Câu hỏi:
Bé nhà e 18 tháng , trưa này bé có bị nôn , tối thì bị chảy máu cam . Mấy hôm trước bé có bị ngã ngửa ra sau khá đau . E theo dõi thấy bé vẫn ăn , ngủ và chơi vui . K biết như thế có cần cho bé đi khám k ạ
Trả lời:
Chào chị, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho bác sĩ của Dai-ichi Life Việt Nam. Bác sĩ xin trả lời thắc mắc của mình:
1. Vấn đề hiện tại:
– Bé 18 tháng tuổi, vài hôm trước có bị ngã ngửa đầu ra sau, mẹ có theo dõi thấy bé vẫn ăn ngủ, chơi bình thường.
– Trưa nay bé bị nôn, tối lại chảy máu cam.
– Mẹ đang băn khoăn không biết đây có thể là hậu quả của cú ngã hay chỉ là tình cờ?
2. Phân tích từng triệu chứng của bé:
a. Ngã ngửa ra sau – nguy cơ chấn thương sọ não không?
– Ngã ngửa có nguy cơ va đập vùng chẩm (sau đầu) → đây là vùng tương đối vững, ít tổn thương nặng nếu không có vận tốc cao.
– Nếu sau ngã mà bé tỉnh táo liên tục, không quấy lạ, không nôn nhiều, không co giật, thì khả năng tổn thương nội sọ nặng thấp.
– Tuy nhiên, nôn sau vài ngày, dù chỉ một lần, vẫn cần cân nhắc kỹ nếu kèm thêm dấu hiệu khác (quấy khóc, ngủ li bì, yếu chi, rối loạn đi lại, nhìn lác, nôn vọt…).
b. Nôn – có liên quan đến chấn thương không?
– Nếu chỉ nôn 1 lần, không sốt, vẫn ăn chơi được, có thể do bé:
• Ăn quá no
• Trào ngược
• Do thời tiết nóng bức gây mệt – đầy bụng
• Hoặc cảm nhẹ, viêm dạ dày nhẹ
– Tuy nhiên, nếu nôn vọt, lặp lại, kèm li bì hay thay đổi hành vi thì cần loại trừ chấn thương sọ não muộn.
c. Chảy máu cam – có liên quan cú ngã?
– Máu cam ở trẻ nhỏ rất thường gặp, đặc biệt trong mùa nắng nóng, khi:
• Trẻ thiếu nước
• Không khí khô, điều hòa – quạt nhiều
• Trẻ ngoáy mũi, dị ứng mũi
•. Mặt khác niêm mạc mũi của bé mỏng, nhạy cảm. Và có đám rối Kiesselbach là mạng lưới mạch máu ở phía trước vách ngăn mũi, là vị trí thường gặp nhất của chảy máu mũi
– Nếu máu cam ít, tự cầm, không lặp lại nhiều lần/ngày → thường là lành tính, không liên quan chấn thương.
– Tuy nhiên, nếu chảy máu tái đi tái lại, máu khó cầm, máu kèm bầm da/máu chân răng thì cần tầm soát rối loạn đông máu.
LƯU Ý: nếu bé chảy máu cam không cho bé ngửa đầu ra sau, sẽ làm máu chảy xuống họng, nếu nhiều có thể sặc. Việc ngửa đầu ra sau không có ý nghĩa cầm máu, mà nên:
Để trẻ ngồi thẳng và hơi nghiêng người về phía trước. Không để trẻ nằm ngửa hoặc ngửa đầu ra sau.
Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ép mạnh phần mũi bên chảy máu.
Ép trong khoảng 5 phút.
Nếu tiếp tục chảy máu sau 5 phút, hãy lặp lại phương pháp trên.
3. Xử trí và theo dõi bé:
– Nếu bé chỉ nôn 1 lần, máu cam ít – tự cầm, vẫn ăn chơi bình thường, có thể theo dõi tại nhà thêm 24–48h.
– Giữ cho bé uống đủ nước, môi trường phòng mát – đủ ẩm, nhỏ mũi bằng NaCl 0.9% nếu khô.
– Không cho bé ngoáy mũi hay nằm phòng quá nóng – bí.
– Nếu có bất kỳ biểu hiện lạ như trên, đưa khám ngay để loại trừ tổn thương sau chấn thương hoặc bệnh lý khác.
4. BÁO ĐỘNG ĐỎ NHẬP VIỆN NGAY:
• Nôn lặp lại ≥2 lần/ngày hoặc nôn vọt
• Buồn ngủ nhiều bất thường, lơ mơ, khó đánh thức
• Co giật, sốt cao không hạ
• Mất thăng bằng, bước đi loạng choạng
• Chảy máu cam nhiều, kéo dài >10 phút, hoặc tái phát trong vài ngày liên tục
• Quấy khóc bất thường, đập đầu, gồng người
• Xuất hiện bầm da không rõ nguyên nhân
Khám chuyên khoa nhi thần kinh hoặc nội nhi tổng quát để được theo dõi khi có các dấu hiệu trên.
Nếu cần bác sĩ hỗ trợ tốt hơn chị có thể đăng kí dịch vụ tư vấn chat hoặc video call trên Dai-ichi Connect. Chúc bé luôn khoẻ mạnh và bình an!
Tags:Nội Khoa