Ngày 2/5, Bộ Y tế Indonesia thông báo rằng 3 bệnh nhi ở nước này đã tử vong vì viêm gan cấp tính vào tháng 4, nâng số ca tử vong trên toàn cầu do căn bệnh gan bí ẩn ảnh hưởng đến trẻ em từ Mỹ đến châu Á lên ít nhất 4 trường hợp.
Những đứa trẻ nhập viện ở thủ đô Jakarta với các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức - Bộ Y tế Indonesia thông báo.
Hiện Bộ này đang thành lập một hội đồng để xác định nguyên nhân của căn bệnh và ban hành một thông tư để đẩy mạnh giám sát dịch bệnh trên toàn quốc.
Cuối tuần qua, Singapore đã xác nhận một trường hợp viêm gan cấp tính ở một em bé 10 tháng tuổi và đang điều tra xem trường hợp này có biểu hiện giống với các trường hợp khác bị nhiễm bệnh viêm gan bí ẩn được báo cáo trên toàn thế giới hay không.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên toàn cầu, ít nhất một trẻ em khác đã chết vì viêm gan cấp tính và hơn một chục trẻ khác đã được ghép gan sau khi hết bệnh.
Trong khi nguyên nhân của căn bệnh vẫn chưa được xác định, các nhà điều tra đang nghiên cứu một họ mầm bệnh được gọi là adenovirus gây ra một loạt bệnh, bao gồm cả cảm lạnh thông thường.
Tại Mỹ, sự gia tăng các trường hợp viêm gan nặng ở trẻ em đã khiến các quan chức y tế bang Wisconsin vừa phải đưa ra cảnh báo sau khi xác định "ít nhất 4 trường hợp tương tự" có thể dẫn đến cái chết như trường hợp bệnh nhi đầu tiên ở Mỹ, liên quan đến bệnh gan bí ẩn ở trẻ em.
Hiện hơn 20 trường hợp viêm gan nặng đã được báo cáo ở ít nhất bảy tiểu bang Mỹ và các trường hợp bệnh tương tự cũng đã được báo cáo ở ít nhất 11 quốc gia (bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Scotland, Ireland, Israel, Nhật Bản và có thể là Canada).
Kể từ ngày 1/10/2021, 9 trường hợp viêm gan trẻ em đã được xác nhận ở trẻ em Alabama trong độ tuổi từ 1 đến 6 mà không rõ nguyên nhân. Tất cả 9 trường hợp đều dương tính với adenovirus, không có trường hợp nào tử vong.
Tiến sĩ Greg DeMuri, Giáo sư tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết, adenovirus thường gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và đã được biết là gây ra bệnh viêm gan trong quá khứ.
Theo Tiến sĩ DeMuri, không phải trường hợp bệnh nhân nào bị viêm gan cũng phải đi xét nghiệm adenovirus. "Tuy nhiên, bây giờ các bác sĩ lâm sàng cần làm điều đó" – Tiến sĩ DeMuri khẳng định, đồng thời lưu ý rằng một số đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu các công cụ chẩn đoán tốt hơn so với xét nghiệm máu truyền thống để xác định chính xác nguyên nhân của các đợt bùng phát.
"Chúng tôi cần biết: Đây có phải là một loại virus đột biến, một biến thể dễ lây nhiễm hơn và có nhiều khả năng gây nhiễm trùng ở gan hơn hay đây chỉ là một sự xuất hiện ngẫu nhiên?" – Tiến sĩ DeMuri cho hay.
Hà Anh
(Theo Strait Times, Boston25News)
Nguồn: SKDS