Sau một tuần học sinh từ mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM trở lại trường học trực tiếp, cả nhà trường và phụ huynh đều băn khoăn về việc xử lý khi có học sinh là F1.
Lớp con tôi có một học sinh là F0. Vậy mà cô giáo thông báo học sinh cả lớp nghỉ ở nhà 14 ngày để theo dõi khiến phụ huynh và học sinh băn khoăn", chị M., phụ huynh có con học lớp 3 tại một trường tiểu học nổi tiếng ở vùng ven TP.HCM, cho biết.
Chị M. kể: "Tôi có gọi điện cho hiệu trưởng nhà trường góp ý rằng bây giờ việc xác định F1 đã khác. Một học sinh là F0 thì chỉ có vài bé là F1 chứ không hẳn là cả lớp. Việc cho học sinh nghỉ ở nhà 14 ngày là không cần thiết. Chỉ còn hơn ba tháng nữa là kết thúc năm học. Nếu cứ mỗi lần phát hiện F0 lại cho học sinh nghỉ học 14 ngày thì thời gian các cháu học trực tiếp chẳng còn là bao. Tuy vậy, hiệu trưởng trả lời là nhà trường làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu Bộ Y tế thay đổi quy định thì trường mới dám thay đổi".
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM xử lý F1 rất khác nhau. Có trường cho học sinh cả lớp nghỉ học, có trường chỉ cho học sinh là F1 nghỉ học 3 ngày, trường cho nghỉ 7 ngày, trường cho nghỉ 14 ngày...
Không chỉ phụ huynh mà nhiều trường mầm non, tiểu học hiện cũng đang chịu áp lực từ nhiều phía.
"Một bên là phụ huynh bức xúc cho rằng trường đang nghiêm trọng hóa vấn đề khi yêu cầu học sinh F1 phải nghỉ ở nhà 7 - 14 ngày. Họ nói rằng học sinh trung học ở TP.HCM đã đi học lại từ tháng 12 và đến nay rất ổn định. Bởi các trường trung học cho phép F1 được đi học bình thường nếu xét nghiệm COVID-19 cho ra kết quả âm tính. Tôi đã giải thích đây là quy định của Bộ Y tế. Học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin nếu là F1 thì phải nghỉ ở nhà. Vậy nhưng phụ huynh vẫn cho rằng như vậy là không cần thiết", hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 chia sẻ.
Theo hiệu trưởng trên: "Quy định về phòng chống dịch của ngành y tế thì nhà trường phải tuân thủ mặc dù thấy nó chưa phù hợp. Tôi cho rằng cần có sự linh hoạt khi xử lý F1 trong trường mầm non, tiểu học ở TP.HCM. Nếu phụ huynh đồng thuận cho con em mình tiếp tục đi học thì nên cho trẻ đến trường học trực tiếp. Nhà trường sẽ có biện pháp phân luồng phù hợp đối với những lớp có F0 để các em có lối đi riêng, toilet riêng...".
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ngoài công lập ở TP Thủ Đức đề xuất: "Ngành y tế đã xác định trẻ nhỏ nếu nhiễm COVID-19 thì cũng sẽ mau khỏi. Vậy tại sao không ban hành quy trình xử lý F1 giống như các trường THPT? Một lớp học có 35 học sinh, chỉ 1 bé nhiễm bệnh mà yêu cầu 34 bé còn lại phải ở nhà thì thật vô lý. Phụ huynh trường chúng tôi đề nghị hãy cho F1 được tự xét nghiệm, nếu âm tính thì nên cho các bé tiếp tục đến trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh".
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong thời điểm hiện tại việc đánh giá F1 đã có những quy định cụ thể, nên cứ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, tránh đánh giá nguy cơ thái quá, một trường hợp nhiễm không thể bắt cả lớp nghỉ học. Bộ Y tế chưa có quy định lại thời gian cách ly F1, trong quá trình thực hiện hướng dẫn nếu có những vấn đề gì chưa phù hợp thì bộ sẽ xem xét lại và điều chỉnh.
"Việc quyết định có nên cho học sinh là F1 đi học bình thường cần xem xét trong các trường hợp cụ thể. Hiện nay thời gian ủ bệnh của COVID-19 có thể ngắn hơn nhưng không phải tất cả các trường hợp. Tuy vậy chúng ta đã chuyển sang quản lý rủi ro nên cũng có thể kết hợp với xét nghiệm để rút ngắn thời gian cách ly F1 nhưng phải được Bộ Y tế hướng dẫn", ông Phu chia sẻ.
Về vấn đề này, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam - cho biết nếu nói đã tiêm đủ liều vắc xin thì F1 không có nguy cơ nhiễm bệnh là không đúng, bởi có nhiều trường hợp tiêm 2 - 3 mũi vẫn có khả năng dương tính. Song, có thể xem xét giảm thời gian cách ly dựa vào yếu tố nguy cơ.
"Nhà trường có thể tự xem xét và đề xuất giảm thời gian cách ly F1 xuống còn 3 ngày, tùy theo yếu tố nguy cơ. Bởi ở lớp, học sinh ngồi trong không gian rộng, thoáng, yếu tố nguy cơ sẽ khác với không gian chật hẹp. Cứ mỗi 3 ngày xét nghiệm 1 lần, nếu âm tính có thể cho trẻ trở lại trường", bà Thư nói.
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - cho biết trong tình hình hiện tại đã có thể tính toán cho học sinh thuộc trường hợp F1 đi học bình thường bởi khả năng lây lan dịch của trẻ em không cao.
"Trong lớp học nếu xuất hiện 1 trường hợp F0, có thể để F1 cách ly tại nhà, nhưng nếu 2 - 3 trường hợp F0, cứ tiếp tục để các F1 cách ly tại nhà thì sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục.
Với những học sinh đã tiêm đủ liều vắc xin, tôi nghĩ dù là F1 thì vẫn nên để các em đến trường học trực tiếp nếu không có triệu chứng, có thể xét nghiệm nhanh kiểm tra mỗi 3 ngày/lần. Những em chưa tiêm có thể theo dõi tại nhà 3 ngày, nếu âm tính thì trở lại trường học bình thường", ông Dũng chia sẻ.
Về xử trí khi lớp học có F0, Bộ Y tế cho biết theo quy định mới nhất phải có 1 trong 4 yếu tố sau mới được coi là F1: có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...) với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 (có đeo khẩu trang, thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát).
Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2m hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0. Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Tuy nhiên khi lớp có F0, việc khoanh vùng, đánh giá thế nào là F1 đang được cho là chưa hợp lý, dẫn đến ảnh hưởng việc học tập của học sinh tại trường (có lớp sau một tuần đi học trực tiếp chỉ còn 4 học sinh, số còn lại phải chuyển sang học online do là F0, F1). Bộ Y tế cho biết hiện chưa có quy định chung về việc này mà cho biết sắp tới sẽ họp và điều chỉnh hướng dẫn cho "phù hợp tình hình hiện nay".
Nguồn: TTO