Câu hỏi:
Chào mọi người! Bé nhà em được 4 tháng tuổi. Rất hay bị khò khè ngạt mũi, có tiền sử viêm phổi do nhiễm RSV và mới ra viện ngày 27/5 vừa rồi. Khi về bác sĩ có kê betamox cho uống trong vòng 7 ngày để điều trị. Bé bị cả viêm tai giữa ứ mủ. Em mới dừng thuốc ngày 02/ 06 vừa rôi. Hnay lại thấy con khò khè nhiều hơn, có dấu hiệu nghẹt mũi. Em nhỏ nước muối sinh lý 2 lần/ ngày và xịt cá heo cam 3 lần/ngày có hút mũi nhưng không thấy khá hơn. Thời tiết nắng nóng lên bé hay nằm quạt và võng. Đêm ngủ điều hoà 26 độ, nhiệt độ phòng nhiệt kế đo được toàn trên 29 độ.
Em xin phép hỏi làm sao để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi có đờm này cho bé ạ. Có thuốc hay siro gì đặc trị không?
Em cảm ơn ạ
Trả lời:
Chào chị, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho bác sĩ của Dai-ichi Life Việt Nam. Bác sĩ xin trả lời thắc mắc của mình:
1. Vấn đề hiện tại
– Bé 4 tháng tuổi
– Bé tái khò khè, nghẹt mũi sau đợt viêm phổi RSV và viêm tai giữa mủ, mới ngưng thuốc vài ngày.
– Hiện không sốt, nhưng mũi nhiều đờm, khó thở, bú kém, quấy khó ngủ.
– Bé nằm quạt – điều hòa, nhưng nhiệt độ phòng vẫn cao ~29°C, dễ làm khô niêm mạc và kéo dài nghẹt mũi.
2. Giải thích nguyên nhân
– Trẻ 4 tháng tuổi có hệ miễn dịch còn rất non yếu, phần lớn miễn dịch vẫn nhờ vào sữa mẹ => cơ thể bé dễ bị nhiễm mầm bệnh từ môi trường xung quanh. Đồng thời khả năng chống chọi lại với vi sinh vật kém hơn bé lớn hay người trưởng thành.
– Niêm mạc mũi – tai – phổi chưa trưởng thành, dễ bị phù nề, tăng tiết dịch khi viêm → gây nghẹt mũi, khò khè lâu khỏi.
– Nhiễm RSV có thể để lại hậu viêm đường thở kéo dài vài tuần, trẻ dễ tái viêm hoặc tăng phản ứng phế quản.
– Viêm tai giữa ứ mủ làm cản trở dẫn lưu dịch vùng tai – mũi – họng.
– Kết hợp môi trường nóng, khô, nằm quạt/điều hòa không hợp lý → làm trầm trọng thêm tình trạng khò khè, đờm đặc
3. Nguy cơ viêm màng não do viêm tai giữa mủ
– Viêm tai giữa mủ ở trẻ nhỏ nếu không theo dõi sát có thể gây biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp-xe não.
– Cảnh báo: nếu bé sốt cao lại, thóp phồng, lơ mơ, nôn vọt, bỏ bú, co giật → cần đưa đi khám ngay.
– Hiện tại chưa có dấu hiệu nặng, nhưng vẫn cần theo dõi chặt vì bé mới dứt kháng sinh vài ngày.
4. Chế độ ăn uống – nghỉ ngơi
– Tăng cữ bú sữa: bú ít nhưng chia nhỏ cữ để bé không bị sặc khi nghẹt mũi.
– Không ép bú/ăn khi bé mệt, ưu tiên cho bú mẹ để hỗ trợ miễn dịch.
– Cho bé nằm đầu cao nhẹ, massage ngực/lưng giúp thông thoáng đường thở.
– Ngủ phòng yên tĩnh, độ ẩm vừa đủ, tránh gió thẳng từ quạt/điều hòa.
– Nếu bé hay ra mồ hôi, nhớ lau khô và thay áo kịp thời để tránh cảm lạnh.
5. Xịt rửa mũi – vệ sinh môi trường – điều hòa
a. Xịt mũi, hút mũi:
– NaCl 0.9%: nhỏ 4–6 lần/ngày, mỗi bên 2–3 giọt. Sau đó hút mũi nhẹ nhàng nếu bé nghẹt nhiều.
– Xịt cá heo (dung dịch nước biển sâu) nên dùng tối đa 5 ngày, không lạm dụng.
b. Điều hòa – độ ẩm:
– Duy trì nhiệt độ phòng 26–28°C thực tế (dùng nhiệt kế đo trong phòng).
– Tạo ẩm bằng máy phun sương hoặc đặt chậu nước nhỏ trong phòng.
– Tránh để hơi lạnh từ điều hòa/quạt thổi trực tiếp vào bé.
c. Vệ sinh môi trường:
– Phòng thông thoáng, sạch bụi, tránh xịt nước hoa, dầu gió, tinh dầu, xịt phòng, thuốc tẩy gần bé.
– Vệ sinh chăn – gối – võng- ga giường- ga gối mỗi 2–3 ngày.
6. Có thuốc/siro gì đặc trị không?
Ở trẻ <6 tháng, không tự ý dùng siro long đờm, thuốc giảm ho. Chỉ nên dùng khi được bác sĩ kê toa.
Trường hợp bé nghẹt mũi nhẹ, có thể tiếp tục:
• NaCl 0.9%
• Theo dõi sát, ưu tiên xịt rửa – tạo ẩm – dinh dưỡng
Nếu bé vẫn khò khè/viêm tái đi tái lại, bác sĩ có thể cân nhắc làm thêm:
• Soi tai – mũi – họng
• Đánh giá vòi nhĩ
• Chụp Xquang phổi hoặc đo SPO2 nếu nghi tái viêm phổi
7. Dấu hiệu BÁO ĐỘNG ĐỎ cần khám ngay:
– Bé cần khám lại ngay nếu có các dấu hiệu sau:
• Sốt ≥ 38.5°C trở lại
• Bú kém, bỏ bú hoàn toàn
•. Bỏ chơi
•. Quấy khóc
• Thở nhanh, rút lõm ngực, nghe bé thở rít
• Nôn vọt, ngủ li bì, co giật
• Đau tai, tai chảy mủ, bấu tai liên tục
*** Tóm tắt lưu ý chính:
• Trẻ 4 tháng miễn dịch yếu, dễ tái viêm hô hấp sau nhiễm RSV.
• Nghẹt mũi – khò khè có thể do viêm niêm mạc mũi – họng – tai chưa hồi phục hoàn toàn.
• Xịt – hút mũi đúng cách bằng NaCl 0.9% (4–6 lần/ngày), không lạm dụng thuốc xịt.
• Duy trì bú sữa đều, không ép, chia nhỏ cữ, kê cao đầu khi ngủ.
• Phòng ngủ: nhiệt độ thực tế 26–28°C, đủ ẩm, không nằm quạt trực tiếp.
• Theo dõi dấu hiệu nặng: sốt ≥ 38.5°C, bỏ bú, thóp phồng, nôn vọt, co giật → khám ngay.
• Không tự ý dùng siro – thuốc ho khi bé <6 tháng nếu không có chỉ định bác sĩ.
Chúc bé nhanh khoẻ! Nếu cần hỗ trợ tốt hơn mình có thể đăng kí dịch vụ tư vấn chat hoặc video call trên Dai-ichi Connect. Chúc mẹ con bé ngày tốt lành!
Tags:tai mũi họngDinh dưỡngNhi KhoaNội KhoaHô Hấp