eDoctor
Câu hỏi:
Chào bác sĩ,tôi nghe nói trên nhiều trang web hiện nay có cách chữa cận thị bằng cách sử dụng kính lỗ và nghe nhiều bình luận nói giảm được độ cận.Bác hàng xóm tôi cũng dùng loại kính này và nói là đeo 2 tháng giảm được 0.5 hay 1 độ gì đó.Tôi cũng đọc thấy người dùng hỏi bác sĩ về kính lỗ nhưng hầu hết là nói không có chữa tật khúc xạ được đâu.Xin hỏi bác sĩ là tại sao lại có 2 ý kiến khác nhau như vậy?Kính lỗ có chữa được tật khúc xạ không?Đeo kính lỗ có hại gì cho mắt không?Tôi cảm ơn bác sĩ nhiều
Trả lời:
Chào bạn, tôi xin giải đáp câu hỏi của bạn về kính lỗ như sau: Kính lỗ hoàn toàn không phải là một sản phẩm mới. Trong nhãn khoa, kính lỗ là một công cụ kinh điển, hiện tại vẫn được dùng thường xuyên để khám phát hiện nhanh chóng tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị). Kính lỗ chỉ đơn giản là một tấm nhựa đục, được khoan một hoặc nhiều lỗ nhỏ. Cơ chế tác dụng của kính lỗ là nó giảm kích thước chùm sáng đi vào mắt, do đó điểm ảnh nhòe trên võng mạc nhỏ hơn, nhờ đó mắt có tật khúc xạ sẽ nhìn thấy rõ hơn. Người ta thường gọi là kính lỗ theo thói quen, thực chất đây không phải là kính vì nó không có mắt kính có thể tạo ra công suất khúc xạ như các loại kính thông thường. Kính lỗ chỉ làm cho mắt nhìn rõ hơn một chút chứ không cho được thị lực tốt như là đeo kính có mắt kính chỉnh tật khúc xạ. Vì thế, hiện nay kính lỗ chỉ được dùng để khám bệnh chứ không dùng để thay thế cho kính mắt. Nếu đeo kính lỗ trong sinh hoạt hàng ngày thì sẽ có nhiều bất lợi. Kính lỗ làm giảm lượng ánh sáng vào mắt và thu hẹp thị trường (tầm nhìn bao quát), vì thế người đeo kính đi lại thì sẽ tăng nguy cơ tai nạn do va chạm, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu (chiều tối). Kính lỗ ảnh hưởng đến vẻ đẹp thẩm mỹ, không ai muốn đeo kính đen che kín hết 2 mắt và chỉ có một số lỗ nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Kính lỗ cũng không có tác dụng tăng cường hoặc giúp tập luyện nâng cao thị lực. Những người có tật khúc xạ không muốn đeo kính luôn tìm mọi cách để có thể đạt được mục đích này, khi đeo kính lỗ vào nhìn thấy rõ hơn mà không cần đeo kính có mắt kính, do đó nhầm tưởng là đeo kính lỗ có tác dụng thay được đeo kính. Việc cải thiện thị lực cũng chỉ là cảm nhận chủ quan của người đó. Vì những lí do trên, từ trước đến nay các nhà chuyên môn không bao giờ khuyên bệnh nhân sử dụng kính lỗ thay cho kính chỉnh tật khúc xạ hoặc dùng kính lỗ để tập mắt làm giảm tật khúc xạ. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế một số công ty, kể cả ở Mỹ vẫn tiếp tục quảng cáo cho kính lỗ. Điểm lại lịch sử phát triển, kính lỗ được đưa ra từ năm 1575 bởi Scheiner. Ngày 5/22/34, Charles C. Guthrie ở Pittsburgh, PA đã có được bằng sáng chế của Mỹ số 1959915 cho loại kính đeo mắt không có mắt kính (gọi là kính lỗ). Sau đó loại kính này đã được đưa ra thị trường trong một thời gian dài với quảng cáo là kính có tác dụng làm giảm điều tiết của mắt, có thể dùng để tập mắt và giảm sự cần thiết dùng kính 2 tròng hoặc 3 tròng. Tuy nhiên, những quảng cáo này đã vấp phải sự phản đối của các nhà nhãn khoa và chuyên gia khúc xạ, do đó chính quyền Mỹ đã có những quyết định sửa đổi và những biện pháp để ngăn chặn việc thương mại hóa kính lỗ. Năm 1992, Tổng chưởng lý Missouri đã quyết định phạt tổng cộng là 20,000 đô la đối với một công ty bán kính lỗ ở New Yorkl. Những kính này, được bán với giá 19,95 đô la cộng với bưu chính và vận chuyển. FDA (cơ quản quản lí thực phẩm và dược phẩm Hoa kì) đã khám xét công ty Natural Vision International ở Manitowoc, WI, do việc bán kính lỗ để tăng thị lực (Vision Improving Eyeglasses). FDA, cùng với hai cảnh sát trưởng liên bang, đã thu giữ 17.000 cặp kính lỗ với cáo buộc sản phẩm này là một thiết bị y tế giả hiệu và Công ty này đã không nộp đơn xin phép thương mại hóa trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Công ty này cũng bị buộc tội rằng một số quảng cáo không có đầy đủ chứng minh. Mặc dù Công ty này nói rằng kính lỗ không phải là mắt kính thực sự và đã gửi hàng trăm lời chứng thực từ khách hàng hài lòng, nhưng FDA đã đẩy Công ty này khỏi kinh doanh bằng cách tịch thu KHÔNG CÓ LỆNH TÒA ÁN các tài liệu và kính lỗ của họ với giá bán lẻ của hơn 200.000 đô la. Những kính lỗ này đã được đưa ra các bãi chứa địa phương và chôn lấp. Công ty mẹ, Hammacher, Công ty Schlemmer ở Chicago, IL, trước đó đã bị buộc phải ban hành lệnh thu hồi (# Z-655-2) bằng thư ngày 26 tháng 11 năm 1991. Trong số 9.550 cặp kính đã phân phối, 7700 vẫn còn trên thị trường sau khi thu hồi. Do một số lý do, các cuộc khám xét nói trên được thực hiện sau đó, vào ngày 20 tháng 5 năm 1992. Cho đến nay, vẫn còn có những khiếu kiện và tranh cãi của một số công ty thương mại muốn tiếp tục sử dụng loại kính này trên thị trường. Vì thế, có thể tìm thấy rất nhiều thông tin loại này trên các trang mạng. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhãn khoa và những người làm công tác chăm sóc mắt và tật khúc xạ không khuyến cáo việc sử dụng kính này và kính lỗ chưa bao giờ là vấn đề được đưa ra bàn luận trong các hội nghị chuyên môn hoặc được quảng cáo chính thức. Bạn có thể tham khảo thêm chi tiết ở đây Thân chào bạn!
Tags:Mắt
Đặt câu hỏi miễn phí
eDoctorXem hướng dẫn
eDoctorThêm file đính kèm (Tối đa 4 hình, chỉ Bác sĩ có thể xem)
+84Gửi OTP
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play