eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Sốt thấp khớp

Sốt thấp khớp hay thấp tim là một bệnh viêm dị ứng xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus A) gây tổn thương tại tổ chức liên kết trong cơ thể theo cơ chế miễn dịch dị ứng mà chủ yếu là tim, khớp, thần kinh trung ương và tổ chức dưới da và chỉ để lại di chứng ở tim. Thấp tim gây tổn thương nặng nề tới cơ tim và van tim nên nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim.Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 6-15 tuổi, nhưng không ít trường hợp xảy ra ở lứa tuổi 20 hoặc hơn nữa.

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng, bao gồm: sốt, đau khớp, đỏ khớp, ấm khớp, đau ngực, nhịp tim nhanh, mệt mỏi và khó thở.

CHẨN ĐOÁN

Thực hiện hỏi bệnh sử và khám thực thể với sự kiểm tra chặt chẽ đến tim, da, và các khớp. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng do khuẩn liên cầu trong thời giangần đấy thì xác suất bị mắc bệnh sẽ cao hơn.

Các xét nghiệm có thể bao gồm: siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm ASO(đo lượng antistreptolysin O trong máu), xét nghiệm máu toàn bộ (thử máu), điện tâm đồ (EKG), và xét nghiệm tốc độ lắng của hồng cầu (ESR).

ĐIỀU TRỊ

Nếu bạn được chẩn đoán bị bệnh sốt thấp khớp cấp tính, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh để loại bỏ ngay sự nhiễm liên cầu. Thuốc chống viêm như aspirin hoặc các corticosteroid làm giảm viêm đều có thể được chỉ định. Bạn có thể phải dùng liều thấp thuốc kháng sinh (như penicillin, sulfadiazine, hoặc erythromycin) dài hạn để ngăn chặn sốt thấp khớp trở lại. Để ngăn chặn căn bệnh này, điều quan trọng là phải sử dụng đủ liều tất cả các loại thuốc kháng sinh quy định đối với nhiễm trùng do khuẩn liên cầu.

Tổng quan

Thấp khớp cấp hay còn gọi là thấp tim hoặc sốt thấp khớp (rheumatic fever) được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo.

Thấp tim là một bệnh viêm dị ứng xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết β nhóm A (Streptococcus A) gây tổn thương tại tổ chức liên kết trong cơ thể theo cơ chế miễn dịch dị ứng mà chủ yếu là tim, khớp, thần kinh trung ương và tổ chức dưới da và chỉ để lại di chứng ở tim. Thấp tim gây tổn thương nặng nề tới cơ tim và van tim, do đó việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Liên cầu khuẩn nhóm A có thể khu trú ở đường hô hấp trên hoặc trên da, nhiễm liên cầu ngoài da hay gây viêm cầu thận mà thường ít khi gây thấp tim. Thấp tim chiếm 2-3% trong nhiễm liên cầu nhóm A mà không được điều trị triệt để sẽ tiến triển thành thấp tim và có khoảng 50% số bệnh nhân đã bị thấp tim sẽ lại tái phát. Hiện nay thấp tim đã hầu như không còn ở miền Bắc Châu Âu, nhưng vẫn còn rải rác xung quanh Địa Trung Hải và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi.

Đến nay đã có những bằng chứng rõ rệt về sự liên quan giữa liên cầu khuẩn tan máu β nhóm A gây ra bệnh cảnh thấp tim là thường có những đợt viêm nhiễm đường hô hấp trên, trước đó khoảng 3-4 tuần. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khi đã biểu hiện rõ của bệnh thấp tim mà không thấy rõ triệu chứng nhiễm liên cầu khuẩn trước đó. Triệu chứng của bệnh không do vi khuẩn gây ra mà do đáp ứng miễn dịch quá mức của cơ thể đối với kháng nguyên gây bệnh.

Cho tới nay, bệnh vẫn khá thường gặp ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 6-15 tuổi, nhưng không ít trường hợp xảy ra ở lứa tuổi 20 hoặc hơn nữa.

Nguyên nhân
  • Sốt thấp khớp có thể xảy ra sau một bệnh nhiễm khuẩn vùng họng với loại vi khuẩn có tên Streptococcus pyogenes, hoặc liên cầu nhóm A. Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A họng gây viêm họng, ít khi có ban đỏ. Nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A của da hoặc các bộ phận khác của cơ thể ít khi gây sốt thấp khớp.
  • Vẫn chưa rõ mối liên quan chính xác giữa bệnh thấp khớp và sốt, nhưng có xuất hiện vi khuẩn này trong hệ miễn dịch. Các liên cầu khuẩn có chứa một protein tương tự như tại một số mô của cơ thể. Do đó, hệ miễn dịch tế bào bình thường nhắm tới vi khuẩn có thể tiêu diệt các mô của cơ thể- đặc biệt là mô của tim, khớp, da và hệ thần kinh trung ương. Hệ miễn dịch phản ứng trong tình trạng viêm.
  • Nếu được điều trị kịp thời và đầy đủ bằng thuốc kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn theo chỉ định sẽ ít hoặc không có nguy cơ phát triển sốt thấp khớp. Nếu có một hoặc nhiều đợt viêm họng hoặc sốt phát ban mà không điều trị hoặc không được điều trị hoàn toàn, người đó có thể phát triển sốt thấp khớp.
Nguyên nhân khác

Viêm tim:

  • Viêm tim là một biểu hiện bệnh lý nặng của thấp khớp cấp và khá đặc hiệu. Có khoảng 41-83% số bệnh nhân thấp khớp cấp có biểu hiện viêm tim. Các biểu hiện của viêm tim có thể là viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim.
  • Viêm tim có thể biểu hiện từ thể không có triệu chứng gì đến các dấu hiệu suy tim cấp nặng hoặc tử vong.
  • Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là: tăng nhịp tim, tiếng thổi tâm thu, tiếng thổi tâm trương, tiếng rung tâm trương, rối loạn nhịp, tiếng cọ màng tim, suy tim…
  • Suy tim thường ít gặp ở giai đoạn cấp, nhưng nếu gặp thì thường là biểu hiện nặng do viêm cơ tim.
  • Một trong những biểu hiện phải chú ý và là biến chứng nặng của thấp khớp cấp là viêm van tim. Hở van hai lá là một trong những biểu hiện thường gặp nhất, trong khi hở van động mạch chủ ít gặp hơn và thường kèm theo hở van hai lá.
  • Viêm màng ngoài tim có thể gây đau ngực, tiếng cọ màng tim, tiếng tim mờ…

Viêm khớp:

  • Viêm khớp là một biểu hiện hay gặp nhất trong thấp khớp cấp (80%) nhưng lại ít đặc hiệu.
  • Biểu hiện của viêm khớp là sưng, nóng, đỏ, đau khớp, xuất hiện ở các khớp lớn (gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu, vai...) và có tính chất di chuyển
  • Viêm khớp đáp ứng rất tốt với Salycilate hoặc Corticoid trong vòng 48 giờ. Nếu trong trường hợp đã cho Salycilate đầy đủ mà trong vòng 48 giờ viêm khớp không thuyên giảm thì phải nghĩ tới nguyên nhân khác ngoài thấp khớp cấp.
  • Viêm khớp do thấp khớp cấp thường không bao giờ để lại di chứng ở khớp.

Múa giật Sydenham:

  • Đây là biểu hiện của tổn thương ngoại tháp và khá đặc hiệu cho thấp khớp cấp.
  • Các biểu hiện là những động tác vận động không mục đích và không tự chủ ở các cơ mặt, chi; giảm trương lực cơ.
  • Các biểu hiện ban đầu có thể là khó viết, khó nói hoặc đi lại.
  • Các biểu hiện này thường rõ khi bệnh nhân bị xúc động hoặc thức tỉnh và mất đi khi bệnh nhân ngủ.
  • Múa giật Sydenham là một trong những biểu hiện muộn của thấp khớp cấp, nó thường xuất hiện sau khoảng 3 tháng sau khi viêm đường hô hấp trên. Múa giật Sydenham thường biểu hiện đơn độc trong thấp khớp cấp và gặp ở khoảng 30%. Triệu chứng này thường mất đi sau 2-3 tháng.
  • Cần phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như động kinh, rối loạn hành vi tác phong...

Nốt dưới da:

  • Đó là những nốt có đường kính khoảng 0,5-2 cm, cứng, không đau, di động và thường xuất hiện ngay trên các khớp lớn hoặc quanh các khớp. Nốt dưới da có thể gặp ở khoảng 20% số bệnh nhân bị thấp khớp cấp và thờng biến mất sau khoảng vài ngày.
  • Da ở trên nốt này thường vẫn di động bình thường và không có biểu hiện viêm ở trên.

Hồng ban vòng:

  • Đây là một loại ban trên da, có màu hồng và khoảng nhạt màu ở giữa tạo thành ban vòng. thường không hoại tử và có xu hướng mất đi sau vài ngày.
  • Hồng ban vòng là một dấu hiệu khá đặc hiệu trong thấp khớp cấp và ít gặp (5%), thường chỉ gặp ở những bệnh nhân có da mịn và sáng màu. Hồng ban vòng thường xuất hiện ở thân mình, bụng, mặt trong cánh tay, đùi và không bao giờ ở mặt.
  • Khi có hồng ban vòng thì thường có kèm theo viêm cơ tim.

Các dấu hiệu phụ:

  • Sốt thường xảy ra trong giai đoạn cấp.
  • Đau khớp được xác định là chỉ đau khớp chứ không có viêm (sưng, nóng, đỏ).
  • Ngoài ra, có thể gặp các biểu hiện như đau bụng, viêm cầu thận cấp, viêm phổi cấp do thấp khớp cấp, đái máu, hoặc viêm màng não… Đây là những dấu hiệu không có trong tiêu chuẩn chẩn đoán thấp khớp cấp.
Phòng ngừa

Cách duy nhất đượcbiết để ngăn ngừa sốt thấp khớp (thấp tim) là điều trị nhiễm trùng viêm họnghoặc sốt kịp thời với đầy đủ các loại thuốc kháng sinh thích hợp.

Điều trị

Điều trị đợt cấp. Một khi đã có chẩn đoán xác định thấp khớp cấp thì các biện pháp sau là cần thiết:

  • Loại bỏ ngay sự nhiễm liên cầu: bằng thuốc thuốc kháng sinh thích hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Chế độ phòng bệnh cho thấp khớp cấp: Bệnh nhân cần được bác sĩ khám và chỉ định các biện pháp phòng thấp theo hai cấp độ:
    • Phòng thấp cấp I
    • Phòng thấp cấp II
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.