Câu hỏi:
Xin hỏi ? bố tôi 77 tuổi bị bệnh mắt cá ở gót chân đã 10 năm nay hiện tại ở vị trí mắt cá Bị nhiễm trùng Và có mủ rất đau và nhức Không thể đi lại được. Tôi đua đi bệnh viện khám thì bác sĩ nói không thể làm phẫu thuật được mà chỉ kê đơn thuốc cho uống .xin hỏi có cách nào để chữa trị bệnh của bố tôi không ?
Trả lời:
Chào bạn
Mắt cá bàn chân là một dạng của bệnh "Mụn cóc", là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virus HPV (Human Papilloma Virus). HPV thường xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài. Bệnh có thể xuất hiện ở tay hoặc ở gan chân, thường phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được đôi khi có thể tự khỏi.
Bệnh có nhiều cách điều trị:
- Chấm acid: Khi mụn dưới 0,5 cm sử dụng dung dịch acid Salicylic và Lactic (Duofilm, Collomack). Thuốc sẽ làm tiêu hủy, bong tróc các tế bào sừng cùng với virus ở mụn cóc. Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần mới có thể làm mụn biến mất hoàn toàn. Bệnh nhân có thể dùng những chế phẩm này tại nhà, nhưng để sử dụng thuốc hiệu quả, cần rửa sạch vùng sẽ chấm thuốc bằng xà phòng.
- Chấm Nitơ lỏng: Thường được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 1-2 tuần sẽ cho kết quả tốt (có người khỏi hoàn toàn). Thuốc được sử dụng là khí Nitrogen ở dạng hóa lỏng nên có nhiệt độ rất thấp (-196oC). Thuốc ít để lại sẹo hay biến đổi sắc tố ở vị trí chấm nhưng thường gây khó chịu khi chấm, có thể gây phồng nước và gây đau nhiều ngày sau khi chấm.
- Đốt điện: Áp dụng cho các mụn cóc dưới 1 cm hay ở vị trí khó tiểu phẫu (ví dụ, ở kẽ ngón chân, tay). Mụn cóc sẽ được giải phẫu lấy đi bằng dòng điện cao tần. Ưu điểm của việc đốt điện là tiến hành nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và có thể khoét sâu lấy hết nhân mụn cóc. Khuyết điểm là thời gian lành vết thương lâu hơn (tiểu phẩu), chăm sóc vết thương phải kỹ lưỡng hơn, dễ bị nhiễm trùng (vì vết thương hở), chảy máu ở những vết thương to và không được khâu cầm máu.
- Tiểu phẫu (gây tê tại chỗ): Áp dụng cho mụn có kích thước dưới 2 cm và ở vị trí bằng phẳng (gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân…). Ưu điểm của tiểu phẫu là thời gian lành vết thương nhanh hơn đốt điện, chăm sóc vết thương sau mổ dễ dàng, ít nguy cơ nhiễm trùng hơn (vết thương kín) nhưng chi phí cao hơn, dễ bị tái phát vì không lấy hết nhân mụn cóc được và có thể để lại sẹo.
Hiện trạng của bố bạn hiện nay vừa bị mụn cóc vừa bị nhiễm trùng nên bác sĩ không chỉ định làm tiểu phẫu mà cho thuốc uống là đúng. Trước mắt bạn nên động viên bố uống thuốc theo đơn của bác sĩ, đồng thời chọn giầy dép thích hợp, vừa vặn, không chật hay rộng quá. Giữ chân luôn khô ráo và thay tất thường xuyên. Dùng các miếng đế lót, đệm lót (trong giày-dép) ở vị trí có các mụn cóc để giảm đau hay khó chịu. Sau đó bố bạn có thể tự lựa chọn phương pháp điều trị cho mình hoặc đến khám lại Bác sĩ và nghe lời khuyên của Bác sĩ.
Chúc bố bạn chóng bình phục
Tags:Ngoại Khoa