Câu hỏi:
Xin chào bác sĩ,
Vợ e bị nước ăn móng tay (như hình đính kém), ngoài thị trường có loại thuốc bôi nào k bác sĩ. Hiện tại e thấy có chút nấm trong kẽ tay rồi. E sợ để lâu sẽ ảnh hưởng k tốt đến sức khoẻ. Năm nay vợ e 27 tuổi.
Mong bác sĩ hướng dẫn giúp.
Em cám ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào bạn!
Theo thư bạn mô tả, có thể bạn bị nấm móng hoặc viêm móng. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh cho móng, trong đó có một số nguyên nhân từ việc làm đẹp móng, tiếp xúc với hóa chất mà không dùng găng bảo vệ tay, chấn thương... Dưới đây là những bệnh điển hình.
Nấm móng
Có hai loại bệnh lý nấm ở móng tay, móng chân. Nấm Candida thường hay gây bệnh ở móng tay và một trong số những bệnh đó là viêm quanh móng mạn tính. Candida là một loại nấm men, thường gây bệnh ở những người làm việc trong môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với nhiều thực phẩm, đặc biệt là cơ sở bánh kẹo.
Ngày nay nấm móng do Candida còn hay gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Những người có sức đề kháng bình thường thì ít khi bị bệnh ở nhiều móng nhưng với người suy giảm miễn dịch thì không những bị tổn thương nhiều móng mà còn bị nhiễm nấm Candiada ở niêm mạc miệng, họng và có thể ở phủ tạng.
Thời gian điều trị bệnh nấm móng do Candida thường khá dài. Và để việc điều trị mang lại hiệu quả, người bệnh cần cải thiện môi trường làm việc, vệ sinh thường xuyên các ngón tay sau khi làm việc. Các thuốc thường được dùng để điều trị bệnh là kem Lamisil, Nizoral... (bôi tại chỗ) và Fluconazol, Itraconazol hoặc Ketocnazol (uống).
Loại thứ hai của bệnh lý nấm móng là nấm do các loại nấm sợi gây ra. Biểu hiện của loại nấm này khác nấm móng do Candida. Thông thường nấm gây thương tổn ở bờ tự do của móng hoặc cạnh móng.
Móng bị đục, mủn sùi lên và rất dễ gãy. Nấm ăn dần móng từ bờ tự do vào và có thể ăn hết toàn bộ móng, nhưng may mắn là nấm không gây ổn hại mầm móng nên sau khi khỏi móng sẽ mọc ra bình thường. Nấm móng loại này hay do chủng nấm Trichophyton rubrum gây nên và có thể bị nấm ở da vùng lân cận hoặc vùng da khác trên cơ thể. Việc điều trị loại nấm móng này cũng tương tự như điều trị đối với nấm móng do Candida.
Theo chúng tôi bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu, các bác sĩ căn cứ vào kết quả tham khám trực tiếp sẽ chẩn đoán chính xác bệnh và có chỉ dẫn điều trị cho bạn. Bạn nên lưu ý tái khám sau mỗi đợt điều trị để đảm bảo chữa trị bệnh dứt điểm.
Chúc bạn thành công!
Tags:Da Liễu