eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Thận ứ nước

Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc đường dẫn niệu trong hoặc ngoài thận; nước tiểu sản xuất ra sẽ ứ lại trong thận, khiến cơ quan này to lên. Nguyên nhân của thận ứ nước bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, sỏi thận, phụ nữ mang thai, sa tử cung, tổn thương tủy sống hoặc những khối u...

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng có thể nhẹ hay nặng tùy vào nguyên nhân gây ứ nước và tốc độ phát triển. Triệu chứng có thể bao gồm đau sườn, đau bụng, đau khởi phát ở hông lưng hoặc sườn lưng lan tới háng, buồn nôn, nôn mửa, tiểu nhiều, tiểu đêm, tăng huyết áp,

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ được yêu cầu. Việc chẩn đoán được thực hiện với siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính cung cấp hình ảnh của thận, niệu quản và bàng quang.Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), chụp cắt lớp vi tính (CT Scan),siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, cấy nước tiểu.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị tùy thuộc vào lượng ứ nước, sự ảnh hưởng đến chức năng thận và nguyên nhân cơ bản của sự ứ nước, tập trung vào việc loại bỏ tắc nghẽn niệu quản. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đặt một stent vào niệu quản đi qua các vật cản và thông dòng nước tiểu chảy từ thận xuống để ra ngoài hoặc thực hiện gắn một ống soi thận qua da.

Tổng quan
  • Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc đường dẫn niệu trong hoặc ngoài thận; nước tiểu sản xuất ra sẽ ứ lại trong thận, khiến cơ quan này to lên. Bệnh thường gây tăng huyết áp, suy thận cấp và mạn tính.
  • Thận ứ nước là một bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ở trẻ sơ sinh, đây thường là nguyên nhân gây khối u ở bụng. Từ tuổi trung niên trở lên, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, chủ yếu do thai sản và ung thư tử cung.
  • Thận ứ nước là tổn thương làm cho thận bị giãn và sưng to. Ứ nước có thể chỉ ở một bên hoặc ở cả hai bên thận. Bệnh có thể gây suy giảm chức năng thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào thận. Các tổn thương này có thể hồi phục nhanh nếu thận hết ứ nước. Trái lại, nếu thận ứ nước kéo dài nhiều tuần, tổn thương là vĩnh viễn.
Nguyên nhân

Các bệnh gây ứ nước ở thận

  • Có nhiều bệnh là nguyên nhân gây ứ nước ở thận: sỏi thận gây tắc nghẽn niệu quản; nếu là sỏi nhỏ, nó di chuyển từ thận xuống bàng quang, nhưng nếu hòn sỏi quá to sẽ gây tắc nghẽn niệu quản, làm cho nước tiểu lên trên chỗ tắc; trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản bị tắc, không xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, giãn to. Niệu quản bị hẹp do vết sẹo mổ lấy sỏi thận trước đó cũng gây tắc nghẽn làm thận ứ nước.
  • Ung thư bàng quang, sỏi bàng quang, cổ bàng quang co bất thường cũng gây tắc nghẽn lối nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo, kết quả là nước tiểu ứ lại từ bàng quang, làm thận bị ứ nước. Niệu đạo hẹp do bị viêm nhiễm, do sỏi cũng gây ứ nước thận.
  • Các khối u từ bên ngoài đường tiết niệu chèn ép niệu quản và ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, phụ nữ mang thai, sa tử cung... Rối loạn chức năng bàng quang do u não, tổn thương tủy sống hoặc những khối u, bệnh đa xơ cứng và bệnh đái tháo đường... gây trào ngược bàng quang niệu quản làm thận ứ nước.
Nguyên nhân khác
  • Nếu thận bị ứ nước cấp tính, người bệnh thường có các triệu chứng: đau bụng do sỏi thận di chuyển xuống niệu quản cọ xát gây đau, hoặc viên sỏi mắc kẹt tại chỗ niệu quản bị hẹp gây đau. Đau khởi phát ở hông lưng hoặc sườn lưng lan tới háng, kèm theo nôn, buồn nôn và vã mồ hôi. Đau từng cơn, đau nhiều làm cho bệnh nhân quằn quại hoặc cuộn người vì đau đớn. Có thể có máu trong nước tiểu.
  • Trường hợp thận ứ nước mạn tính, thận giãn to dần trong thời gian dài và có thể không có triệu chứng gì. Nếu có các khối u ở xương chậu hoặc bàng quang gây chèn ép phát triển âm thầm, bệnh nhân có thể có các triệu chứng suy thận: mệt mỏi, buồn nôn và nôn do rối loạn các chất điện giải natri, kali, canxi, bệnh nhân còn bị rối loạn nhịp tim, co thắt cơ bắp.
  • Xét nghiệm có thể được yêu cầu là: xét nghiệm nước tiểu để phát hiện máu, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn hay các tế bào ung thư. Chụp cắt lớp thấy thận bị ứ nước, phát hiện thấy sỏi. Siêu âm thấy thận bị ứ nước.
  • Rối loạn khả năng cô đặc nước tiểu (tiểu nhiều, tiểu đêm, có khi 3-4 lít/ngày) là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị thận ứ nước dài ngày.
  • Khoảng 30% bệnh nhân bị tăng huyết áp. Huyết áp tăng nhẹ hoặc trung bình và trở về bình thường sau khoảng 1 tuần. Thận ứ nước một bên thường không gây tăng huyết áp; nhưng cũng có trường hợp huyết áp tăng cao, phải cắt bỏ thận mới điều chỉnh được. Nếu tắc nghẽn cả 2 bên thận thì thường có tăng huyết áp khi thận ứ nước dài ngày.
Phòng ngừa

Loại bỏ sỏi bằng cách uống đủ nước mỗi ngày. Giữ gìn vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, cụ thể: tình dục an toàn, dùng nước sạch để vệ sinh, phụ nữ cần lau rửa theo chiều từ trước ra sau.

Điều trị
  • Khi bị thận ứ nước, bệnh nhân không nên quá lo lắng bi quan, trái lại cần phải bình tĩnh lạc quan để loại bỏ bệnh tật. Cơ sở của sự lạc quan đó là: khoa học ngày nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh thận ứ nước mà bệnh nhân có thể được chữa khỏi bệnh. Mục tiêu điều trị là thông lại dòng chảy tự do của nước tiểu từ thận xuống bàng quang và ra ngoài; làm giảm sưng và giảm áp lực để ngăn chặn suy giảm chức năng thận. Bệnh nhân cần được giảm thiểu đau đớn và ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiểu.
  • Phẫu thuật để lấy sỏi niệu quản, loại bỏ khối u gây tắc nghẽn niệu quản. Nhiều trường hợp bệnh nhân có thể được tán sỏi bằng tia laser mà không cần phải mổ.
  • Sóng xung kích bắn vào viên sỏi làm nó vỡ ra nhiều mảnh nhỏ, những mảnh này có thể đi qua đường tiết niệu trong nước tiểu. Nếu bệnh nhân bị bí tiểu và bàng quang mở rộng là nguyên nhân gây ứ nước, có thể đặt ống thông bàng quang để tháo nước tiểu, giảm áp lực nước tiểu cho thận và giảm đau cho bệnh nhân.
  • Các bệnh nhân bị hẹp niệu quản hay sỏi niệu quản khó loại bỏ, bác sĩ có thể đặt một stent vào niệu quản đi qua các vật cản và thông dòng nước tiểu chảy từ thận xuống để ra ngoài.
  • Nếu không đặt được stent, biện pháp thay thế là gắn một ống soi thận qua da. Kỹ thuật này là đặt một ống thông qua các khe gian sườn trực tiếp vào thận để tháo nước tiểu ra ngoài, làm cho thận hết bị giãn căng và giảm đau cho bệnh nhân.

Theo dõi và xử lý:

  • Giãn nhẹ đài thận (dA-P< 5mm): có thể tự hồi phục, theo dõi bằng siêu âm 6 tháng/lần.
  • Thận ứ nước độ 1-2 (dA-P 10-15mm): theo dõi qua siêu âm 3 tháng/lần, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Bệnh có thể giảm độ nhưng cũng có thể tăng lên độ 3-4.
  • Thận ứ nước độ 3-4: bắt buộc phải tìm nguyên nhân để can thiệp sớm, tránh biến chứng suy thận. Bệnh nhân phải được siêu âm, đánh giá chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, xạ hình thận. Chụp UIV, UCR, CT để đánh giá tình trạng suy thận (nếu có) và tìm nguyên nhân gây tắc nghẽn để can thiệp sớm.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.