Câu hỏi:
Tôi hay bị nổi mề đay khắp người, xin cho hỏi là dấu hiệu bệnh gì?
Trả lời:
Chào bạn!
Bạn quan tâm đến vấn đề sức khỏe như vậy rất là tốt. Trước tiên xin cám ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi về cho Edoctor của chúng tôi.
Bác sĩ đã đọc câu hỏi của bạn và giải đáp cho thắc mắc của bạn trong khả năng của mình như sau:
Nguyên nhân gây ra nổi Mề đay
Bệnh mề đay là một dạng dị ứng ngoài da do nhiều nguyên nhân khác nhau từ bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm:
►Do di truyền, chủ yếu là do chứng dị ứng với thời tiết, chính vì vậy nếu gia đình bạn có người mắc bệnh mề đay thì đó có thể là nguyên nhân khiến bạn mắc phải căn bệnh này đấy.
► Do cơ thể có sức đề kháng yếu nên khó có thể chống lại các tác nhân gây bệnh mề đay trong sinh hoạt và tiếp xúc hàng ngày.
► Do sự tác động của yếu tố thời tiết, khí hậu: Bệnh mề đay thường xuất hiện khi thời tiết giao mùa, quá nóng hay quá lạnh, độ ẩm không khí cao, gió lạnh;
► Do cơ thể dị ứng với thức ăn, thực phẩm: Là nguyên nhân thường gặp nhất, phổ biến nhất, bao gồm: tôm, cua, sò, nghêu, ghẹ, cá biển, thịt bò, trứng, sôcôla, phô mai, các loại mắm, tương, chao, rượu, bia, đồ uống có cồn, … thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, chất tạo màu khác, thức ăn cay nóng.
►Do dị ứng với một số thuốc gây nổi mề đay: Đó có thể là thuốc uống, thuốc bôi ngoài da bao gồm: Pennicillin (đây là thuốc dễ gây ra bệnh mề đay nhất nếu cơ thể bị dị ứng), Aspirin, thuốc hạ nhiệt, các chất cản quang có chứa iod (trong chụp khi X – quang), thuốc điều trị cao huyết áp, suy tim, xương khớp, thuốc gây mê, thuốc ngủ, huyết thanh, một số loại vaccin, thuốc ngừa thai… Bệnh mề đay có thể xuất hiện ngay sau lần đầu bạn dùng thuốc hoặc cách đó từ 5-10 ngày.
►Do các loại ký sinh trùng trong cơ thể: Nhiễm giun kim, giun đũa, giun lươn, giun chỉ, sán… gây xuất hiện mề đay và thường tái phát nhiều lần.
► Do sự tác động của yếu tố tâm lý: Căng thẳng, lo âu, stress, xúc động, gắng sức, áp lực cũng là nguyên nhân làm xuất hiện bệnh mề đay.
Điều trị nổi mề đay
Trước tiên cần xác định nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ nguyên nhân gây ra.
Ngoài việc kiêng gió lạnh, kiêng nước, người bị bệnh dị ứng, mề đay, sẩn ngứa da phải tuân thủ theo chế độ ăn như sau:
►Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên. Kiêng những thức ăn gây kích thích như: rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt. Trường hợp đang phù nề, rịn nước thì giảm thức ăn có nhiều nước như: canh, súp; uống ít nước. Kiêng những thức ăn có nhiều đạm: tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, chocolate, trứng, sữa... Nên ăn chế độ có nhiều vitamin A, B, C; ăn các thức dễ tiêu, có tác dụng chống táo bón như: cà chua, cam, chanh, khoai lang, mướp đắng...
►Phát hiện thực phẩm gây nổi mề đay: Cách phát hiện nguyên nhân trong thực phẩm ở người bị dị ứng nổi mề đay mãn tính lẫn cấp tính, bằng chế độ ăn loại trừ: Bắt đầu ăn trong 3 tuần chỉ gồm các loại không có chất dị ứng như: gạo, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, bí, bầu, thịt trừu, thịt bò, cữ rượu. Có thể uống trà, cà phê nhưng không có sữa. Nếu dị ứng mề đay không xuất hiện thì ta bắt đầu ăn thêm từng món nghi ngờ. Ăn đến món nào thấy mề đay nổi lên thì đó là nguyên nhân gây bệnh phải tránh sau này và cứ như thế tiếp tục. Đối với trẻ em, cần ăn chế độ giảm đường, sữa bò đặc, lòng trắng trứng...
►Dùng thuốc bôi ngoài da:
Trường hợp gây ngứa, khó chịu nhiều, có thể dùng giấm thanh pha trong nước ấm (một phần giấm hai phần nước), Mentol 1%, dung dịch Calamine để thoa hay tắm. Tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) thoa vì dễ gây viêm da dị ứng. Mỡ corticoides ít hiệu quả, có thể gây một số tác dụng phụ (nhất là khi thoa trên diện tích quá lớn).
►Dùng thuốc kháng histamin
Thuốc kháng Histamin đường uống là nhóm thuốc ức chế tác dụng của Histamin ở thụ thể H1, được phân thành 2 nhóm: nhóm thế hệ 1 (gây buồn ngủ) và thế hệ 2 (không gây buồn ngủ). Thuốc được chỉ định trong điều trị dị ứng mũi, đặc biệt viêm mũi dị ứng theo mùa (sốt cỏ khô) và viêm mũi vận mạch. Chúng cũng được dùng trong phòng ngừa nổi mề đay, điều trị phát ban mề đay, ngứa, côn trùng đốt và các trường hợp dị ứng thuốc.
►Đi khám bác sỹ
Đối với mày đay mãn tính do thường có liên quan đến các bệnh lý nội khoa nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
Đối với mề đay mãn tính: Do thường có liên quan đến các bệnh lý nội khoa nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
Thân chào bạn!
Tags:Da Liễu