Câu hỏi:
Chào bác sĩ,
Vừa qua cháu có đi siêu âm tim và phát hiện hở van tim 3 lá nhẹ. Trước đó cháu có chẩn đoán bị nhịp xoang nhanh và block nhánh phải không hoàn toàn.
Nếu cháu hoạt động thể chất nặng và gắng sức trong thơi gian dài thì có làm tình trạng hở van 3 lá nặng hơn không ạ? Với tình trạng của cháu thì định kỳ bao lâu nên đi siêu âm tim lại 1 lần ạ?
3 tình trạng về tim mạch như vậy thì cháu cần lưu ý gì không ạ?
Trả lời:
Chào em, BS rất vui khi được tiếp tục trả lời câu hỏi của em.
Như đã tư vấn, trả lời câu hỏi lần thứ nhất khi em có vấn đề về tim mạch. Hiện tại sau khi đi kiểm tra tim mạch lại, em thắc mắc các vấn đề như sau:
1. Hở van tim 3 lá, đây được coi là hở van sinh lý, rất nhiều người khoẻ mạnh cũng gặp trường hợp nên và bệnh thường ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Chỉ cần tránh lao động thể lực mạnh, tập thể dục vừa sức thì hoàn toàn yên tâm, tình trạng hở van nhẹ có thể ổn định suốt đời mà không ảnh hưởng sức khoẻ.
2. Block nhánh phải không hoàn toàn.
Bình thường tim hoạt động do hệ thần kinh tim điều khiển, bao gồm nhánh trái và nhánh phải. Trong đó nhánh trái chi phối thất trái trực tiếp co bóp tống máu nuôi các cơ quan nên quan trọng hơn nhánh phải.
Khi bị block không hoàn toàn, đồng nghĩa đường dẫn truyền xung điện thần kinh tim bị nghẽn một phần, tuy nhiên block nhánh phải không hoàn toàn cơ bản ít ảnh hưởng sức khoẻ.
3. Nhịp xoang nhanh.
Nhịp tim nhanh do các nguyên nhân chính (do tim, do tuyến nội tiết như bệnh tuyến giáp, thượng thận…; do dùng thuốc hoặc vận động)
Trong trường hợp của em, nên sàng lọc xét nghiệm hormon tuyến giáp, siêu âm tuyến thượng thận, đo huyết áp xem có bất thường không. Nếu kết quả bình thường thì hiện tại điều trị dùng thuốc kiểm soát nhịp tim là chủ yếu kết hợp điều chỉnh lối sống khoa học.
Tóm lại của em, dù hiện tại mắc 3 bệnh lý tim mạch nhưng các bệnh đều nhẹ, ít ảnh hưởng sức khoẻ, chỉ có tình trạng nhịp xoang nhanh sẽ hay gây tức ngực, hồi hộp trống ngực. Do đó em cần được điều trị bởi BS tim mạch giúp nhịp tim về bình thường.
Nếu hoạt động thể chất nặng, gắng sức kéo dài nhiều năm sẽ thúc đẩy nhanh hơn bệnh lý tim mạch, làm các triệu chứng tim mạch sẽ xuất hiện sớm hơn so với em hoạt động vừa sức.
Ngoài ra cần thực hiện lối sống khoa học (giảm ăn mỡ, nội tạng động vật, tăng cường thể dục vừa sức, tránh môn thể thao mạnh và gắng sức; không dùng rượu bia, chất kích thích). Kết hợp siêu âm 06 tháng một lần trong giai đoạn đầu điều trị, khi tình trạng nhịp tim ổn có thể kiểm tra 01 năm/lần (hoặc lâu hơn tuỳ kết quả).
Trên đây là tư vấn với câu hỏi của em, hiện tại chỉ cần kiểm soát được nhịp tim là các triệu chứng của em sẽ hết nên em yên tâm. Nếu cần tư vấn sức khoẻ em có thể đặt lịch hẹn gọi video trên ứng dụng DAI-ICHI CONNECT để BS trao đổi với em.
Chúc em luôn mạnh khoẻ và thành công trong công việc.
Tags:Tim MạchY Học Cổ TruyềnNội Khoa