tác dụng (ví dụ những bệnh gây ra do virus như cảm cúm!). Một em bé bị ho, bị sổ mũi – ngay lập tức được bác sĩ kê cho thuốc kháng sinh. Ở Úc, có rất nhiều cuốn sách và tranh ảnh tuyên truyền về việc “thuốc kháng sinh không hề có tác dụng với các bệnh do virus” và em bé bị cảm cúm do virus cúm sẽ được để cho tự khỏi mà không cần phải làm gì. Thực tế, việc bé dính virus và bị cảm là điều tốt, vì một năm, các bé thường bị cảm kiểu này 10-12 lần – gấp 10 lần người lớn! Xung quanh ta lại có hàng trăm loại virus khác nhau. Cứ dính 1 con, chiến đấu và chiến thắng 1 con, thì lần sau có gặp lại, cơ thể bé sẽ tự tiết ra kháng thể cho loại virus đó và bé không bị bệnh nữa. Đó là cách cơ thể con người được lập trình để hoàn thiện. Rất tiếc là chúng ta đã không cho cơ thể cơ hội để hoàn thiện, bằng cách sử dụng kháng sinh vô tội vạ. Về vấn đề hóa chất, chủ đề này có lẽ rất rộng vì hóa chất tồn tại trong cuộc sống của chúng ta hằng ngày mà không thể ngày một, ngày hai có thể loại nó ra hoàn toàn. Tuy nhiên có những lúc chúng ta vẫn “hồn nhiên” đưa hóa chất vào cơ thể trong khi có rất nhiều cách dễ làm hơn, tự nhiên hơn, thậm chí rẻ tiền hơn, mà chúng ta không hề nhận ra. Ví dụ: một em bé sinh ra cần được bú mẹ. “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” – câu này ai cũng thuộc nằm lòng. Nhưng lại có quá nhiều ngộ nhận xung quanh việc nuôi con sữa mẹ, khiến cho em bé vừa ra đời đã phải ăn ngay 30-50ml sữa bột, dẫn tới nguy cơ bị nuôi bằng thứ sữa đầy hóa chất đó hoàn toàn dù hậu quả đã được chỉ ra rõ (mà không phải ai cũng chịu tin). Để nói về việc này thì tới sáng mai cũng chưa hết. Đối với mọi em bé mà đặc biệt là bé mắc các vấn đề về cơ địa, việc có hệ vi sinh đường ruột cân bằng rất quan trọng. 6 tháng đầu đời của bé không cần gì và không thể hấp thụ tối ưu thứ gì ngoài sữa mẹ, và sữa mẹ là men tiêu hóa tuyệt vời nhất, có khả năng chữa lành mọi vết thương đường ruột và cân bằng đường ruột nhanh chóng. Sau 6 tháng, việc ăn nhiều chất xơ (rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám…) thực sự tốt trong việc gia tăng lợi khuẩn đường ruột cho bé. 8. Dùng thuốc Mình đặt mục dùng thuốc cuối cùng vì thực sự đây là thứ cuối cùng bạn nên dùng (dù nó là thứ đầu tiên bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn!). Hầu hết mọi loại thuốc "trị" bệnh chàm đều chứa corticoid (còn được biết đến với tên gọi steroid), một chất gây suy giảm miễn dịch tạm thời. Như mình đã trình bày về cách hệ miễn dịch vận hành khi có phản ứng dị ứng, khi dùng thuốc, chất corticoid sẽ khiến cho hệ miễn dịch suy giảm tạm thời, để cơ thể không phản ứng, không tìm cách chống lại tác nhân nào cả. Từ đó sẽ không có biểu hiện mẩn đỏ, sưng ngứa tạm thời. Tuy nhiên, "làm cho hệ miễn dịch suy giảm" không phải là một ý tưởng hay phải không nào? Sử dụng corticoid lâu dài sẽ gây rối loạn miễn dịch và lúc đó thì hàng tá những bệnh khác sẽ ập đến. Chỉ vì chữa chàm - một bệnh không nguy hiểm, mà rước một đống mối nguy hại khác cho con, thì theo mình là không đáng! Corticoid đường uống chỉ nên sử dụng trong tình huống sống còn, ví dụ khi em bé bị dị ứng thực phẩm gây phù nề, khó thở... Còn thông thường việc sử dụng corticoid là rất có hại cho bé. Nó có hại cho thận và gan. Các loại kem chứa corticoid gây teo da và phụ thuộc vào thuốc. Đấy là lí do vì sao bác sĩ luôn dặn mình không bôi thuốc quá 1 tuần, có loại chỉ được bôi 2-3 ngày xong phải chuyển sang loại nhẹ hơn. Nhưng rốt cuộc nó vẫn là corticoid và chỉ có tác dụng tạm thời (dù có hiệu quả ngay!). Và khi ngưng dùng thì chàm lại quay lại, lần sau tệ hơn lần trước! Sau nhiều tháng quằn quại với hết loại thuốc này đến loại thuốc kia mà kết quả chẳng khả quan, lúc mới dùng thuốc thì triệu chứng hết ngay nhưng ngưng dùng cái là bệnh lại quay lại và nặng hơn, và càng ngày bác sĩ lại kê đơn cho mình loại thuốc mạnh hơn. Khi mình hỏi thuốc có chứa corticoid không và bác sĩ trả lời có, thì mình tỉnh hẳn. Mình quyết tâm không sử dụng thuốc đến nay đã 8 tháng, chỉ làm các cách như mình giới thiệu ở trên. Ban đầu mình chỉ hy vọng kết quả bằng với lúc dùng thuốc (mình tư duy là nếu dùng hay không dùng cũng như nhau mà dùng lại có hại thì thà không dùng còn hơn!). Nhưng sự thực là khi không dùng thuốc hoàn toàn và chăm sóc con theo các cách trên thì kết quả tốt hơn khi dùng thuốc rất nhiều lần. Kem chứa steroid có hại cho hệ miễn dịch của trẻKem chứa steroid có hại cho hệ miễn dịch của trẻ Cố gắng áp dụng triệt để các cách như mình nói ở trên, mình tin bệnh chàm của con bạn sẽ cải thiện rất rất nhiều. Nếu muốn biết thêm điều gì, đừng ngại hỏi mình. Mình sẽ cố gắng giải đáp trong tầm hiểu biết và kinh nghiệm của mình. Chúc bé khỏe! Thân chào bạn!
Tags:Nhi KhoaNội Khoa
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play