eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Trầm cảm

Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi cảm giác buồn chán, bi quan, dễ mệt mỏi, không quan tâm đến bất cứ điều gì kéo dài và cản trở đời sống thường nhật của người bệnh. Các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng đủ để dẫn đến hành vi tiêu cựcnhư tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.

TRIỆU CHỨNG

Bệnh nhân bị các triệu chứng sau đây có thể bị trầm cảm: buồn rầu thường xuyên, khó ngủ, ngủ quá nhiều, không thể tập trung, suy nghĩ tiêu cực không kiểm soát được, không có cảm giác ngon miệng, nóng tính, cảm giác bất lực, uống rượu nhiều hơn, ý nghĩ chán nản, buông xuôi, suy nghĩ tiêu cực, có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm: xét nghiệm chức năng tuyến giáp, điện giải, hoặc chụp cắt lớp vi tính não.

Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bao gồm thuốc chống trầm cảm và/hoặc liệu pháp tâm lý. Nhập viện có thể cần thiết cho các triệu chứng nghiêm trọng và cho những người có ý nghĩ tự tử. Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc thì phương pháp điều trị ECT có thể giúp ích.

Tổng quan

Bệnh trầm cảm không có miễn trừ với bất cứ ai, có thể gặp ở trẻ em, người vị thành niên, người trưởng thành, phụ nữ sau đẻ và cả người có tuổi.

Trầm cảm là cảm giác buồn sâu sắc, có thể xảy ra sau một chuyện buồn hay do các sự cố không vui nhưng mức độ buồn kéo dài quá mức thông thường, không tương ứng với sự cố.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây trầm cảm có thể xếp vào 3 nhóm chính:

  • Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ nguyên nhân): Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và các yếu tố xã hội... nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục.
  • Trầm cảm do stress: Chẳng hạn như khi mất việc làm, mâu thuẫn trong gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột...
  • Trầm cảm do các bệnh thực tổn:
    • Các rối loạn nội tiết:
      • Giảm năng tuyến giáp (hypothyroidism)
      • Bệnh đái đường
      • Hội chứng Cushing
    • Các rối loạn thần kinh:
      • Các tai biến mạch máu não
      • Khối máu tụ dưới màng cứng
      • Bệnh xơ cứng rải rác
      • U não
      • Bệnh Parkinson
      • Bệnh co giật
      • Sa sút trí tuệ

Bệnh trầm cảm được xếp loại nguyên phát nếu các triệu chứng xuất hiện trước và không liên hệ với bất cứ một bệnh nội khoa hoặc tâm thần có ý nghĩa nào khác; được coi là thứ phát khi bệnh trầm cảm xảy ra sau và có liên hệ với một bệnh nội khoa hoặc tâm thần khác.

Nguyên nhân khác
  • Mất ngủ: Là triệu chứng hay gặp nhất. Bệnh nhân có thể mất ngủ đầu giấc (khó vào giấc ngủ), giữa giấc (đang ngủ tỉnh dậy, sau đó rất khó ngủ lại) và cuối giấc (thức giấc sớm, không ngủ lại được). Nếu bệnh nhân thức giấc sớm hơn thường lệ trên 2 giờ thì coi là mất ngủ. Chẳng hạn, bình thường bệnh nhân thức dậy lúc 5 giờ sáng, giờ bệnh nhân thức giấc lúc 2 giờ sáng mà không sao ngủ lại được. Nếu nặng sẽ gây ra mất ngủ toàn bộ.
  • Mệt mỏi: Bệnh nhân thường cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, đặc biệt là vào buổi sáng. Buổi chiều cảm giác mệt mỏi có giảm đi nhưng vẫn còn rất rõ rệt. Chính mệt mỏi là nguyên nhân gây giảm sút khả năng học tập ở bệnh nhân.
  • Chán ăn: Ăn mất ngon, vì vậy bệnh nhân ăn ít, từ đó dẫn đến gầy sút, bệnh nhân không muốn ăn, không có cảm giác thèm ăn. Thông thường, bệnh nhân có thể sút một vài kg mỗi tháng, có những bệnh nhân khi đến khám bác sĩ tâm thần thì đã sút hơn 10kg.
  • Mất mọi quan tâm, hứng thú trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí: Các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chẳng hạn trước đây bệnh nhân thích bóng đá thì giờ chẳng quan tâm đến bóng đá nữa.
  • Cảm giác buồn rầu hoặc bực bội, khó chịu: Nét mặt rầu rĩ, bệnh nhân luôn có cảm giác buồn bã với tất cả mọi việc mà không có cách nào vui lên được. Bệnh nhân luôn cáu gắt với mọi người vì những lý do không đâu.
  • Ý nghĩ chán nản, buông xuôi: Bệnh nhân chán mọi thứ, cho mình là vô dụng, muốn buông xuôi mọi việc. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của bệnh nhân. Nhiều gia đình than phiền rằng bệnh nhân chán nản, muốn bỏ học không lý do, mặc dù trước đó bệnh nhân là một sinh viên rất chăm chỉ, học giỏi.
  • Khó khăn khi tập trung vào một việc gì đó như đọc sách, nghe giảng, xem ti-vi... Bệnh nhân không thể tập trung chú ý vào một việc cụ thể, do đó không thể ghi nhớ được. 
  • Cảm giác bứt rứt, buồn nôn, lo lắng vô cớ: Bệnh nhân khó có thể ngồi yên một chỗ được một lúc. Họ luôn trong tâm trạng lo lắng vô cớ với những lý do không đâu.
  • Thường xuyên có các rối loạn như đau đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi..., vì vậy bệnh nhân thường được đưa đi khám ở bác sĩ thần kinh (đau đầu), tim mạch (đánh trống ngực), tiêu hóa (đau bụng)... nhưng tất cả các khám xét trên đều không chỉ ra một bệnh cụ thể nào. Cũng chính vì đi khám và điều trị nhiều nơi không phải chuyên khoa tâm thần nên bệnh nhân thường đến khám bác sĩ tâm thần ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã trở thành mạn tính, vì vậy việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài hơn.
  • Bệnh nhân từng có ý định muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Chính do các triệu chứng kể trên, bệnh nhân bi quan, chán nản, muốn chết đi cho nhẹ gánh. Do vậy nhiều bệnh nhân có kế hoạch tự tử rõ ràng. Họ thường tìm cách mua thuốc gây độc. Chúng ta không được coi thường triệu chứng này vì bệnh nhân có thể chết do tự tử. Khi có ý định hoặc hành vi tự sát, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại khoa tâm thần càng sớm càng tốt. 
Phòng ngừa

Trị liệu bằng thuốc men không phải là biện pháp duy nhất đối với bệnh trầm cảm. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy nghĩ để tránh bệnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết.

  • Giảm công việc, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, dành nhiều thời giờ đối thoại với người thân để tăng cường hiểu biết và cảm thông.
  • Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ.
  • Tránh lạm dụng cà phê hay rượu chè.
  • Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF, giúp những tế bào thần kinh sống lâu hơn.
Điều trị

Để trị được bệnh trầm cảm, cần thực hiện những việc sau:

  • Tránh cảm giác buồn chán, cố gắng đừng để cho mình quá rảnh rỗi; nên tạo cơ hội cho mình bận rộn bằng việc gia chánh, thêm việc ở cơ quan hoặc học thêm…
  • Nên đi chơi, giải trí với loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích.
  • Đừng bỏ qua cơ hội, nên cố gắng thu xếp tham gia những hoạt động tập thể ở cơ quan để tiếp xúc với đồng nghiệp, tạo niềm vui mới… Trong sinh hoạt cộng đồng, bạn sẽ thấy mình có ích cho người khác, được mọi người quý mến.
  • Trầm cảm nếu được chữa trị sớm và đúng cách thì tỉ lệ bệnh ổn định khá cao (70 - 80%). Trầm cảm không thể chữa khỏi chỉ bằng tập thể dục, thay đổi chế độ ăn hay đi nghỉ ngơi, thư giãn, mà phải kết hợp với việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với liệu pháp tâm lí
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.