eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Sâu răng

Sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc của răng. Sâu răng thường được gây ra bởi vi khuẩn trong miệng và là hậu quả của vệ sinh răng miệng kém. Sâu răng có thể mang tính chất gia đình và thường gặp hơn ở những người có bị khô miệng (như hội chứng Sjogren).

TRIỆU CHỨNG

Đau răng; Đau hàm; Đau mặt; Răng có lỗ sâu; Răng nhạy cảm; Sưng nướu

CHẨN ĐOÁN

Tia X quang thường được dùng để kiểm tra những vùng răng khó nhìn thấy hơn và để đánh giá mức độ tổn thương của răng.

ĐIỀU TRỊ

Các lỗ sâu của răng vĩnh viễn cần được làm sạch hết ngà mủn và trám bằng vật liệu amalgam, composite, xi măng glassionomer...

Tổng quan

Ngày nay, những tiến bộ về y học và những biện pháp phòng ngừa, chăm sóc sức răng miệng đã được áp dụng rộng rãi, nhưng bệnh sâu răng vẫn còn phổ biến và số người mắc bệnh vẫn chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam có tới 90% dân số mắc bệnh sâu răng.

  • Sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc của răng. Nếu không được chữa trị, bệnh này có thể dẫn đến đau răng, rụng răng, nhiễm trùng, và tử vong đối với những ca nặng.
  • Bệnh sâu răng do một số loại vi khuẩn tạo axit gây ra (cụ thể là các loài Lactobacillus, Streptococcus mutan, và các loài Actinomyces). Các vi khuẩn này gây tổn thương cho răng trong môi trường có các carbohydrate lên men được, ví dụ như các loại đường sucrose, fructose, và glucose.
  • Có nhiều cách phân loại các dạng sâu răng. Tuy rằng thể hiện có thể khác nhau, các yếu tố nguy cơ và sự tiến triển của các dạng sâu răng khác nhau vẫn hầu như là tương tự nhau.
  • Ban đầu, bệnh có thể biểu hiện ở một vùng nhỏ có độ xốp, cuối cùng phát triển thành một lỗ hổng lớn mầu nâu. Người ta có thể trực tiếp nhìn thấy vùng bị sâu, nhưng tia X quang thường được dùng để kiểm tra những vùng răng khó nhìn thấy hơn và để đánh giá mức độ tổn thương của răng.
  • Tùy theo mức độ tổn thương của răng, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau để khôi phục tình trạng của răng để có được hình dáng, chức năng và thẩm mỹ thích hợp.
Nguyên nhân

Sâu răng được coi là bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, nguyên nhân chính bao gồm vi khuẩn thường xuyên có trong miệng, trong đó Streptococcus mutans là thủ phạm chính. Đồng thời chất bột và đường dính vào răng sau ăn sẽ lên men và biến thành acid do tác động của vi khuẩn.

Vi khuẩn và mảng bám răng: Mảng bám răng là một màng mỏng bám trên bề mặt răng có chứa nhiều vi khuẩn (trong đó chủng vi khuẩn Streptococcus mutans chiếm đến 95%). Các acid sinh ra từ các chất có trên mảng bám có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng.

Trong môi trường miệng răng được bao phủ bởi lớp màng dính glycoprotein có nguồn gốc từ nước bọt. Sau 2 giờ, các cầu khuẩn bắt đầu bám trên màng dính. Sau 24 giờ, có tới 95% các chủng vi khuẩn nuôi cấy được trên mảng bám. Các vi khuẩn thường xếp song song hoặc theo kiểu hàng rào bắt đầu từ lớp sâu của mảng bám, bao gồm cầu khuẩn, trực khuẩn, xoắn khuẩn và vi khuẩn sợi.

Các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy Streptococcus mutans là chủng vi khuẩn có khả năng gây sâu răng cao nhất. Các chất đường từ thức ăn nhanh chóng khuyếch tán vào mảng bám được vi khuẩn chuyển hóa thành acid (chủ yếu là acid lactic, ngoài ra còn có acid acetic và acid propionic). pH mảng bám có thể giảm xuống rất thấp sau 10 phút ăn đường, mật độ tập trung cao của vi khuẩn trên mảng bám có vai trò quan trọng trong hiện tượng giảm nhanh chóng pH mảng bám.

Sau khoảng 30-60 phút, pH mảng bám quay về pH ban đầu do sự khuyếch tán của đường và các acid mảng bám ra môi trường miệng và sự khuyếch tán của các ion đệm từ nước bọt vào mảng bám. Các ion chất đệm này có vai trò hòa loãng và trung hòa acid trong mảng bám. Nếu pH của mảng bám <5,5 thì sẽ gây ra hiện tượng mất khoáng men răng, đây là yếu tố khởi đầu cho sâu răng.

Vai trò của đường

Sự lên men đường có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng. Các loại carbohydrate khác nhau có đặc tính gây sâu răng khác nhau. Sucrose (đường mía) có khả năng gây sâu răng cao hơn các loại đường khác.

Đường trong chế độ ăn được chia làm 2 loại: đường nội sinh (đường trong hoa quả và rau) và đường ngoại sinh (đường bổ sung, nước quả tổng hợp, sữa). Đường ngoại sinh có khả năng gây bệnh cao hơn do vậy nên giảm đường ngoại sinh trong chế độ ăn.

Các nghiên cứu cho thấy sự liên quan trực tiếp giữa chế độ ăn đường và tỷ lệ bệnh sâu răng phụ thuộc vào cách thức và tần suất ăn đường hơn là tổng lượng đường tiêu thụ của mỗi cá thể. Nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn ở những cá thể ăn đường giữa các bữa ăn và ở những cá thể hay ăn các loại đường dính trên bề mặt răng.

Nguyên nhân khác
  • Khi chưa thấy lỗ sâu: thấy đốm trắng đục, mờ như phấn (khi thổi khô răng), chưa có lỗ sâu. Ở giai đoạn này, bệnh nhân không phát hiện được bệnh sâu răng. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các biện pháp vệ sinh răng miệng và phòng ngừa vẫn còn hiệu quả.
  • Nhìn thấy lỗ sâu: Thường là thương tổn men và ngà răng. Nếu dùng dụng cụ nạo ngà, lấy hết vụn bẩn thức ăn trong lỗ sâu, sẽ thấy đáy lỗ sâu rộng hơn miệng lỗ. Cần lưu ý: khi đã nhìn thấy lỗ sâu trên bề mặt thân răng, thì đây là giai đoạn muộn của quá trình bệnh sâu răng, cần phải chữa trị kịp thời để tránh gây những hậu quả nghiêm trọng.
  • Đau buốt thoáng qua khi có kích thích: Khi có kích thích tác động lên răng như thức ăn lọt vào lỗ sâu, khi ăn thức ăn hay uống nóng, lạnh, ngọt..., bệnh nhân sẽ đau buốt; khi loại bỏ các tác nhân kích thích thì sẽ hết đau. Ở giai đoạn này, đã có có triệu chứng của viêm tủy có khả năng hồi phục.
  • Nếu thấy răng có lỗ sâu và có những cơn đau tự phát, đau thành cơn kéo dài nhiều phút rồi dịu dần thì đó là dấu hiệu nhiễm trùng tủy răng. Lúc này, cần phải có sự can thiệp kịp thời của bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt.
Phòng ngừa

Ăn uống theo những khuyến cáo sau đây:

  • Chỉ ăn đường dưới 500g/người/tháng sẽ giảm đáng kể nguy cơ sâu răng. Chất ngọt thay thế đường loại ngọt đậm và xylitol không gây sâu răng. Các loại ít ngọt tuy bị vi khuẩn trong miệng chuyển hoá nhưng với tốc độ rất chậm nên có thể xem là an toàn. Tương lai, thuốc dùng cho trẻ em cũng dùng các chất ngọt thay thế đường sẽ giảm tỷ lệ sâu răng cho trẻ.
  • Thức ăn giàu canxi, vitamin D có trong sữa, rau quả xanh, cá, phomat... giúp chống mòn răng, rụng răng và loãng xương ở người cao tuổi. Phomat rất giàu chất canxi, khi ăn phomat chất canxi bám vào bề mặt răng có tác dụng phục hồi bề mặt răng chống lại sự tấn công của a-xít rất hiệu quả. Vì vậy, thói quen ăn phomat là một thói quen góp phần có lợi ích bảo vệ răng.
  • Các loại rau quả không gây hại cho răng gồm: rau xanh các loại, dưa chuột, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, cà tím, củ cải, cà rốt, mướp, dưa gang… giúp làm sạch răng và loại bỏ mảng bám. Nên ăn 200g/bữa và ăn đều đặn hàng ngày.
    Tuy nhiên, có những rau quả gây hại cho răng như: chuối, chà là, nho, cà chua, đậu hà lan, quả sung, táo ngọt, lựu, cam, quýt, quất, me chua, sấu, tầm duột... do chứa nhiều carbohydrat hoặc a-xít ăn mòn răng. Vì vậy, chúng ta nên dùng xen kẽ loại rau quả gây sâu răng với loại không gây sâu răng thì vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa phòng ngừa được sâu răng. 
    Để hạn chế tối đa quá trình ăn mòn răng, cần hạn chế số lượng và số lần uống nước có ga.

Giữ vệ sinh răng miệng

  • Nên súc miệng ngay sau khi ăn hay uống đồ ngọt. Chải răng mỗi ngày 2 - 3 lần, tốt nhất là buổi sáng khi thức dậy, sau các bữa và trước khi đi ngủ. Nên dùng kem đánh răng có fluor.
  • Lưu ý không nên đánh răng ngay sau khi ăn và uống nước trái cây, vì khi đó lớp men răng đang mềm hơn do tác dụng của a-xít hữu cơ trái cây, bàn chải sẽ mài mòn men răng. Đợi khoảng 30 phút sau để nước bọt có thời gian phục hồi và cân bằng chất khoáng của răng rồi hãy chải răng.
  • Không nên cho trẻ uống nước hoa quả bằng bình vì sẽ kéo dài thời gian răng của bé tiếp xúc với đường và các a-xít từ hoa quả. Không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt.
Điều trị
  • Các lỗ sâu của răng vĩnh viễn cần được làm sạch hết ngà mủn và trám bằng vật liệu amalgam, composite, xi măng glassionomer; răng sữa có thể trám bằng xi măng glassionomer, xi măng sứ và xi măng phosphat.
  • Những lỗ sâu lớn có thể được hồi phục bằng inlay hoặc onlay kim loại hoặc sứ, răng vỡ lớn nên được bọc bằng chụp kim loại hoặc chụp sứ. Răng tổn thương tủy cần được điều trị tủy rồi phục hồi răng.
  • Hậu quả của sâu răng là sẽ dẫn đến viêm tủy răng, tủy chết, viêm quanh cuống răng, áp xe quanh cuống răng, vỡ răng, giảm thẩm mỹ, hôi miệng... Tuy nhiên, nếu răng được điều trị đúng kỹ thuật thì hoàn toàn có thể sử dụng như các răng bình thường khác.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.