Câu hỏi:
Mũi hay bị khô hay bị hắt hơi khi ngửi thấy mùi lạ như thơm quá hoặc mùi khoa chịu .nhờ bác sỹ tư vấn ạ
Trả lời:
Chào chị, cảm ơn chị đã tin tưởng đặt câu hỏi cho Dai-ichi Life Việt Nam. Tình trạng mũi bị khô, hay hắt hơi khi ngửi mùi thơm hoặc mùi khó chịu mà chị đang gặp là một vấn đề rất thường thấy, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, khi cơ thể có nhiều thay đổi về nội tiết, niêm mạc và hệ miễn dịch. Bác sĩ xin được trả lời cụ thể vấn đề của mình như sau:
A. Nguyên nhân có thể gặp ở chị:
1. Viêm mũi dị ứng
Dị ứng với mùi (nước hoa, phấn hoa, lông thú, bụi nhà…)-> niêm mạc phản ứng mạnh: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, khô mũi.
Có thể kèm theo tiền sử hen suyễn, viêm da cơ địa, người thân dị ứng.
2. Viêm mũi vận mạch
Không do dị ứng, nhưng mạch máu mũi phản ứng mạnh với:
• Thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, mùi nồng, căng thẳng cảm xúc.
Hắt hơi, nghẹt mũi lúc nóng lạnh, mùi lạ.
3. Niêm mạc mũi khô do tuổi tác – nội tiết
Ở tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh: hormone estrogen ( hormone nữ) giảm -> niêm mạc teo, khô.
Gây kích ứng nhẹ liên tục, dễ cảm giác “nóng rát trong mũi”.
4. Sống/làm việc trong môi trường lạnh – khô kéo dài
Phòng máy lạnh 24/7, máy hút ẩm, khí hậu hanh khô -> mũi mất lớp nhầy bảo vệ -> dễ bị kích thích.
5. Viêm mũi thuốc
Do một số thuốc xịt mũi co mạch dài ngày -> gây nghẹt – khô mũi mạn tính khi ngưng thuốc.
6. Viêm mũi do nghề nghiệp hoặc tiếp xúc hoá chất
Tiếp xúc lặp lại với mùi mạnh – bụi hóa chất – dung môi công nghiệp (như xịt tóc, mỹ phẩm, bụi công nghiệp, v.v.).
7. Polyp mũi / vẹo vách ngăn mũi / phì đại cuốn mũi
Làm thay đổi luồng khí mũi – tăng vùng niêm mạc bị kích thích với mùi mạnh.
Khám nội soi tai mũi họng mới phát hiện rõ.
8. Ngoài ra một số nguyên nhân ít gặp hơn như bệnh lý toàn thân: Đái tháo đường, suy giáp hoặc thiếu vitamin A….
B. Chị nên khám ở đâu để được kiểm tra kỹ lưỡng?
Để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp, chị nên đến các cơ sở có chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng. Bác sĩ sẽ thăm khám và cho các xét nghiệm cận lâm sàng ví dụ như:
• Nội soi mũi xoang
• Kiểm tra dị ứng (test lẩy da hoặc IgE đặc hiệu)
• Xét nghiệm cơ bản nếu cần phân biệt các nguyên nhân viêm mạn
C. Biện pháp chăm sóc môi trường sống – Giảm tối đa kích ứng mũi
1. Hạn chế tiếp xúc với mùi mạnh, khói, bụi:
• Không nên dùng nước hoa quá nồng, xịt phòng hóa học, sáp thơm.
• Tránh ở gần người hút thuốc hoặc nơi có mùi thức ăn nặng như chiên rán.
2. Giữ không khí trong nhà sạch, đủ ẩm:
• Dùng máy lọc không khí nếu sống ở khu đô thị.
• Đặt chậu nước/máy phun sương để tăng độ ẩm không khí trong phòng điều hòa.
• Mở cửa sổ thông thoáng khi thời tiết cho phép (sáng sớm, tránh giờ cao điểm bụi).
3. Xịt rửa và dưỡng ẩm mũi hằng ngày:
• Dùng nước muối sinh lý 0.9% để làm sạch mũi sáng và tối.
• Có thể dùng thêm xịt mũi nước biển sâu để dưỡng ẩm nhẹ nhàng.
• Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc xịt co mạch kéo dài vì dễ gây viêm mũi do thuốc.
D. Ăn uống thế nào để hỗ trợ đường hô hấp khỏe mạnh?
1. Uống đủ nước (1.5–2 lít/ngày):
Giúp làm loãng chất nhầy, giữ ẩm đường hô hấp tự nhiên.
2. Ăn thực phẩm giàu vitamin chống viêm, chống oxy hóa:
• Vitamin A: gan, cà rốt, rau lá xanh đậm (giúp duy trì lớp biểu mô mũi khỏe mạnh)
• Vitamin C: cam, chanh, quýt, bưởi, ổi, rau ngót, rau muống (tăng đề kháng)
• Vitamin D & kẽm: cá biển, hạt bí, trứng, sữa (hỗ trợ hệ miễn dịch mũi xoang), phơi nắng trước 9 giờ sáng hoặc sau 16 giờ chiều( lý do: Tăng tổng hợp vitamin D tự nhiên. Vitamin D không chỉ tốt cho xương mà còn tăng sức đề kháng niêm mạc hô hấp, giúp ngừa viêm mũi xoang mạn, giảm dị ứng
3. Tránh thực phẩm dễ gây dị ứng – nếu có cơ địa nhạy cảm:
• Hải sản, bột ngọt, đồ ăn đóng gói nhiều phụ gia…
Chăm sóc mũi không chỉ giúp chị “đỡ khó chịu mỗi ngày”, mà còn là cách giữ cho hệ hô hấp – miễn dịch của chị luôn khỏe mạnh và phòng ngừa viêm xoang mạn, viêm mũi dị ứng kéo dài về sau.
Nếu muốn được hỗ trợ tốt hơn chị có thể đặt lịch với bác sĩ trên ứng dụng Dai-ichi Connect với hình thức chat hoặc video. Chúc chị luôn khoẻ mạnh và bình an!
Tags:tai mũi họngNội KhoaHô HấpDị Ứng