Câu hỏi:
e bị nổi mụn nước ở trên tay,chân,bên trong đùi rất ngứa.e đi khám thì bệnh viện nói bị dị ứng thời tiết.mà cho thuốc uống thì hết.ngừng thuốc 2 ngày là bị lại.bác sĩ cho e hỏi có cách nào khác cho hết ngứa k chứ uống thuốc cả tháng nay rồi.trời lạnh là e bị.mà mới năm nay bị thôi mấy năm trước k bị như vậy.cảm ơn bác sĩ.
Trả lời:
Chào em
Viêm da do dị ứng thời tiết còn gọi là viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm cơ địa, chàm thể tạng. Là bệnh da mạn tính hay gặp ở những người có cơ địa dị ứng, hay bị những bệnh như hen, viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng.
Nguyên nhân của viêm da dị ứng thời tiết mỗi khi trời lạnh là do thời tiết lạnh, độ ẩm cao nên da giảm tiết mồ hôi và chất bã nhờn, chất sừng của da bị mất nước, da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Đối với những người quá mẫn cảm với thời tiết lạnh, protein trong cơ thể biến đổi trở thành chất đối nghịch với cơ thể, mạch máu bị giãn khiến chất huyết tương của máu tràn qua thành mạch xâm nhập vào các mô khiến cơ thể phản ứng bằng cách sản sinh ra chất histamin gây ngứa và sưng nề. Ngứa có thể từ lâm râm đến dữ dội, bệnh nhân gãi làm cho da bị trầy xước, thậm chí còn gây ra những chấm xuất huyết dưới da. Đối với một số người, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng chấm dứt
Rất tiếc hiện nay trên thế giới chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này nên chỉ sử dụng thuốc kháng histamin để điều trị như đơn thuốc bác sĩ kê cho em. Ngứa do thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, không thể chữa khỏi vĩnh viễn.
Để hạn chế sự phát triển bệnh da trong trời rét, các bác sĩ da liễu khuyến cáo bệnh nhân hạn chế gãi, mặc đủ ấm, hạn chế mặc quần áo bằng chất liệu dễ gây kích ứng da, như vải bố, không mặc quần áo quá chật vì gây cọ xát lên da khiến da bị kích thích ngứa. Đặc biệt cần tăng cường uống nước, ăn thêm hoa quả, ít sử dụng chất kích thích. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với chất tẩy rửa nên đeo găng tay. Tắm gội hàng ngày bằng dầu gội và sữa tắm do bác sĩ chuyên khoa chỉ định...
Cần lưu ý là em phải sử dụng các thuốc điều trị theo đúng chỉ dẫn và phương pháp điều trị của bác sĩ. Không nên tự ý dừng thuốc, đổi thuốc để tránh các tác dụng phụ của thuốc hoặc bệnh bị tăng nặng. Mỗi khi bị bệnh nên đi khám bác sĩ để được điều trị, không nên sử dụng đơn thuốc cũ cho những lần sau.
Chúc em khỏe mạnh
Tags:Da LiễuNội Khoa