eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Đục thủy tinh thể

Ở mắt bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc. Thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét.

Đục thủy tinh thể là khi thủy tinh thể bị che mờ làm giảm tầm nhìn. Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới. Chấn thương mắt hoặc những bất thường mắt bẩm sinh có thể gây đục thủy tinh thể.

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng khả năng phát triển của đục thủy tinh thể: hút thuốc lá, thuốc steroid, bệnh tiểu đường, huyết áp cao, nghiện rượu, tiếp xúc với ánh nắng mà không đeo kính, béo phì, chấn thương mắt trước đó hoặc các bệnh về mắt.

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng thường xuất hiện từ từ và bao gồm: Giảm thị lực; Tầm nhìn bị che khuất; Nhạy cảm với ánh sáng; Khó nhìn thấy vào ban đêm; Nhìn đôi ở một bên mắt.

CHẨN ĐOÁN

Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Sử dụng ánh sáng và độ phóng đại để kiểm tra mắt, giãn mắt.

ĐIỀU TRỊ

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.

Tổng quan

Thủy tinh thể là cấu trúc trong mắt có chức năng như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là lớp nhận cảm ánh sáng và gởi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc. Thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét.

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể cản ánh sáng đến võng mạc và giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Dù nhiều người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt nhưng bệnh không lây từ mắt này qua mắt kia.

Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam nếu không được phẫu thuật sẽ dẫn đến mù hoàn toàn làm tăng gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguyên nhân

Nguyên nhân thường gặp nhất là do lão hóa. Các yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể có thể là hút thuốc, tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường), môi trường sống quá nhiều nắng.

Nguyên nhân khác
  • Thị lực giảm: Trẻ thường quờ quạng, nếu lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt. Thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thủy tinh thể.
  • Lóa mắt: Đục thủy tinh thể bắt đầu thường gây loá mắt với ánh sáng, nhìn thấy “hào quang” xung quanh đèn, nhìn mờ hơn nơi râm mát và ban đêm, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thủy tinh thể dưới bao sau.
  • Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt.
  • Nhìn đôi hoặc nhìn thấy nhiều hình cùng một lúc, nhìn như qua sương mù… tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thủy tinh thể bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó. Những triệu chứng này có thể cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác tại mắt. Nếu bệnh nhân có những triệu chứng này thì nên đến bác sĩ mắt để được khám và tư vấn.
  • Khi đục thủy tinh thể ít, có thể người bệnh không nhận ra thị lực có thay đổi hay không. Nhưng đục tiến triển từ từ thì thị lực kém dần. Một số người có đục thủy tinh thể nhận thấy rằng thị lực nhìn gần/ đọc sách trở nên tốt hơn, nhưng chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể phát triển nhiều hơn.
Phòng ngừa

Việc điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

  • Khám mắt thường xuyên. Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Đeo kính râm. Ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính mát chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành đục thủy tinh thể. Chế độ ăn giàu chất chống ôxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Nên chọn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây và rau quả. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene giúp ‘dọn dẹp’ tốt các gốc tự do – một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một a-xít amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh.
  • Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh như suy giáp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu…..
  • Nếu làm việc trong phòng có máy lạnh, phải dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, mỗi giờ nên nhắm mắt khoảng 2 phút, ra ngoài hít thở khí trời. Trong văn phòng nên có cây xanh để không khí được lọc trong lành.
Điều trị

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.

Phẫu thuật:

  • Phương pháp này được được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 – 4 tuần.
  • Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.
  • Chủ yếu có hai cách lấy thủy tinh thể. Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể hai cách phẫu thuật khác nhau như thế nào và giúp bạn quyết định cách tốt nhất:
    • Phương pháp nhũ tương hóa thủy tinh thể hay phaco: Tạo một đường rạch nhỏ ở một bên giác mạc (giác mạc là cái vòm trong suốt che phủ phía trước tròng đen). Sau đó đưa một thiết bị nhỏ vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm và phân thành những mảnh nhỏ, do đó có thể hút ra. Hiện nay hầu hết phẫu thuật lấy thủy tinh thể được thực hiện bằng phương pháp phaco, còn gọi là phẫu thuật đường rạch nhỏ.
    • Phương pháp lấy thủy tinh thể ngoài bao: Tạo một đường rạch dài hơn ở một phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra. Sau đó hút phần còn sót lại.
    • Sau khi lấy thủy tinh thể, bác sĩ sẽ đặt một kính nội nhãn thay vào vị trí của thủy tinh thể. Kính nội nhãn là một thấu kính nhân tạo trong suốt, sẽ là một phần của mắt bạn suốt đời nhưng bạn không cần phải chăm sóc cho nó. Thị lực của bạn sẽ cải thiện tốt với kính nội nhãn vì ánh sáng xuyên qua nó đến võng mạc. Nhưng bạn cũng không cảm thấy hoặc nhìn thấy thấu kính mới này.
  • Một số trường hợp không thể đặt kính nội nhãn vì đang có bệnh mắt khác hoặc có tai biến khi phẫu thuật. Trường hợp này có thể đeo kính sát tròng hoặc đeo kính gọng sau mổ.
Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.